Trang chủ Deep Cut Graffiti – Thứ nghệ thuật sắc màu đến từ đường phố

Graffiti – Thứ nghệ thuật sắc màu đến từ đường phố

0

Chúng ta biết rằng văn hóa Hip-Hop bao gồm các yếu tố chính: Rap, DJ/MC, Breakdance và Graffiti. Nhưng khi nhắc tới Hip-Hop, chúng ta chỉ thường sẽ nghĩ ngay đến Rap, DJ và Breakdance, song không ít lần chúng ta quên nhắc về Graffiti.

Vậy, Graffiti là gì và nó đã trở thành một trong các yếu tố nghệ thuật màu sắc chính của đường phố như thế nào?

Một Train Writer đang thực hiện tác phẩm của mình (Ảnh: thinkhousehq.com)

Quay ngược trở lại từ thời xa xưa, con người đã tự sáng tạo ra các loại hình nghệ thuật để thỏa mãn nhu cầu giải trí và cảm thụ cuộc sống của mình. Trong đó phổ biến nhất đó chính là hội họa, vũ điệu, âm nhạcvăn chương. Sau này khi phát triển lên, các nền văn hóa khác nhau cũng đều tự tạo cho mình những phong cách nghệ thuật khác nhau dựa trên những yếu tố đó.

Đối với Hiphop, yếu tố hội họa – tô điểm màu sắc vật chất cho văn hóa nằm ở Graffiti. Graffiti bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ là “graphein” có nghĩa là ‘Viết’. Có thể hiểu khái niệm về Graffiti là tạo ra những tác phẩm nghệ thuật màu sắc theo phong cách nguệch ngoạc, được vẽ lên trên một bề mặt phẳng (thông thường sẽ là tường). Các Graffiti hiện đại xuất hiện lần đầu tại Philadelphia và New York ở Mỹ vào những năm 60-70s của thế kỉ trước. Sự ra đời đầu tiên của Graffiti đến từ những dòng chữ “Cornbread” ở các ngõ ngách của Philadelphia được viết vởi Darryl “Cornbread” McCray – nghệ sĩ graffiti hiện đại đầu tiên. Sau đó, tại New York có một nghệ sĩ nhập cư gốc Hy Lạp với nghệ danh “Taki 183” đã mang đến cho N.Y.C những con chữ đầy mới lạ ở các bốt điện thoại, ga tàu điện ngầm, … kể từ đó, Graffiti dần trở thành một phần của đường phố và góp phần không nhỏ trong việc phát triển các loại hình nghệ thuật đường phố khác nhau.

Taki 183

Graffiti chủ yếu được người nghệ sĩ tạo dựng nên bằng những con chữ nguệch ngoạc, “đổ nát” và mang khuynh hướng không hề tuân theo bất cứ luật lệ thẫm mĩ nào. Do tính chất đường phố của nó cũng như các vấn đề pháp lí liên quan đến tài sản cá nhân, Graffiti đã từng bị phản đối gay gắt với lí do “gây mất thẩm mĩ đô thị”. Song, với tính chất quen thuộc và tự do của mình nên dần dà, Graffiti được công nhận và phổ biến nhiều hơn, tuy nhiên vẫn còn một số nơi áp đặt định kiến lên nó. Graffiti chủ yếu được tạo nên bằng sơn phun, các loại màu tự nhiên, … hay thậm chí đã từng có thời kì người ta sử dụng cả xi đánh giày, một số chất có cấu tạo từ mỡ động vật, … để làm “mực vẽ” Graffiti. Hiện nay, Graffiti chủ yếu được các nghệ sĩ đường phố sử dụng màu phun nhiều nhất để vẽ, và cũng ngày càng xuất hiện các bức graffiti chất lượng ở trên các ngõ ngách của thế giới.

Song song với vẻ đẹp của Graffiti, tất nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Bởi lẽ không phải ai cũng đều có chung một đại dương, cho nên mỗi người khi nhìn vào graffiti cũng có những góc cảm quan khác nhau. Có người khen cũng có người chê, do đó có một số bức graffiti được vẽ ngoài đường không được sự đón nhận nhất định. Cũng có những nơi có những bức graffiti vô cùng đẹp song lại là những bức tường thuộc tài sản cá nhân hoặc các cơ quan, tài sản của tập thể chung cho nên vô tình những bức tranh đẹp đó lại lỡ làm xấu , hư hỏng các công trình, tài sản ấy dẫn đến việc mất đi giá trị ban đầu của nó. Do đó, các nghệ sĩ vẽ Graffiti cũng nên biết chỗ nào nên vẽ và chỗ nào không nên vẽ để đem lại một tác phẩm nghệ thuật mà vừa đảm bảo cảnh quan, vừa tôn trọng cá nhân tập thể mà cũng vừa được sự đón nhận của cộng đồng.

Bức vẽ được thực hiện bởi Javier

Dù rằng Graffiti phát triển song hành cùng Rap và Breakdance, tuy nhiên tại Việt Nam khi nhắc đến Hiphop chúng ta vẫn thường hay quên về Graffiti. Đây là một môn nghệ thuật xứng đáng có chỗ đứng trong cộng đồng và cả văn hóa, bởi lẽ để vẽ một bức tranh, một họa sĩ cũng giống như một nhạc sĩ hay văn sĩ, họ đều phải lao động sức sáng tạo và bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức hay thậm chí cả tiền bạc để có thể đem tới cho công chúng thành quả lao động của chính mình. Graffiti cũng là một phần nói lên suy nghĩ của người họa sĩ lên với cuộc sống dưới gốc nhìn của họ (Như tấm ảnh nói về “thời gian và công việc giam cầm chúng ta” tôi để ở đây, được đăng bởi một họa sĩ đường phố có tên Javier vào ngày 1/2/2020) giống như Rap, do đó nó xứng đáng được biết đến và phổ biến rộng rãi hơn mỗi khi nhắc đến Hip-Hop.

Bằng trái tim chân thành, người viết xin respect tất cả các anh em nghệ sĩ Graffiti nói riêng và những người anh em thuộc các lĩnh vực khác nhau trong văn hóa Hiphop nói chung vì đã góp phần không nhỏ đối với sự phát triển của văn hóa Hiphop, ngày càng phát triển và có giá trị, ý nghĩa hơn.

“We are not only the artist, we are hip-hop”.

Theo: Bảo Khang

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version