More

    To Pimp A Butterfly – Tiếng nói đấu tranh của những con người dưới đáy xã hội

    Ngày 10 tháng 3 năm 2015, rapper đến từ Compton Kendrick Lamar đã chính thức trình làng siêu phẩm của thập kỷ mang tên “To Pimp A Butterfly”. Album được phát hành bởi Top Dawg Entertainment, Aftermath Entertainment và phân phối qua Interscope Records. “To Pimp A Butter Fly” là album phòng thu thứ 3 trong sự nghiệp của lyrical rapper tài năng của thế hệ mới Kendrick Lamar.

    Album có sự tham gia góp giọng của khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng : Snoop Dogg, Anna Wise, Bilal, Thundercat, George Clinton, James Fauntleroy Trong đó, đội ngũ sản xuất phải kể tới : producer kì cựu Dr. Dre, Pharrell William, Taz Arnold, Love Dragon, Knxwledge, … “TPAB” là sản phẩm khá dài hơi của K-Dot và ekip khi phải mất đến 5 năm để hoàn thành và có được sự hoàn hảo, chỉn chu như ngày hôm nay.

    Bìa album là một bức tranh với nhân vật chính là K-Dot cùng những người anh em của mình tạo dáng trước khung cảnh Nhà Trắng nguy nga – biểu tượng của quyền lực và sức mạnh chính trị tối cao xứ cờ hoa. Ở giữa khung hình là anh đang bế trên tay một đứa trẻ và nở một nụ cười sảng khoái – đứa trẻ đó chính là những mầm non tương lai, những thế hệ sẽ tiếp bước đàn anh để trở thành niềm tự hào của người da màu. Dưới chân chàng rapper cùng những người bạn là một gã quan tòa da trắng bị đánh dấu chéo ở hai mắt – chi tiết này được xem như là một phép ẩn dụ nói đến thẩm phán John Taylor trong tiểu thuyết “To Kill A Mockingbird” – trong tác phẩm John Taylor đã không cứu được một công dân da màu có tên Tom Robinson khỏi cáo buộc hiếp dâm một phụ nữ da trắng. Kendrick là người rất thích sử dụng hình ảnh để khái quát nội dung tác phẩm của mình, cho nên qua bìa album, chúng ta cũng phần nào thấy trước trước được bầu không khí, năng lượng của “TPAB” ngay cả khi chưa bắt đầu thưởng thức nó. Rapper tới từ Compton giải thích rằng: “Đây là hình ảnh về việc tôi phóng xa tầm mắt của người dân Compton, những người phải sống chui lủi qua ngày mà không được tiếp xúc với thế giới, mở mang tầm mắt cho họ, đó là lí do tại sao mặt của mọi người đều hồ hởi đến vậy”. Denis Rourve, người đã chụp bức ảnh này cùng K-Dot và anh em TDE đã giải thích thêm rằng: “Bức ảnh này đã thể hiện được sự sung sướng của Kendrick và các anh em khi họ đã đi một chặng đường dài để kết nối văn hóa da màu với da trắng, đạp đổ những kẻ da trắng quyền lực và đồng thời thể hiện sự ủng hộ của anh với cựu tổng thống Mỹ Barrack Obama, là tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

    Album mở đầu với track “Wesley’s Theory” :

    “Every n*gga is a star, ayy, every n*gga is a star
    Every n*gga is a star, ayy, every n*gga is a star
    Every n*gga is a star, ayy Who will deny that you and I and every n*gga is a star ?”

    Đoạn hook của bài hát được sample từ “Every N*gger is a Star” của ca sĩ người Jamaica Boris Gardiner. Kendrick tỏ ý khuyến khích, động viên những người da màu hãy tự hào vì màu da, vì sắc tộc của mình và đấu tranh cho một xã hội công bằng, tốt đẹp hơn. Bướm là hiện thân của vẻ đẹp tự nhiên, thuần túy. Nhưng trước khi trở thành một chú bướm xinh đẹp, nó đã từng là con sâu bướm xấu xí. K-Dot muốn nhấn mạnh : mỗi người da màu đều có giá trị riêng của bản thân, họ hoàn toàn có thể trở nên thành công và đứng lên chống lại mọi chế độ phân biệt chủng tộc đang chèn ép họ giống như cái cách mà sâu trở thành bướm vậy.

