Trang chủ Deep Cut RZA (Wutang-Clan) và ảnh hưởng của Lý Tiểu Long

RZA (Wutang-Clan) và ảnh hưởng của Lý Tiểu Long

0
807

Có lẽ đây là một sự trùng hợp.

Ngày 11 tháng 8 năm 1973, khoảng thời gian được mọi người biết đến như ngày Hip Hop được khai sinh tại một buổi tiệc tại Bronx, New York do DJ Kool Herc tổ chức.

Chỉ 8 ngày sau đó, tức 19 tháng 8, Enter the Dragon (Long Tranh Hổ Đấu) của Lý Tiểu Long được công chiếu khắp các rạp – một cơn sốt phòng vé khơi mào cho phong trào võ thuật tổng hợp nổi lên trên khắp cả nước. Và theo một lẽ dĩ ngẫu, cả hai làn sóng văn hóa với sức ảnh hưởng mạnh mẽ này đều cùng ra đời vào một mùa hè ẩm ướt và náo động.

Enter the Dragon – Bruce Lee

“Tôi cũng có để ý đâu! Mọi thứ cứ thế mà xảy đến thôi”. RZA – phù thủy âm thanh của tổ đội thượng thặng Wu-Tang Clan trả lời với Undefeated, “Võ thuật của Lý Tiểu Long là sự dung kết đa dạng nhiều phong cách, các đòn thế của Muhammad Ali, triết lý của Đạo giáo và Phật giáo nhưng cũng không bỏ ngoài tư tưởng của những cá nhân như Malcolm X và cuộc đấu tranh bền bỉ của cộng đồng Mỹ đen. Tất cả những điều ấy được phản chiếu qua tác phẩm và con người ông”

RZA (Wu Tang – Clan)

Hai thập kỷ sau, hai cơn sóng thần lại được dịp “đụng độ” nhau khi Wu Tang Clan lấy một phần cảm hứng từ tên tác phẩm điện ảnh của Lý Tiểu Long để đặt tên cho album debut nức tiếng của họ: “Enter the Wu-Tang (Thanh Hóa Chambers)”. Không chỉ có mình Lý Tiểu Long, 9 tay rappers cứng cựa từ đảo Staten còn nhặt nhạnh vô vàn những ảnh hưởng từ võ thuật để làm giàu thêm cho đứa con đầu lòng. Tất cả các thành viên của Wu-Tang Clan – nhất là RZA – đều thán phục trước sự ngang tàng, tư duy trừu tượng, óc sáng tạo, tính kỉ luật hòa quyện với giáo lí phương Đông ở huyền thoại võ thuật Bruce Lee.

Enter the Wu Tang (36 chambers)

“Hồi còn bé, ta luôn tưởng tượng mình là một nhân vật trong phim” – RZA rap trong ‘Be like water’. “Được trở thành một phần của văn hóa và được tạo ra các giá trị vun đắp cho nền văn hoá đó là một điều may mắn. Bobby Digs (tên thật của RZA) trẻ thì chỉ dám tưởng tượng mà thôi”


Bên cạnh rapper kiêm nhà sản xuất RZA, với chín thành viên gốc của Wu-Tang Clan thì đã có sáu người ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi những bộ phim mang màu sắc võ thuật KungFu của Trung Quốc. Bao gồm MC Method Man, Ghostface Killah – tên của họ được đặt theo tên một nhân vật trong Da Mystery of Chessboxin năm 1979, Raekwon, U-God, Cappadonna, Masta Killa thì lấy cảm hứng từ Master Killer aka The 36th Chamber of Shaolin (Thiếu Lâm tam thập lục phòng năm 1978).

Phía trên là một trong những yếu tố mạnh mẽ nhất đã tạo nên sự ảnh hưởng cho Wu-Tang. Nhưng vấn đề là liệu họ có phải là tổ đội nhạc rap hay nhất mọi thời đại hay không thì có thể vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng lượng fan đông đảo và trung thành trên khắp thế giới của tổ đội này là một thứ hiển nhiên không thể chối bỏ. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được điều này, bởi lối sống Wu-Tang mang sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, từ các Quốc gia Hồi giáo, phong trào Năm phần trăm (Five Percenters), các bộ comic thần thoại cho đến những truyền kì, và truyền thuyết xoay quanh võ thuật Phương Đông.


Lần đầu tiên RZA biết đến võ thuật là qua bộ phim chiếu đôi Fury of the Dragon năm 1976 (được công chiếu sau cái chết do phù não của Lý Tiểu Long vào 20/7/1973) và bộ blaxploitation (thể loại phim khai thác hình ảnh người da đen nhằm lôi kéo chính khán giả người da đen đến rạp) Black Samurai do Jim Kelly thủ vai chính. Rồi đây, RZA bắt đầu gắn bó với ý thức hệ, lòng kiên nhẫn, tính nề nếp và khả năng dẫn đầu được lột tả sinh động qua những bộ phim này.

Top 5 phim võ thuật yêu thích của RZA gồm The 36 Chamber of Shaolin (Thiếu Lâm tam thập lục phòng), Five deadly venoms (Ngũ Độc Giáo), The Eight Diagram Pole Fighter (Ngũ Lang Bát Quái Côn), The Mystery of Chessboxing (Song Mã Liên Hoàn) và tất nhiên là “bất cứ bộ phim nào của Lý Tiểu Long”. Những gì RZA học được từ phim ảnh đã trở thành bệ phóng cho cách tiếp cận cuộc sống cũng như ngành công nghiệp âm nhạc ở ông.

RZA (Wu Tang – Clan)

Điều này đã lý giải cho sức công phá khủng khiếp của Enter the Wu-Tang (36 Chambers). Chỉ xét riêng phần lõi, 36 Chambers đã xứng đáng là bản thu rap gai góc nhất từng tồn tại dù xuất hiện sớm hơn cả những Illmatic của Nas hay Ready To Die của The Notorious B.I.G. ra đời một năm sau đó như những tượng đài bất tử của hiphop New York. Cũng như N.W.A, Wu-Tang Clan sở hữu một producer dị biệt RZA và dàn MCs thực lực ghê gớm. Và cũng như những nhân vật phim đã hình thành nên bản dạng đầy sáng tạo và thấm nhuần triết luận ở Wu-Tang Clan, mỗi nghệ sĩ đều là một cá tính độc nhất vô nhị.

Tính thẩm mĩ của 36 Chambers thành hình trong từng cơn phẫn nộ chát chúa sau nhiều năm hứng chịu nạn phân biệt chủng tộc trên đảo Staten. Và phim võ thuật như cánh cửa dẫn đến một thế giới vô thực phi vật chất nhưng lại kích thích gan khám phá của RZA. “Những bộ phim ấy giống như cuộc nổi loạn khi ngày tàn”. “Kiểu như có một ý nghĩ trẻ dại thôi thúc ta khám phá mọi kiến thức trên cái đời này và giờ tôi vẫn đang hấp thu nhiều vốn giáo dục khác nhau. Và điều đấy sẽ rất có ích, nếu không quá trớn”

Sức ảnh hưởng của Lý Tiểu Long, kho tàng khổng lồ các bộ phim võ thuật và cảm hứng phương Đông đã thâm nhập vào từng tế bào của album. Có thể thấy rõ ràng nhất là sự nể phục tuyệt đối của Wu-Tang dành cho bộ phim cuối cùng của Lý Tiểu Long – Enter the Dragon (Long Tranh Hổ Đấu). Và bên cạnh đó, cái tên “36 Chambers” cũng là một sự tri ân đến The 36th Chamber of Shaolin.

36th Chamber of Shaolin

Đó cũng chưa phải là tất cả, từ cái tên của album này còn mang nhiều ý nghĩa hơn về Kung Fu với con số “36”

Như Wu Tang được tạo thành từ 9 thành viên, mỗi thành viên có một trái tim, mỗi trái tim có 4 ngăn, album tên “36 Chambers” (36 phòng), là tổng số 9 trái tim của các thành viên nhân lên cho 4 ngăn = 36, và 3+6= với 9 thành viên.

