Trang chủ Gangs Điều gì đã tạo nên văn hóa “dân tổ” tại Nhật Bản

Điều gì đã tạo nên văn hóa “dân tổ” tại Nhật Bản

0

1. Tổng quan về văn hóa Bosozoku :

Bosozoku là tên gọi của một tiểu văn hóa thành thị tại Nhật Bản, có liên kết chặt chẽ với các câu lạc bộ chơi xe độ và những băng đảng. Cũng như Hip-Hop, văn hóa Bosozoku cũng có những chất riêng của mình. Đặc điểm dễ nhận ra và ấn tượng nhất ở những người theo văn hóa này là thú chơi xe độ và cách họ gắn kết với nhau dưới danh nghĩa một băng đảng. Bosozoku còn phân ra các nhánh như : Shakotan, Yankii, VIP, Kyusha, Grachan Bosozoku.  

+) Shakotan : kiểu xe gầm thấp có những ống xả lớn.

+) Yankii : đi cùng với sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, Nhật Bản cũng có những ảnh hưởng nhất định về thời trang khi những chiếc áo sơ mi và quần aloha sặc sỡ lên ngôi, và những người diện kiểu này được gọi là các Yankees. Hầu hết các “bad boy” đều ăn diện theo phong cách Yankees và do đó Bosozoku trở nên tương đương với phong cách Yankees. Theo cách của người Nhật, nó được viết là “Yankii”.

+) VIP : Điểm nổi bật ở đây đó là tất cả những chiếc xe theo nhánh này đều thuộc hạng sang, có gầm thấp và được đính rất nhiều thứ mới lạ (kể cả kim cương, hột xoàn, các loại trang sức). Phong cách VIP thường có xu hướng sử dụng những chiếc xe mới hơn trong khi Bosozoku truyền thống ưa dùng xe cũ.

+) Kyusha : có nghĩa đen là “xe cổ Nhật Bản”, trong nhiều trường hợp nó có nghĩa là một chiếc xe cũ được sửa đổi với một tấm chắn bùn, hạ gầm thấp và có vành xe đẹp.

+) Grachan : thuật ngữ này xuất hiện sau Giải Vô Địch Đường Cao Tốc Fuji những năm 70 và 80. Những chiếc xe “Grachan” có hơi hướng khá giống với xe đua.

+) Bosozoku : theo nhiều người nhận xét, phong cách này là sự tổng hòa của toàn bộ những nhánh trên. Đó có thể là cách hạ thấp xe như Shakotan, sử dụng tấm chắn bùn lớn như Yankii hay thân xe giống với Grachan.

2. Các băng đảng xe motor trong văn hóa Bosozoku :

Nhật Bản là một quốc gia phải gánh chịu những hậu quả nặng nề vì chiến tranh, và tất nhiên vào khoảng 70 năm trước thì đất nước này vẫn chưa thực sự phát triển rực rỡ như hiện tại. Tuy rằng đã có những cải cách đổi mới trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng xã hội Nhật vẫn còn những vấn đề liên quan đến con người. Những phi công quân đội đế quốc Nhật cũ, kể cả phi công Kamikaze (những người thực hiện chiến dịch cảm tử trong cuộc chiến) trước kia tuy được tôn trọng nhưng trớ trêu thay lại bị bỏ lại sau chiến tranh. Từ đó, các cựu chiến binh liên kết với nhau và thành lập các nhóm gọi là “Kaminari Zoku”, và đó cũng là tiền thân của Bosozoku sau này. Việc đặt nền móng cho Bosozoku phần nào cũng vẽ ra một lối thoát tinh thần cho những con người bị bỏ rơi trong bối cảnh xã hội Nhật khi ấy vẫn còn chưa ổn định sau cuộc chiến tàn khốc.

Hình ảnh các băng Bosozoku được biết đến rộng rãi nhất qua những đặc điểm như : bang phục, cờ băng, lái xe một cách “thiếu an toàn”, sử dụng bạo lực như một cách thể hiện quyền uy và thứ không thể thiếu ở họ là những chiếc xe motor được độ linh kiện bắt mắt.

Thành viên của Bosozoku Gangs thường là những thanh thiếu niên đang ở độ tuổi từ 16 đến 20. Có thể coi dạng thành viên của những băng này như là các học sinh của “lớp vỡ lòng” trước khi trở thành thành viên cấp thấp của Yakuza (Mafia Nhật). Những người này xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội, nhưng phần nhiều đến từ tầng lớp có địa vị thấp. Họ gia nhập băng đảng vì nhiều lý do, ví dụ như : bất mãn với bộ máy chính quyền, không hài lòng với địa vị xã hội của mình, hoặc có thể chỉ đơn giản là … đam mê, ưa sự nổi loạn và chống đối.

