Trang chủ Deep Cut Malcolm X – Từ tên tội phạm ất ơ tại đất Harlem...

Malcolm X – Từ tên tội phạm ất ơ tại đất Harlem đến người đại diện cho tiếng nói chống phân biệt chủng tộc

0
ROCHESTER, NY - FEBRUARY 16: Former Nation Of Islam leader El-Hajj Malik El-Shabazz (aka Malcolm X and Malcolm Little) poses for a portrait on February 16, 1965, in Rochester, New York. (Photo by Michael Ochs Archives/Getty Images)

Một gangster, một nhà cách mạng, một người có tầm nhìn có lẽ là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi ta bàn luận về Malcolm X, một trong những người da màu có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn lan qua tận văn hóa HipHop. Một con người mà sự hiện diện của ông cũng có thể quan trọng ngang tầm với cả Muhammad Ali, vận động viên da màu huyền thoại hay Tupac, nguồn cảm hứng vĩ đại của rap game bây giờ. Nhưng rốt cuộc ông ta là ai? Và tại sao tư tưởng của ông lại mang giá trị tinh thần lớn và được nhiều nghệ sĩ HipHop hiện giờ tiếp nhận đến vậy? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu điều đó

Malcolm X thu hút nhiều phản ứng khác nhau từ khán giả khi ông trình bày suy nghĩ của mình về sự tách biệt hoàn toàn giữa người da trắng và người Mỹ gốc Phi. Cuộc biểu tình này đã vượt qua một sự kiện dân quyền của Ủy ban Cứu trợ Miền Nam Mississippi-Alabama cách đó 6 dãy nhà với tỷ số 10: 1.

El-Hajj Malik El-Shabazz hay còn có tên khác là Malcolm Little, sinh ngày 19/5/1925. Bố mẹ của ông là Earl và Louise Little, cả hai đều là những người hoạt động trong phong trào Pan-African (một phong trào giúp gắn kết sức mạnh của cộng đồng da màu trên thế giới) của Marcus Garvey. Và vì thế, gia đình của ông luôn luôn bị tổ chức KKK (Ku Klux Klan) dòm ngó và đe dọa. Chính bọn chúng đã đốt nhà của Malcolm năm ông mới chỉ 4 tuổi. Ngay cả khi đã chuyển nhà đến Michigan, gia đình ông vẫn phải luôn thường trực cảnh giác với động thái của Black Legion (một tổ chức có phương hướng hoạt động khá giống với KKK). 4 người chú của Malcolm cũng đã chết dưới tay của bọn da trắng phân biệt chủng tộc. Năm ông 6 tuổi, bố của Malcolm bị chết trong “một vụ tai nạn giao thông”, trong khi đó, mẹ của ông tin rằng bố ông đã bị bọn Black Legion hành quyết.

Đến năm 13 tuổi, nối tiếp nhiều sự kiện không may, mẹ của ông bị đưa vào trại tâm thần, dẫn đến việc các người con của bà bị chia rẽ và được nhận nuôi ở nhiều nhà khác nhau. Malcolm luôn là một học sinh xuất sắc ở trường. Nhưng sau khi bị một giáo viên da trắng bảo rằng: “Ước mơ làm luật sư của một cậu nhóc da màu là không thiết thực” thì cậu bé Malcolm đã bỏ học không lâu sau đó. Sau khi sống vài năm ở Michigan và Boston, ông chuyển đến Harlem năm 18 tuổi và bị kéo vào vòng vây tệ nạn xã hội ở đó như đánh bạc, trộm cắp, ship đồ ngon,…… Sau một chuỗi các vụ việc gây rối cùng một băng đảng ở Boston thì vào năm 21 tuổi, Malcolm đã bị bắt và đưa vào nhà tù Charlestown với bản án 8 – 10 năm.

Có thể gọi rằng đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời Malcolm. Trong quá trình cải tạo trong tù, ông đã bắt đầu đọc sách và được người thân giới thiệu đến với Nation Of Islam (NOI hay còn gọi tiếng Việt là quốc gia Islam), một tổ chức chính trị đấu tranh cho quyền lợi của người da màu và chống lại sự bất công của phần lớn người da trắng thời đấy. Ấn tượng với lý tưởng mà tổ chức đó đang đấu tranh để đạt được, Malcolm đã bắt đầu đọc sách và viết thư cho Elijah Muhammad, người đứng đầu của NOI lúc bấy giờ. Và cuối cùng thì Malcolm cũng đã trở thành thành viên của tổ chức đấy. Malcolm đồng thời cũng đổi họ Little của mình thành chữ X vì ông được biết rằng, Little là họ của những kẻ chủ nô da trắng trong quá khứ. Và từ đó, Malcolm Little trở thành Malcolm X. Malcolm đã bộc lộ được tài năng thuyết trình và lý tưởng sắc tộc của mình từ rất sớm và đạt được chức vị cao trong NOI và được báo chí, truyền hình để mắt đến.

Malcolm đã từng nói rằng: “Chúng tôi không bảo bạn hãy đưa phần má bên kia của mình ra để hứng chịu sự tàn bạo của người da trắng (Trong giáo lý Kitô giáo, thì khi bạn bị ai đó vả má bên phải của mình, thì hãy giơ luôn cả phần má bên trái, ý chỉ thái độ để ứng phó trước sự xúc phạm của người khác), chúng tôi không bảo bạn hãy giơ má qua bên này hay bên kia, chúng tôi bảo các bạn phải tôn trọng luật lệ, và hãy tự nâng bản thân dậy trong một cách được tôn trọng. Nhưng cùng lúc đó, chúng tôi cũng bảo các bạn rằng, nếu ai đó dám giở trò với bạn, thì hãy chắc chắn rằng, hắn ta không thể giở trò đó với bất cứ người nào khác nữa”.