    “What you want you ? A house or a car ?
    Forty acres and mule, a piano, a guiar
    Anythin’, see, my name is Uncle Sam, I’m your dog
    Mtherfcker, you can live at the small
    I know your kind (That’s why I’m kind)
    Don’t have receipts (Oh, man, that’s fine)
    Pay me later, wear those gators
    Cliché ? Then say ‘F*ck your haters’ …

    Một nhân vật đặc biệt được K-Dot đề cập ở đây là Uncle Sam. Uncle Sam lần đầu được tạo ra bởi họa sĩ vẽ tranh biếm họa chính trị Thomas Nast (1840-1902). Về Uncle Sam, có lẽ nổi tiếng nhất là hình ảnh Chú Sam đội một chiếc mũ cao in hoa văn sao và sọc với lễ phục gi-lê chỉ tay về phía người xem cùng dòng chữ “I Want You For The US Army” (bức chân dung được tạo ra bởi họa sĩ James Montgomery Flagg) – được sử dụng trong việc tuyển quân thời Đệ Nhất Thế Chiến. Trong câu truyện của Kendrick, Uncle Sam đại diện cho chính phủ Mỹ đang cố gắng cám dỗ anh, đưa ra cho anh những lời mời gọi hấp dẫn. Hình ảnh “House and a car” đại diện cho vật chất, còn “Piano, a guitar” thể hiện tính nghệ thuật. Những lời mời gọi ngọt ngào này thực chất chính là cái bẫy thuế chết người của chính phủ Mỹ đối với những người nổi tiếng, một chiêu trò bóc lột tinh vi.

    Phải nói thêm, Wesley (tên đầy đủ là Wesley Snipes) là tên một diễn viên da màu dã dính phải bẫy thuế của chính phủ Mỹ, đó cũng là lý do track mở đầu của siêu phẩm này mang tên “Wesley’s Theory”.

    Track thứ 3 trong album mang tên “King Kunta” :

    “B*tch, where you when I was walkin’
    Now I run the game, got the whole world talkin’
    King Kunta, everybody wanna cut the legs off him …”

    Kunta Kinte là tên một nô lệ da màu được tạo ra bởi nhà văn Alex Haley trong cuốn tiểu thuyết Roots : The Saga of an American Family. Trong truyện, Kunta đã bị chặt chân sau 4 lần đào tẩu khỏi đồn điền không thành công. Sự kiện đó được Kendrick gợi lại trong câu : “King Kunta, everybody wanna cut the legs off him”. Qua việc tự nhận mình là “King Kunta”, K-Dot đang ám chỉ rằng : anh sống như một vị vua với tiền tài danh vọng sau những thành công vang dội. Nhưng suy cho cùng anh vẫn là một người da màu sống tại Mỹ, và anh vẫn phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc và sự thắc mắc cho số phận của bản thân mình.

    “When you got the yams – (What’s the yams?)
    The yam is the power that be
    You can smell it when I’m walkin’ down the street
    (Oh yes, we can, oh yes, we can) … “

    Hình ảnh “Yams” (nghĩa là củ khoai lang, nhưng ở đây được Kendrick sử dụng với nghĩa lóng và hình ảnh ẩn dụ từ văn học) xuất hiện trong bài. Trong cuốn tiểu thuyết Invisible Man của nhà văn Ralph Ellison viết về văn hóa và số phận của người da màu, thì “Yams” đại diện cho văn hóa và nguồn gốc của người Châu Phi. Kendrick ám chỉ rằng khi anh ấy đang sống thật với nguồn gốc của mình, với những đồng bào Châu Phi của anh thì chẳng việc gì phải quan tâm đến những lời chỉ trích, bàn tán hay bêu xấu của những kẻ ngoài cuộc, qua đây làm nổi bật sự tự hào và hãnh diện khi làm người da màu của vị vua Hip-Hop thế hệ mới. Tiếp đến, trong cuốn “Things Fall Apart” của Chinua Achebe viết về đời sống của người Nigeria từ trước và sau khi cuộc xâm chiếm thuộc địa diễn ra, Yams hay củ khoai tây là một trong những sản phẩm nông nghiệp quan trọng bậc nhất tại nơi đây, nó đại diện cho sự giàu có, sức ảnh hưởng và vị thế xã hội, và tất cả những điều đó đã được Kendrick lột tả qua câu “The yam is the power that be”.