Những băng đảng Bosozoku đều có bang phục riêng, được gọi làTokkofuku”. Mỗi băng đều có những màu sắc và cái chất khác nhau, là niềm tự hào của thành viên trong băng. Dân Bosozoku không muốn dùng đồ giống phương Tây, thậm chí là tỏ thái độ ghẻ lạnh với chúng. Vậy nên họ tự tạo ra phong cách riêng của mình qua những chiếc Tokkofuku. Tokkofuku là một bộ đồ độc đáo được lấy cảm hứng từ trang phục của phi công quân đội Đế Quốc Nhật, cũng chính điều này khiến các Biker Gang ở Nhật Bản có nét riêng khác so với những nước khác trên thế giới.

Những người có vị trí quan trọng trong bộ máy băng đảng sẽ có thêm một sợi dây quấn sau lưng, vật này được gọi là “Tasuki” (khá giống với dây Obi quấn Kimono, nhưng Tasuki có phần dài hơn). Riêng tổng trưởng sở hữu một chiếc áo khoác với chữ Kanji cách điệu, và những chiếc áo này sẽ được truyền lại cho các đời tổng trưởng kế tục. Vũ khí luôn là thứ không thể thiếu với một băng đảng, nên Bosozoku Gang thường mang theo gậy sắt, gậy bóng chày, thậm chí là kiếm gỗ (trong môn Kendo) và cả dao nếu cần.

Những dân chơi Bosozoku tự cho rằng họ là những người bảo vệ cho những giá trị truyền thống tốt đẹp của xứ sở hoa anh đào, đại diện cho tinh thần Samurai bất khuất từ ngàn xưa của người Nhật trong đời sống hiện đại. Ngoài ra họ cũng đề cao ý chí của con người Nhật Bản qua việc thể hiện niềm kính trọng với Nhật Hoàng, sự tự tôn dân tộc này còn được thể hiện qua những chiếc mũ bảo hiểm in hình quốc kỳ Đế Quốc Nhật cũ.

Khác với những băng nhóm ở châu Mỹ, Bosozoku tuy rằng hoạt động dưới danh nghĩa một băng đảng nhưng rất ít khi nhúng tay vào các hoạt động phạm pháp như buôn ma túy, cướp giật. Những ảnh hưởng đến xã hội mà Bosozoku mang lại chỉ là gây rối trật tự, nhưng vẫn có trường hợp biến tướng trở thành Yakuza vì những tham vọng lớn hơn.

Nguyên tắc của Bosozoku là đặt tình đồng đội lên hàng đầu, khi danh dự của băng bị đe dọa, cả đội sẽ chiến đấu tới cùng. Với một số băng nhóm còn có chuẩn mực đạo đức rằng không gây hại cho người lương thiện và kẻ yếu thế, chỉ gây rối các nhân viên cảnh sát. Tuy nhiên do các cuộc giao tranh thường xảy ra giữa các băng nhóm mà tình trạng quá tay hạ sát một người không phải là không có, bởi những Bosozoku sống với tôn chỉ sống chết cùng anh em, đồng chí.

3. Sự suy thoái của Bosozoku :

Vì tính chất phức tạp của những hoạt động gây rối có thể ảnh hưởng lớn tới trật tự xã hội, chính phủ Nhật Bản quyết định mạnh tay dẹp loạn nhằm giảm sự ảnh hưởng của Yakuza, và Bosozoku cũng không phải ngoại lệ. Trước kia, các Bosozoku ít khi phải chịu trách nhiệm hình sự sau song sắt, bởi những hành vi của họ chỉ là lái xe ẩu, hay vượt quá tốc độ, gây ách tắc giao thông hoặc làm mất trật tự công cộng. Nhưng mọi chuyện đã khác kể từ khi chính quyền cho phép các nhân viên cảnh sát được triệt phá bất cứ hành vi đua xe trái phép nào được tổ chức.

Ngoài ra, vào thời kỳ nước Nhật rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế thì Bosozoku Gang khó có thể tiếp tục hoạt động. Bởi motor vốn là thứ không rẻ, những bộ đồng phục cũng không kém cạnh. Cho nên việc các thanh niên có thể tiếp cận được những điều thiết yếu để trở thành một thành viên băng là bất khả thi.

4. Liệu Bosozoku có hồi sinh trở lại ?

Tuy đã tàn lụi, nhưng những ảnh hưởng của văn hóa này đến với quần chúng nhân dân Nhật Bản là vẫn còn. Bằng chứng là sự trở lại của “Bosozoku 2.0” vào những năm trở lại đây, dưới cái tên Kyushakai. Nhưng khác với Bosozoku thuần túy, Kyushakai đã có những bước chuyển mình để phù hợp hơn với tình cảnh hiện tại. Dân Kyushakai tuân thủ luật lệ giao thông, không gây rối và có các hoạt động tương đồng với phượt thủ. Dẫu vậy nhưng nó vẫn giữ được những nét độc đáo của một thời kỳ Bosozoku huy hoàng đã qua. Kyushakai quy tụ những người đam mê xe độ từ 20 đến 60 tuổi, bao gồm cả những cựu thành viên băng Bosozoku khi xưa.

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version