Tư tưởng cứng rắn của Malcolm được hàng triệu người da màu trên thế giới ngưỡng mộ và noi theo. Trong thời điểm bấy giờ, vấn đề phân biệt chủng tộc đang nóng hơn bao giờ hết và vẫn ngày một leo thang. Sự hiện diện của Malcolm như là một nhà lãnh đạo đã trở nên chắc chắn hơn bao giờ hết. “Ai là người sở hữu đám gái điếm ở khu Harlem này? Đó là người da trắng. Ai là người sở hữu lượng lớn rượu ở đấy? Đó là người da trắng. Ai đã đưa cho bạn đống xúc xắc và bộ bài bạn dung để cờ bạc? ĐÓ LÀ NGƯỜI DA TRẮNG. Và sau khi đưa cho bạn những thứ đấy, họ bắt bạn và tống tù bạn vì dùng những thứ đó”.

Và cũng vì sự nhiệt huyết dữ dội và tư tưởng cứng rắn ấy mà ông đã tỏ vẻ chỉ trích Martin Luther King, Jr, cũng là một nhà hoạt động cùng thời. “Nếu bạn muốn chứng minh điều gì đó mà không dùng đến bạo lực, thì đó là sự ‘không phòng bị’. Bạn sẽ không có bất cứ sự phòng bị nào khi đứng trước những con quái vật mà đã từng đưa con người vào xiềng xích. Đó là người da trắng ở Mỹ. Martin Luther King chỉ là một ‘bác Tom’ (Uncle Tom là một nhân vật trong cuốn sách ‘Túp lều của bác Tom’, truyện kể về một người nô lệ da đen bị chèn ép, áp bức đến chết mà không thể phản ứng lại trước hành động tàn nhẫn của chủ nô) của thế kỉ 20, hoặc là một ‘bác Tom’ thời hiện đại, hay là một ‘bác Tom’ theo tôn giáo”.

Những phát ngôn của Malcolm đã được chú ý hơn bao giờ hết bởi tất cả mọi người, thông qua sức mạnh của báo chí và truyền thông ở cả trong và ngoài nước. Đã có rất nhiều nguồn ý kiến khác nhau về Malcolm X. Người thì cho ông là vị cứu tinh, một người mạnh mẽ, trong khi nhiều người khác lại cho ông là một người cuồng tín, bảo thủ ngầm, xã hội chủ nghĩa và là mối đe dọa đối với người da trắng.

Một thời gian sau khi rời bỏ NOI vì nhiều xích mích cá nhân, tư tưởng chính trị và sắc tộc của Malcolm đã có thay đổi đi đôi chút, theo hướng tích cực. Ông đã trở nên hòa hợp hơn với Martin Luther King, một người mà ông đã từng chỉ trích. Ông đã có cái nhìn mềm mỏng hơn về cộng đồng người da trắng. Trước khi bị ám sát vì bị bắn 21 phát đạn vào năm 1965, ông đã được gặp mặt với rất nhiều người có tầm ảnh hưởng như cựu tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, tổng thống đầu tiên của Algeria, Ahmed Ben Bella và cả Fidel Castro nữa. Mặc dù đã chết, nhưng những tư tưởng và di sản mà ông để lại, tiếp tục được tiếp lửa và noi theo nhờ vào một phần lớn các nghệ sĩ HipHop da màu thuộc thế hệ sau. Một vài ví dụ tiêu biểu có thể có:

  • Tupac Shakur: Ông đã được mời đến phát biểu cho buổi tiệc tưởng nhớ Malcolm X để chia sẻ những câu chuyện và cảm nghĩ của ông về sự đấu tranh của người da màu lúc bấy giờ
  • KRS One: Sau cái chết của DJ Scott La Rock vì bị bắn chết do mâu thuẫn băng đảng năm 1987, KRS One đã lập ra phong trào “Stop the Violence” (Hãy ngăn chặn bạo lực) bằng ca khúc Self Destruction, mở đầu là chính giọng đọc của Malcolm X
  • Public Enemy: Trong mở đầu track Bring the noise, ta có thể nghe thấy giọng của Malcolm nói: “Too black, too strong”. Ngoài ra thì Chuck D cũng thừa nhận rằng Malcolm X là người hùng của đời ông
  • Kendrick Lamar: Trong một bài phỏng vấn, anh đã trả lời rằng: “Tư tưởng và đạo lý của Malcolm X ăn sâu vào trong âm nhạc của tôi, sở dĩ vì tôi đã đọc sách của ông từ thời niên thiếu và nó đã thay đổi cách nhìn nhận của tôi”

Bên cạnh đó còn rất nhiều nghệ sĩ khác mà tôi không thể kể tên hết được. À quên, tôi cũng xin được kết thúc bài viết này bằng một câu nói của Malcolm X: “100 năm trước, họ đã mang lên mình những tấm vải màu trắng và dùng chó đánh hơi để chống lại người da màu chúng tôi. Bây giờ thì họ đã cởi bỏ lớp vải trắng đó để mang lên mình bộ đồng phục cảnh sát và thay thế chó đánh hơi bằng chó nghiệp vụ và họ vẫn đang làm điều đó”

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version