    “The yam brought it out of Richard Pryor
    Manipulated Bill Clinton with desires … “

    Những con người có nguồn gốc từ sự nghèo đói hay những người xuất thân cao sang quyền quý đều luôn có thể bị tha hóa. Richard Pryor là một nghệ sĩ hài nổi tiếng đã phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm và chứng nghiện ngập suốt đời vì danh tiếng của bản thân, từ “yams” ở đây lại mang một nghĩa khác là Cocaine

    Bên cạnh đó, qua cây viết nhạy bén và thông minh của Kendrick Lamar thì “yams” tiếp tục trở thành “đùi phụ nữ”, ý chỉ vụ việc Bill Clinton – một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã ngoại tình với nữ điệp viên Monica Lewinsky.

    Institutionalized là track thứ 4 trong album, có sự góp mặt của huyền thoại Snoop Dogg :

    “Life, to me, like a box of chocolate
    Quid pro quo, somethin’ for somethin’, that’s the obvious
    Oh sh*t, flow’s so sick, don’t you swallow it
    Bitin’ my style, you’re salmonella poison positive …”

    Câu “like a box of chocolate” được lấy cảm hứng từ một câu nói nổi tiếng trong phim Forrest Gump có nguyên văn là : “My mom always said life was like a box of chocolates. You never know what you’re gonna get”. Ở đây, Kendrick muốn nói rằng cuộc sống đối với anh rất khó lường, cũng như trong một hộp chocolate có nhiều vị khác nhau, bạn sẽ chẳng thế nào biết được rằng mùi vị của thanh chocoolate như nào cho tới khi thưởng thức chúng. Một điều gì đó có thể sẽ rất khó khăn sẽ xảy đến với K-Dot và những người anh em bất cứ lúc nào.

    “Quid pro pro” là một cụm từ tiếng Latin có nghĩa là “cái này để đổi lấy cái kia”, cuộc đời không bao giờ là yên bình, khi bạn sắp đạt được một điều gì đó thì luôn luôn có một thứ mà bạn phải sẵn sàng đánh đổi. Từ “Institutionalized” có nghĩa là thể chế hóa, được Kendrick dùng ở đây để ám chỉ sự cưỡng chế tự do. Tất cả những con người sống ở dưới đáy xã hội thường bị áp bức, cưỡng chế bằng nhà tù, phân biệt chủng tộc nặng nề và quyền lực tại nơi họ sống được thể chế hóa bằng đồng Dollar quyền năng, không có tiền đồng nghĩa với việc là kẻ thua cuộc. Chính vì vậy họ phải cất lên tiếng nói của mình, đấu tranh loại bỏ những bất công. Nhưng trước đó, họ cần phải gột rửa bản thân mình :

    “Shit don’t change until you get up and wash yo’ ass, n*gga

    Shit don’t change until you get up and wash yo’ ass, boy

    Shit don’t change until you get up and wash yo’ ass, n*gga
    Slow down … “

    “Institutionalized” còn có nghĩa là mất tự chủ, mặc dù đã là một rapstar nhưng con tim K-Dot vẫn luôn hướng về mảnh đất Compton, anh tự nhận thức mình là một phần của khu ổ chuột, của con phố, nên luôn có một sự nổi loạn nhất định bên trong con người anh, giống như Snoop Dogg dã nói :

    “You can take your boy out the hood but you can’t take the hood out the homie”

    Album được giới phê bình đánh giá là một trong những tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật xuất sắc nhất của thập kỷ 2010s. Cái tên “To Pimp A Butterfly” ám chỉ việc nếu bạn đính một con bướm – đại diện cho cái đẹp thuần khiết vào một cái khung vô hồn để khoe mẽ thì giá trị thực sự ẩn sâu bên trong của nó sẽ mất đi. Ngoài ra nó còn mang ẩn dụ cho việc : bất cứ ai, dù bạn có xấu xí hoặc không hoàn hảo tới đâu thì khi lột xác, trải qua quá trình thay đổi để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân thì bạn sẽ trở thành một thứ gì đó đẹp đẽ, lớn lao hơn. “TPAB” là lời khẳng định đanh thép từ đáy sâu, rằng : những con người ở đó sẽ đứng dậy và vượt qua mọi sự bất công, áp bức để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.

    Summerdayy
    Summerdayy
    Unrequited love

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây