More

    Frank Ocean và những ám ảnh về quá khứ trong “Blonde”

    5 năm trước, album phòng thu thứ 2 của Frank Ocean mang tên “Blonde” đã được ra mắt, kèm theo đó là những lời tán dương của giới báo chí và cả fan hâm mộ.

    “Blonde” không chỉ là một trải nghiệm âm nhạc sâu lắng, đầy cảm xúc và nhạy cảm, nhưng nó còn ẩn chứa những nỗi đau và góc khuất trong quá khứ của Frank Ocean mà trước đây anh chưa từng tiết lộ.

    Xuyên suốt album, ta được Frank dẫn dắt trên chuyến xe trở về quá khứ, những kỷ niệm dần hiện lên qua lời nhạc và tông giọng của anh. Frank không đơn thuần chỉ kể về những mảnh ghép cảm xúc, đó là sự chiêm nghiệm và nhìn lại thời gian trước của anh. Bìa album cũng là một ẩn dụ cho việc đó. Trong ảnh, ta thấy một Frank Ocean với đầu nhuộm xanh lá, trong khi chữ trên bìa album lại là Blonde (tóc vàng). Có thể hiểu rằng, khi ta nhuộm tóc bằng màu xanh lá thì sớm muộn, những hóa chất màu đó sẽ phai dần và trở thành màu vàng. Màu xanh và màu vàng được coi là đại diện của hai khoảng thời gian trong thời thanh xuân, với màu xanh là sức trẻ, những ngày tháng tươi đẹp của tuổi trẻ, trong khi màu vàng lại báo hiệu sự chững lại, với những suy nghĩ già dặn hơn và những chiêm nghiệm của chính Ocean. Concept này được áp dụng ngay trong album với “Nights”. Đây không chỉ là một track nhạc tuyệt phẩm về nội dung và instrumental, mà nó còn có mang một vị trí quan trọng trong tracklist của album. Nếu để ý kỹ thì khi phần beat switch đến và chia nửa album ra, đúng 30 phút của hai giai đoạn.

    Những mảnh kỷ niệm buồn, những con người không tên và những chuyến xe trống rỗng là chủ đề được bao quát khắp “Blonde”, nhuộm lên nó những mảng màu buồn trong suy nghĩ của Frank.

    “White Ferrari”, “Self Control”“Ivy” đều đưa người nghe đến những câu chuyện trong quá khứ, khi Frank và người tình vẫn còn yêu nhau đắm đuối, họ đã trao nhau những giây phút tuyệt đẹp và đáng nhớ bên nhau, nhưng họ lại không thể cùng nhau đi đến cuối con đường. “Nikes” là những câu chuyện về niềm tin, sự lạc lỏng chốn đông người và những chuyến trip không ngừng nghỉ. “Solo” nhìn lại những suy nghĩ của Frank vào lúc mối tình của hai người gần như đã tan vỡ, mỗi người đều muốn đi lối riêng. “Seigfred” lại là về những nỗi sợ và sự hối hận của Frank khi để cái tôi của mình ngăn cản hai người cùng đi với nhau. Và “Godspeed” là một cái kết tuy đẹp, nhưng buồn thấm đẫm cho những mối tình của Ocean, dù rằng họ đã không thể tiếp tục yêu nhau như trước, nhưng anh vẫn hứa sẽ chăm lo và quan tâm đến người kia, sẵn sang đón nhận họ, và kèm theo đó là một lời chúc “thượng lộ bình an” với tình cũ.

    Dù có là 5 năm, 10 năm hay 20 năm nữa, “Blonde” sẽ luôn có một chỗ đứng quan trọng trong nền âm nhạc thế giới nói chung, và trong discography của Frank Ocean nói riêng. Nó vẫn sẽ là thứ âm nhạc để xoa dịu tâm hồn con người và trân quý những nỗi đau trong quá khứ mà nhiều người đã trải qua.

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây