Trang chủ Deep Cut Cùng nhau ngắm nhìn lại “To Pimp A Butterfly” của Kendrick Lamar...

Cùng nhau ngắm nhìn lại “To Pimp A Butterfly” của Kendrick Lamar (phần III)

0

III-THE BUTTERFLY/CHÚ BƯỚM:

Phần cuối cùng của To Pimp a Butterfly chính là góc nhìn của những chú bướm sau khi thoát khỏi cái kén. Kendrick Lamar đã đưa ra các giải pháp để giúp đỡ và phát triển cộng đồng người da màu như việc quay trở về đất mẹ Châu Phi hoặc sử dụng quyền lực & tiền bạc để chấm dứt xung đột của những người cùng màu da.

Ở phần kết, K-Dot kết thúc bài thơ bằng một cuộc trò truyện với một người vô cùng đặc biệt sẽ được tiết lộ trong bài viết.

  • For Sale? (Interlude):

Tiếp tục motif của câu chuyện, mở đầu track chính là tiếng thở dốc của Kendrick Lamar sau khi anh “went runnin’ for answers” trong đoạn kết Alright. Nhưng trước khi tìm được câu trả lời, anh lại chạm trán Lucy và tiếp tục phải nghe những lời đường mật từ hắn:

“Lucy gone fill your pockets
Lucy gone move your mama out of Compton
Inside the gigantic mansion like I promised”

Đây chính là thời điểm mà K-Dot nhận ra sự giả dối trong những lời hoa mĩ kia, những lời thủ thỉ về tiền bạc và quyền lực nếu anh kí vào bản hợp đồng với Lucy. Đoạn cuối track chứng kiến sự thay đổi trong tone bài nhạc từ mơ mộng sang những giai điệu rùng rợn và ma quái giống như những lời hứa của Lucy.

For Sale? chính là phiên bản ngược lại của For Free? trong Phần 01. Nếu như For Free? là tiếng nói của Kendrick Lamar với Uncle Sam thì đây chính là lời thủ thỉ của Lucy khiến cho K-Dot phải chạy trốn tìm câu trả lời và anh đã tìm được ra:

“The evils of Lucy was all around me
So I went runnin’ for answers
Until I came home”

  • Momma:

Đây chính là câu trả lời mà K-Dot đã tìm kiếm và là một trong những track mà anh gửi gắm đến cho toàn bộ đồng bào da màu về cách để thoát khỏi cám dỗ. “Nhà” với Kendrick có 03 lớp nghĩa: là Compton, là bản chất của anh trước khi bị danh vọng đánh cắp và rộng hơn chính là quê nhà Châu Phi.

a/ Nhà là Compton:

Lớp nghĩa đầu tiên và dễ hiểu nhất chính là Compton. Đây là nơi thân thuộc và là nơi anh được sinh ra. Anh gửi lời tri ân đến thành phố này cũng như rap vì nhờ có rap nó đã đưa anh về lại Compton — hay chính là album good kid, m.A.A.d city:

“Thank God for rap, I would say it got me a plaque
But what’s better than that?
The fact it brought me back home”

Ảnh minh họa

b/ Nhà là bản chất của anh trước danh vọng:

Lớp nghĩa ở verse thứ hai chính là bản chất của anh khi chưa có danh vọng và chỉ là một cậu nhóc ở Compton. Anh làm bạn với đường phố những đời sống khó khăn nhưng danh vọng đã làm anh quên đi bản chất của mình ở Compton và giờ là lúc anh trở lại như xưa:

“I know how people work
I know the price of life, I’m knowin’ how much it’s worth
I know what I know and I know it well not to ever forget
Until I realized I didn’t know shit
The day I came home”

c/ Nhà là quê hương Châu Phi:

Lớp nghĩa ở verse cuối cùng chính là quê hương của người da màu và nhắc nhở hãy hướng về cội nguồn là Châu Phi. Dường như nước Mỹ đã nuôi dạy người da màu theo một cách tẩy trắng khiến ít người muốn về xây dựng lại quê hương và Kendrick muốn chấm dứt điều đó:

“But if you pick destiny over rest in peace then be an advocate
Tell your homies especially to come back home”

  • Hood Politics:

Nếu như track Momma kể về việc K-Dot đã lãng quên lối sống đường phố thì Hood Politics đưa anh trở lại về thời điểm đường phố là toàn bộ những gì anh biết. Kendrick đã giải thích toàn bộ những nguyên tắc băng đảng ở Compton — giống như những gì anh đã làm trong good kid, m.A.A.d city trong verse 1:

“Came in this game, you stuck your fangs in this game
You wore no chain in this game, your hood, your name in this game”

Còn verse thứ hai và ba chính là cách mà tình hình chính trị cũng như rap game đã ảnh hưởng đến lối sống này. Verse huyền thoại của anh trong Control cũng là chủ đề bàn tán và một trong những hình ảnh ẩn dụ nổi tiếng Demo-Crips versus Re-Blood-icans chính là điểm nhấn của track. Hai verse này cũng là có thể hiểu cách mà Uncle Sam (chính quyền) và Lucy (rap game) đã chiếm lấy anh và khiến anh phải đi tìm lối thoát, đó là trở về Châu Phi.