Hay trong cơ thể con người gồm 108 huyệt đạo (1 + 0 + 8 = 9 thành viên), và chỉ có các môn đệ của Wu-Tang mới biết và hiểu rằng trong 108 huyệt đạo ấy là có 36 tử huyệt, đó là điểm gây chết người (9 + 36 = 45) = (4 + 5 = lại là 9 thành viên).

108 huyệt đạo trên cơ thể người

“Phim ảnh có sức mạnh nắm bắt và tạo ra thế giới. Và khi ta giải mã thế giới ấy theo cách đúng đắn ngay từ ban đầu thì bộ phim còn làm được nhiều hơn cả mục đích căn bản của nó. Đó là cách mà Shaolin đã đến với Staten Island bọn tôi.” RZA nói.

“Những bộ phim ấy hợp lại và trở thành nguồn cảm hứng quan trọng của tôi.” RZA giải thích, “Nghĩ thử đi. Trong Enter the Dragon, ta có anh chàng karate da trắng là John Saxon, võ sĩ da đen là Jim Kelly và tay người châu Á là Lý Tiểu Long, tất cả họ cùng nhau chống lại ách áp bức đang chà đạp người dân. Nếu thêm một vài yếu tố nữa thì chẳng khác gì đất nước của chúng ta cả, anh bạn ạ!”


Album cũng sample các phân đoạn hoặc vinh danh những bộ phim thông qua lyrics, đơn cử như Master of the Flying Guillotine (Độc Thủ Quyền Vương Đại Phá Huyết Trích Tử) năm 1976 và Executioners of Shaolin (Hồng Hy Quan) năm 1977 (trong “Wu-Tang Clan Ain’t Nuthin’ to F Wit”), Five Deadly Venoms (Ngũ Độc Giáo) năm 1978 ( trong“Da Mystery of Chessboxin’ ”), Ten Tigers of Kwangtung (Mãnh Hổ Thành Quảng Đông) năm 1979 (trong “Bring da Ruckus”) và Shaolin and Wu Tang (Thiếu Lâm Tự) năm 1983 ( trong “Shame on a Nig*a”).

Sự say mê của Wu-Tang Clan dành cho phim võ thuật được thể hiện không chỉ một lần. Lý Tiểu Long và các ngôi sao khác cùng thể loại đã trở thành một phần, nói theo cách tượng trưng, không thể thay thế trong văn hóa hiphop. “Meth vs. Chef” năm 1994 của Method Man và Raekwonon Tical, con track Intro của Ol’ Dirty Bastard rút từ album debut năm 1995 và bộ phim The Man with the Iron Fists năm 2012 đạo diễn bởi RZA đều chứa các sample pattern từ 36th Chamber năm 1978. “Con Mãnh Hổ” (Ten Tigers) được dịp giương nanh múa vuốt trong bản “I Get My Thang In Action” năm 1994 của Method Man. Cùng năm đó, Raekwon cho ra đời con track “Guillotine (Swordz)” với đoạn intro sample từ bộ Shaolin vs. Lama (Thiếu Lâm với Tây Tạng) năm 1983. GZA cho ra lò “4th Chamber” năm 1995 với một đoạn lấy mẫu từ Shogun Assassin (Sát Thủ Bồng Con) năm 1980.

