Trang chủ Deep Cut “Giải phẫu” hành trình chằng chịt vết thương của Frank Ocean trong...

“Giải phẫu” hành trình chằng chịt vết thương của Frank Ocean trong Self Control

0
73

Bản ballad gây ám ảnh của Frank Ocean, Self Control, đã ôm lấy nỗi đau của một bi tình lạc lối và sự day dứt khôn nguôi khi gặp nhau sai thời điểm.

Mấy tháng trước, tôi chở bạn gái mình qua Nam Jersey để đến nhà một người bạn tôi. Trong suốt 15 phút đi xe, tôi quyết định bật vài bài tuyển trong album Blonde, thế là tôi chọn “Self Control”. Và ngay lập tức, tay tôi cuộn chặt vào vô lăng. Ngân nga về những anh bạn trai, về wet dream, và ngòi bút hoàn mỹ của Frank Ocean đã đánh vào trái tim tôi ngay từ những giây phút đầu tiên. Sau rồi, khi Austin Feinstein cất tiếng hát: “Keep a place for me, for me / I’ll sleep between y’all, it’s nothing,” nước mắt tôi như chực rơi xuống.

Tôi ngừng nhạc và chậm rãi lặp lại những câu hát ấy cho bạn gái nghe khi dừng lại dưới một chiếc đèn đỏ tưởng như lâu đến vô tận. Em nhìn tôi, ngôn từ thừa nhận một sự bất lực, và chúng tôi để trọng lượng nâng mình lên trong khoang xe. Tôi lại lẩm nhẩm câu hát lần nữa, đèn chuyển xanh, và chúng tôi đã đến nhà bạn.

Em chưa bao giờ kể tôi em nghĩ gì về những lời ca đó, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng, chẳng gì tệ hơn nhận ra ý nghĩa của việc mong mỏi ai đó để dành cho bạn một chỗ giữa họ và tên tình nhân mới vì bạn chỉ còn là người cũ. Tệ bởi điều đó đơn giản là chẳng đời nào diễn ra. Thật đáng thương hại làm sao.

“Self Control”, được sản xuất bởi Malay, Jon Brion và Frank Ocean, là một câu chuyện kể về thời điểm khi yêu và những mất mát đến từ sự bất hạnh của cái gọi là “không đúng lúc” trong tình yêu. Frank khiến mọi thứ tỏ tường ngay từ những câu đầu tiên về những cuộc trò chuyện bên hồ bơi. Giọng hát bị biến âm của anh rung lên như thể đang dè dặt cầu xin một lần sau chót với một người tình cũ, người mà cả bài ca này hát về.

Ta nhập vào câu chuyện khi chứng kiến Frank thủ thỉ với một người đàn ông từ kiếp trước của mình. Sau đó, Frank lại đưa người nghe về thực tại với verse đầu tiên: “”I’ll be the boyfriend in your wet dreams tonight / Noses on a rail, little virgin wears the white / You cut your hair but you used to live a blonded life / Wish I was there, wish we’d grown up on the same advice / And our time was right””.

Lặn sâu dưới những đường cocaine đầu tiên của đôi tình nhân, ta bắt gặp Frank chao nghiêng giữa quá khứ và hiện tại. Ta thấy anh để ý nhường nào việc người tình cũ giờ đã khác xưa ra sao khi họ bước ra khỏi quỹ đạo đời nhau. Giá mà anh đã nhận ra khi người thay đổi kiểu tóc – một trong những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang đi dần vào ngõ cụt – và giá như, anh có thể tỏ bày lòng mình với người từng yêu để thể hiện nỗi ăn năn hối hận.

Trong verse đầu tiên này, Frank như héo mòn trong dĩ vãng, những lần chớm đêm khi sự kích tình và nguy ngập trùm lên mọi vật, trùm lên những mối quan hệ manh mún một cảm giác như cơn phê, như một sự rình rập, hay một cơ hội để vươn tới cột mốc mới.

Câu hát đầu tiên (“”I’ll be the boyfriend in your wet dreams tonight””) có ý nghĩa trong hai ngữ cảnh. Thứ nhất, nó đưa ta đến buổi gặp mặt đầu tiên của Frank với người đàn ông này, và rằng sự tán tỉnh của gã đã quyến rũ nhường nào. Còn nếu đặt trong thời hiện tại, dường như Frank đang tìm mọi cách để làm sống lại những hồi ức xưa cũ.

Mọi thứ như sôi lên khi tới câu cuối cùng của verse đầu tiên, khi Frank trút hằn cái khốn cảnh mà cả hai phải trải qua bằng một lối truyền tải đầy e dè. Một Self Control dụng cho kì được những ẩn ý lập lờ. Cách nó khiến ta đồ rằng Frank chẳng là bạn trai của ai cả, cách anh chẳng tài nào lay động nổi những kí ức đầu tiên của họ về những lần phê pha cùng nhau, cái cách ma túy ẩn dụ cho sự vội vàng của một cuộc tình mới chớm, và cái cách khoảng thời gian họ đến với nhau chẳng thể nào tệ hơn được nữa.