  • How Much a Dollar Cost & Complexion (A Zulu Love):

Đây là hai track nói về chuyến hành hương của K-Dot về với quê hương Châu Phi. Track đầu tiên mang tên “How Much a Dollar Cost” kể về cuộc gặp gỡ của Kendrick và một người ăn xin ở nơi này. Ông chỉ xin anh có 1 dollar nhưng Kendrick liên tục từ chối và còn có ý định muốn tấn công ông. Cuối cùng, ông lão chính hé lộ việc chính là hiện thân của Chúa và sự ích kỉ của Kendrick đã làm anh đánh mất chỗ trên Thiên đường:

“—and I’ll tell you just how much a dollar cost
The price of having a spot in Heaven, embrace your loss, I am God”

Kendrick đã nhận ra sự thiếu lương tâm và ích kỉ nên đã hỏi cách để chuộc lỗi với Chúa, và anh bắt đầu nó bằng việc hoà mình cùng văn hoá Nam Phi hay cụ thể hơn là văn hoá thổ dân Zulu. Track này cũng đề cao quan điểm rằng mọi màu da dù trắng hay đen cũng đều cần được đối xử công bằng, tương tự với màu xanh (Crips) và đỏ (Bloods).

  • The Blacker the Berry:

Đây là track chủ đề của album cũng như là track ‘nặng đô’ nhất từ khâu sản xuất tới lyrics trong track. Verse đầu tiên chính là cái nhìn của nước Mỹ đối với người da màu cùng những hệ luỵ của nó. Người da màu được nhìn nhận là phải băng đảng và bạo lực; và điều này ngấm ngầm len lỏi vào trong suy nghĩ của chính những người da màu rằng phải giết người thì mới “real”:

“You hate me don’t you?
You hate my people, your plan is to terminate my culture
You’re fuckin’ evil I want you to recognize that I’m a proud monkey
You vandalize my perception but can’t take style from me”

Verse thứ hai thể hiện sự phẫn nộ của K-Dot trước việc chính những người da màu đang giết hại lẫn nhau. Chính Kendrick cũng đã từng giết người nhưng đã thoát tội:

“Watchin’ me as I pull up, fill up my tank, then peel out
Muscle cars like pull ups, show you what these big wheels ’bout, ah”

Verse cuối cùng chính là sự giả tạo của Kendrick, một sự tương phản với verse 2 khi mà anh khóc than cho người bạn của mình bị giết trên đường phố nhưng chính anh lại ra tay giết hại một người khác ‘da còn đen hơn của mình’:

“So why did I weep when Trayvon Martin was in the street?
When gang banging make me kill a nigga blacker than me?
Hypocrite!”

Đây có thể nói là bước ngoặt trong việc chuộc lỗi của mình khi K-Dot đã trở lại Compton để cứu lấy những người đang chịu cảnh bắn giết hàng ngày. Khâu production cùng đoạn hook cực kì ý nghĩa khiến đây là một viên ngọc đen quý giá trong album.

  • You Ain’t Gotta Lie (Momma Said) & i:

Sau khi đã sử dụng năng lượng của mình để cứu lấy Compton, K-Dot như đã trở lại một người bình thường sau những biến cố; và hai track này chính là cổ vũ việc sống thật và yêu bản thân. Track You Ain’t Gotta Lie chính là lấy lời từ người mẹ anh, rằng anh không cần phải nhận những lời khuyên giả tạo mà hãy sống thật với bản thân mình:

“You ain’t gotta lie to kick it, my n***a”

Còn track i chính là sự đối nghịch với track u ở phần trước, khi mà tại đây Kendrick nói về việc yêu bản thân. Tuy nhiên, thay vì giữ nguyên bản studio như single đã ra mắt thì phiên bản này lại là khi K-Dot diễn live và nhận được chỉ trích từ khán giả, cho rằng họ không có thời gian để ‘giả làm người bị hại’ hay ‘tỏ ra bi luỵ’. Nhưng cuối cùng, đám đông đã cảm phục trước nguồn năng lượng của Kendrick và anh trở thành người dẫn đường cho họ.

  • Mortal Man:

Track cuối cùng trong album là khi Kendrick Lamar đã trở thành một người bình thường và tại đây anh đã đặt câu hỏi cho những người ủng hộ rằng liệu họ có trung thành với anh không:

‘When shit hit then fan, is you still a fan?—’

K-Dot sử dụng hình ảnh của Nelson Mandela, Martin Luther King Jr, Malcolm X và Moses để tạo sức hút cho luận điểm của mình. Track đã được đẩy lên cao trào khi K-Dot có một cuộc trò chuyện hết sức đặc biệt, đó là với 2Pac; hoặc ít nhất là với những gì 2Pac đã nói trong quá khứ. Bài thơ hoàn chỉnh được anh đọc cho Pac và cả hai cùng nhau bàn luận về cách giải quyết và hướng đi cho người da màu.

IV-TỔNG KẾT:

Như vậy thì chặng đường với To Pimp a Butterfly cũng đã kết thúc và theo quan điểm cá nhân của tôi thì đây chính là một trong album Hip-Hop xuất sắc nhất mọi thời đại từ khâu sản xuất tới những câu chuyện và những lớp nghĩa xuất hiện trong album. Cách mà Kendrick Lamar đã xuất sắc lồng ghép từ jazz fusion, blues hay funk vào cùng với boombap và trap thực sự khiến album này nổi bật so với tất cả các album rap khác.

Đặc biệt cảm ơn các anh em đã kiên nhẫn đọc đến đây và liệu mọi người muốn tôi phân tích album nào khác nữa không thì comment giúp nhé.

Theo: Nguyễn Hải Long

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version