“Poisonous Darts” năm 1996 của Ghostface Killah cũng được lấy cảm hứng từ The Mystery of Chessboxing (Song Mã Liên Hoàn). “Tôi đã bật cho Ghost xem bộ phim đó, và khứa vẫn luôn thích mỗi cái cảnh mà nhân vật trong đó nói: “Mây ở trên cao, trời xanh dưới thấp”” RZA nhớ lại. “Mỗi lần khứa xem phim đó mà hút cần, khứa kiểu: ‘Chuẩn bài tao lun!’ nên lúc làm album của khứa tôi đã cho đoạn đấy vào. Là một producer, tôi luôn lưu giữ những gì tụi nó khoái”

Sử dụng các mảng miếng trích rút từ những bộ phim võ thuật để làm intro hoặc outro, đưa vào lyrics hoặc sample, cộng thêm sự sùng kính sâu sắc dành cho giáo hóa nước ngoài đã khiến nhóm trở thành những người hùng phản văn hóa nổi tiếng toàn cầu. Và xuyên suốt chiều dài lịch sử nhiều biến cố giữa Mỹ và Trung Quốc, Wu-Tang Clan vẫn là nhà vô địch của nhân dân.

“Nếu bỏ qua vấn đề sắc tộc, ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng hơn. Lý Tiểu Long là đại diện tiêu biểu cho bộ mặt công dân ở cả hai cường quốc này. Ông dung nạp đa dạng các nền văn hóa nhưng vẫn giữ trọn sự thuần túy trong chính văn hóa của mình! Chúng ta cũng như bao người khác, những mẫu thức tầm thường luôn ưu tiên bản ngã của mình. Còn những người đứng ở vị trí tiên phong, họ đặt cái tôi đằng sau ngọn đuốc.” RZA tiếp tục: “Có một sự thật là rất nhiều thứ từ nền văn hóa của họ (Trung Quốc) bị thổi phồng rồi xâm nhập vào văn hóa của chúng tôi và ngược lại. Đấy là quá trình thụ phấn chéo”

RZA trong studio

Trong suốt nhiều năm, những bộ phim võ thuật đã không có được sự công nhận xứng đáng ở Hollywood. Ví dụ như việc ngành công nghiệp điện ảnh bài xích việc tuyển chọn diễn viên cho vai chính là dân gốc Á vậy. Đó là lý do vì sao những di sản của Lý Tiểu Long và vô vàn những nam diễn viên Châu Á khác trước và sau thời của ông đều trở thành bất di, bất dịch, bất biến trong hiphop. Sức ảnh hưởng của họ vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay, đơn cử ở buổi diễn tại Luân Đôn với cảm hứng võ thuật dồi dào, Kendrick Lamar mặc đồng phục đen rất đúng tinh thần võ đấu.

Việc Wu-Tang Clan sẵn sàng tiếp thu các nền văn hóa vừa bành trướng ảnh hưởng vừa tác động đến các sản phẩm của họ. “Tôi cực kì tự hào khi nói rằng Wu-Tang và nghệ thuật của chúng tôi là một minh chứng xác đáng cho sự giao thoa văn hóa.” RZA khẳng định: “Tôi rất vui vì chúng tôi là những ví dụ sống và hy vọng rằng âm nhạc và di sản chúng tôi để lại sẽ tiếp tục đại diện cho điều đó.”

Không thể nghi ngờ gì, những di sản mà Wu-Tang để lại cho thế giới như giấy trắng mực đen thêm con dấu. Ta không thể bàn luận về dòng chảy mạnh mẽ của Hip Hop mà không nhắc đến tổ đội khét tiếng từ Staten Island. Tuy nhiên, cũng sẽ là một sự xúc phạm nếu nhắc đến họ mà không nhắc đến sự tác động của người đàn ông đã “cân” cả cái quy chuẩn giải trí đang đi vào lối mòn ở Mỹ. Sao có thể kể chuyện Wu-Tang mà không mảy may động đến Lý Tiểu Long cơ chứ? RZA thậm chí còn cảm thấy khinh mạt khi một câu hỏi như vậy được đưa ra. “Không nhé.” RZA nói: “Không có chuyện đấy đâu. Lý Tiểu Long là một đấng tiên phong thật thụ”

Wu Tang – Clan

Lý Tiểu Long luôn nói: “Hãy sống như nước”. Và Wu-Tang đã làm được điều ấy, trừ trong Hip Hop, vì ở đó, họ là cơn sóng thủy triều dữ tợn.

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây