Các tổ chức Yakuza cũng tương tự như mafia Ý, họ xem các thành viên cũng như là một gia đình. Họ thu nhận những đứa trẻ đầu đường xó chợ trên đường phố Nhật Bản và rồi những người lớn tuổi trong tổ chức sẽ đóng vai trò như người giám hộ, hoặc hơn nữa là cha mẹ thay thế để dạy những đứa trẻ này cách để trở thành một Yakuza.
Và Yakuza đã chính thức hóa toàn bộ quá trình thông qua “sakazuki”
Trong lịch sử Nhật Bản, “sakazuki” được sử dụng để thể hiện lời hứa hoặc một sự giao dịch của đôi bên. Ví dụ, sakazuki đã được thực hiện ba lần trong các lễ cưới trong Thần Đạo (lời hứa, củng cố tình cảm vợ chồng), nhưng trong thời nay đối với con mắt của một người bình thường thì nghi thức này đã khá là lỗi thời. Tuy nhiên, sakazuki lại cực kỳ quan trọng và cũng là một nét đặc trưng đối với Yakuza theo nhiều cách, vì nó tượng trưng cho sự gắn kết của một gia đình theo đúng nghĩa đen.
Trong số các tổ chức Yakuza khác nhau, thì các nghi thức sakazuki cũng tương đối khác nhau. Cụ thể, ở các bakuto (con bạc) và tekiya (người bán hàng rong) tiền thân trước đó của các Yakuza, mỗi buổi lễ sakazuki đã được gọi bằng những cái tên khác nhau. Nhưng tất cả đều có những điểm tương tự như bốn vị trí sakazuki quan trọng nhất là atomesouzoku, oyakosakazuki, kyoudaisakazuki, và nakanaorisakazuki. Hay nói một cách dễ hiểu nhất thì đây sẽ là những cấp bậc (trong gia đình) cha mẹ-con, anh-em …
Bản thân buổi lễ cũng diễn ra vô cùng trang trọng. Sau khi chọn được ngày của buổi lễ, một bàn thờ được dựng lên trong một căn phòng đã được thanh tẩy về mặt nghi lễ. Ba cuộn giấy được đặt trên bàn thờ để tượng trưng cho ba vị thần. Nếu nghi lễ được thực hiện bởi một gia đình bakuto, các vị thần sẽ là: thần chiến tranh Hachiman; Amaterasu-ookami, nữ thần mặt trời và là tổ tiên của tất cả các vị vua Nhật Bản; Kasuga-daimyoujin, vị thần của đền Kasuga. Nếu được thực hiện bởi một gia đình tekiya, các cuộn giấy sẽ tượng trưng cho: Kinjou-tenno, vị vua đang tại vị; Amaterasu-ookami; Sheng Gong koutei, thần hộ mệnh của các tekiya và cũng là một vị hoàng đế huyền thoại của Trung Quốc cổ đại.
Mười hai ngọn nến được thắp sáng trên bàn thờ, tượng trưng cho các lời chúc tụng và 12 cung hoàng đạo. Các lễ vật khác nhau cũng được đặt trên bàn thờ, bao gồm: 1 chai rượu sake Nhật Bản; 1 cốc rượu sake; 3 gò muối, tượng trưng cho sự may mắn; 2 con cá tai tượng, một con lớn hơn con kia, tượng trưng cho mối quan hệ cha mẹ – con cái.
Buổi lễ sẽ được bắt đầu với một thông báo từ người chủ lễ, người sẽ tiến hành rót một cốc rượu sake cho oyabun (ông chủ). Oyabun uống từ cốc, sau đó đưa cốc cho kobun (thuộc hạ), người này hoàn thành cốc thì tiến hành gói nó trong giấy nghi lễ, rồi đặt nó vào túi của mình. Điều này tượng trưng cho lòng trung thành bất diệt mà kobun sẽ có đối với oyabun của mình. Sau đó, họ tiến tới bàn thờ, nơi rượu sake được dâng lên các vị thần bằng các lễ vật đã nói ở trên. Ngay cả khi nghi lễ được tiến hành giữa các kyoudai (anh em), vẫn có một hệ thống phân cấp khá là cứng nhắc, nơi kyoudai cao hơn đảm nhận vị trí của oyabun, và kyoudai thấp hơn kobun ….
Sau buổi lễ, những người tham dự sẽ đi đến một nhà tắm địa phương, nơi các Yakuza có thể phô diễn những irezumi (hình xăm) toàn thân của họ. Và rồi tất cả sẽ kết thúc với một bữa tiệc lớn vô cùng náo nhiệt.