Tất cả những điều đó tựu lại và đưa ta đến một giả thuyết: người tình trong “Self Control” đã hóa vô dạng trước khi gã có một vị trí thực sự trong trái tim của Frank.

Hồi kết của mối quan hệ này không như cái cảm giác trước mắt ta là thảm cảnh rợ ngợp của một công trình vụn nát. Thay vào đó, sự lãng mạn vỡ tan trong Self Control hệt như cái cảm giác khi ta chứng kiến một đợt sóng bất cản cuốn phăng đi lâu đài cát được xây sát gần bờ biển. Không thể tránh thoát nhưng cũng thật bi ai.

Khi cơn sóng ập đến, chúng ta tiến vào đoạn điệp khúc đau thương mà tôi đã đề cập trước đó. Ta tiến vào một lời nài van đương trào ra để được nhớ đến. Cầu xin ai đó chừa cho mình một chỗ đồng nghĩa với việc nói rằng: “Xin người đừng quên tôi”.

Hãy để ý câu “It’s nothing, it’s nothing”, ta cảm tưởng như Frank bằng lòng thỏa chí là một ý nghĩ thoáng qua trong đầu người cũ, miễn là anh được người ta nhớ đến, thi thoảng. Ta cảm tưởng như Frank chấp nhận là kẻ được giữ bên lề, miễn sao anh được người ta giữ lấy.

Nỗi tuyệt vọng trào lên, nỗi tuyệt vọng được sẻ san, ngập tràn trong toàn bộ album Blonde. Rõ ràng, ta có thể tưởng tượng ra cảnh Frank chỉ tỏ vẻ như không sao cả và cố xem nhẹ lời khẩn cầu của mình bằng câu “chẳng có gì to tát hết đâu”, nhưng cái hình ảnh ấy trĩu nặng đến nỗi thật khó để hình dung Frank ghìm lại tình cảm của mình bằng cách nào.

Ở verse thứ hai, Frank bắt đầu gửi lời – không nhất thiết là người tình cũ của anh- đến một nhân vật “you(người)” bí ẩn. Dựa trên những lời phiếm chỉ trong “Solo”, ở đoạn này, chúng ta có thể giả định rằng Frank đang đối thoại trực tiếp với người nghe, phân tách hoàn toàn khỏi cảnh tượng bên hồ bơi trước đó.

Trở lại với Solo, câu thứ hai trong verse thứ hai là một lời đáp trực diện với câu hát mở đầu bản nhạc “Solo”: “Hand me a towel, I’m dirty dancing/ By myself”. Ngay lúc này đây, Solo được tái ngữ cảnh hóa thành một nỗi đau toàn hảo, một sự đan cài giữa những tự sự xuyên suốt Blonde, và một sự hoán ngôi trong kỹ thuật viết nhạc của Frank.

Bằng việc đối thoại với người nghe, tầng ý trong Self Control lại được nhân đôi lên. Ta đi từ cái đơn lẻ đến cái toàn thể. Và rằng – đây là một thách thức thật sự – ta phải bắt đầu nhớ đến những thứ mà ta muốn quên đi.

Tôi có một người bạn- một người bạn khác; cái người mà tôi vẫn luôn viết về – anh bảo rằng trên đời này có hai kiểu người. Một kiểu sẽ lắc lư để nhớ và kiểu còn lại sẽ đu đưa để quên. Và cả hai kiểu người này hội ngộ trong Self Control để khóc than về quá vãng của mình.

Như thường lệ, Frank mở toang lời nhạc của mình ra và cho nó thăng hoa trong cái cách một kỉ niệm nhói đau thôi cũng có sức mạnh choán lấy ta. Ta không hề mong đợi Self Control sẽ chạm đến ta như thế, nhưng không may sao Frank lại là một tay sáng tác siêu phàm.

“I came to visit, ‘cause you see me like a UFO / That’s like never, ‘cause I made you use your self control / And you made me lose my self control, my self control.” –Frank Ocean

Cuối cùng, sau một lần hoán ngôi khác, chúng ta đã đến với chủ đề “self control” thật sự. Trình bày trước mắt ta nhiều phụ truyện hơn, khi Frank hé lộ rằng cả hai dần trở nên xa cách bởi chẳng mấy lúc được bên nhau. Thời giờ luôn là mối trăn trở trong Self Control.

Frank cũng cho ta biết rằng chính hoàn cảnh đẩy đưa đã khiến đôi tình nhân xa cách, bởi người tình của Frank phải ghìm giữ mình khỏi anh. Sự thấu suốt này gợi lên một vài băn khoăn, chẳng hạn như: Liệu Frank có phải người toxic trong mối quan hệ? Liệu Frank có đi quá giới hạn? Hay tình nhân của Frank chỉ đơn thuần là sợ phải gắn bó dài lâu?

Dẫu chẳng đưa ra một lời xác tín nào trong bài hát, ta vẫn có thể tự nghiệm ra dựa vào những câu tiếp theo, khi Frank thừa nhận mình đã mất tự chủ. Nghĩa là, ta có thể kết luận rằng mối quan hệ của họ tựa như một trái pháo – quay cuồng đam mê, và bùm, tan vào thinh không.

Chúng ta đi qua một điệp khúc, rồi một đoạn bridge chóe rít, móp méo, và mọi thứ nghe sao thật thân thuộc, và câu chuyện của “Self Control” hóa tỏ tường. Ta có thể thoát ly mình khỏi tự sự, đinh ninh rằng ta may vẫn vẹn nguyên khi bước ra khỏi câu chuyện này, Nhưng, như hầu hết các bài khác trong Blonde, Frank tiếp tục với một đoạn outro đớn đau đến nỗi tự nó có thể đứng riêng thành một bài nhạc.

Ca lên – gần như là ai thán – “”I, I, I know you gotta leave, leave, leave/ Take down some summertime / Give us, just tonight, night, night” để thắp sáng đoạn outro, Frank đã biến cảnh tượng bên hồ bơi từ một lần làm quen vô thưởng vô phạt với một chút xót xa thành nỗi tuyệt vọng chan chứa.

Một chút về bản thân tôi: Tôi luôn bị đá vào tháng 8 bởi thời gian dường như luôn quay lưng với chúng tôi. Vì vậy, khi Frank hát về một người tình quay bước ra đi để “Take down some summertime,” cầu xin cho một đêm sau chót, tôi không tài nào thoát khỏi cái cảm giác anh đang viết về đời tôi. Tất nhiên, điều đấy đồng nghĩa với việc đoạn outro này đã lấy đi nước mắt của tôi – sao có thể không khóc được cơ chứ?

Những câu ca này, gượm lại một giây, là những gì khiến Frank trở nên một thứ khí giới quyền năng. Sự tinh xảo và cách anh thành công tạo nên một không gian rộng vừa đủ, chi tiết một cách khó tin để bất cứ kẻ nào như tôi được chìm vào và chiêm nghiệm thế giới của anh, thật sự rất truyền cảm hứng.

Sau đấy, cuối cùng, cuối cùng thì, Frank hé mở lý do mối quan hệ hóa dang dở. Trái ngang mấy thì, khi người mới đến, và người tình của Frank, dẫu chẳng có mấy lựa chọn nhưng vẫn phải kiếm tìm cho mình lựa chọn tốt hơn: “”I, I, I know you got someone comin’ / You’re spittin’ game, know you got it.” 

Có thứ gì đó như vỡ nát trong tim khi Frank hát “Know you got it” như một lời từ thiện chí. Như thể để gợi rằng anh biết người yêu cũ của mình có sức hút đến nhường nào, rằng chẳng có gì phải lo cả; họ sẽ ổn cả thôi. Một khoảnh khắc thông suốt sau những điều tồi tệ, khi bạn dần chấp nhận cái bi kịch đã xảy đến và nhận ra mọi thứ cuối cùng rồi đâu sẽ vào đó.

Nếu bạn ghép phần outro với đoạn hook, bạn sẽ cảm thấu Self Control đến tận cùng, đến nhường nào cái nỗi khát cầu được nhớ đến, được nghĩ về, được yêu thương của Frank, dẫu cho phận định vô duyên và tình không thể níu.

Đến thời điểm này của Blonde, Self Control chính là khoảnh khắc buồn và tuyệt vọng nhất album. Bởi đắm mình trong ca khúc này càng lâu, ta càng nhận ra rằng Frank đang rỉ máu. Anh dè dặt sượt qua những vết thương, nhưng chỉ để mắc kẹt trong một nỗi đau duy nhất – rằng cái khốn cảnh này kinh khủng đếch thể chịu nổi.

Self Control đã là bài hát yêu thích của tôi trong Blonde cả một quãng thời gian dài, đơn giản chỉ vì những đoạn điệp khúc và phần outro, đơn giản vì cái năng lực diệu kỳ của Frank – sử dụng một lăng kính toàn thể để soi tỏ một tấn bi hài kịch riêng tư.

Khi chúng tôi rời nhà bạn, tôi bật nốt Self Control cho bạn gái nghe – đêm đã buông. Quang cảnh thật mát mẻ và tuyệt vời. Tôi ngân nga theo phần hook còn lại, rồi đoạn bridge, và đến outro sầu thẩm. Em nhìn tôi chăm chăm.

Tôi nghĩ về tất cả những người đã rời đi trước ngày em đến và sẽ tệ hại cỡ nếu em phải một mình “take down some summertime” (chống chọi với cả mùa hè). Nhưng nếu đấy là ngày đông lờn vờn thu chớm, và chúng tôi cùng nhau trải qua ngày hạ đầy nắng. Thì mọi thứ cuối cùng cũng vừa in. Thời gian vừa vặn. Tôi sẽ ở phía bên kia của Self Control, sống một cuộc đời “vàng hoe”.


Tác giả: Donna-Claire Chesman (Tổng biên tập của DJBooth).
Dịch thuật: Vũ Ngọc

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây