More

    Khi một nghệ sĩ dụng phép lặp, họ chẳng còn chốn dung thân

    Khi được xào nấu kĩ lưỡng, nghệ thuật lặp cho phép ngôn từ đằm sâu vào gốc rễ linh hồn ta.

    Ở sâu trong cốt lõi của ngôn ngữ và âm nhạc là một thực tại dồn nén mà mọi thứ đã được đặt vào đúng vị trí của nó. Nhiệm vụ của bất cứ nhạc sĩ – hay tác giả nào – là khai phá và tái tạo những thứ vốn quen thuộc; để tái chủ đích ngôn từ và âm thanh thành một thứ vô tiền khoáng hậu. Vì vậy, quan niệm về cái mới được tạo ra dựa trên ý niệm về sự tái-chế-tạo mỹ thuật, nhưng bước hoặc thử thách tiếp theo không đơn giản chỉ là tái sử dụng những từ ngữ này thế nào cho sáng tạo, mà là chơi đùa ra sao với tư duy về tính nguyên gốc (originality); ngõ hầu tạo ra một thứ khác biệt hoàn toàn, sau đó tái hồi sử dụng nó nhằm khêu gợi một tinh thần mới.

    Âm nhạc thả mình trong vòng tái chế những sự điệp lặp: những hợp âm được nhắc lại, những câu chữ được ngâm nga để tạo thành điệp khúc, những bài hát cũ được cắt nhỏ (chop) và tạo thành vòng lặp (loop) để làm sample. Nhưng khi qua tay một vài nhạc sĩ, phép lặp lại trở nên đầy sức sống – nó hóa ra một cơ hội để truyền tải câu lời và mỗi cách thể hiện khác nhau lại hướng tới một ý nghĩa khác nhau, hoặc khơi dậy những xúc cảm mới, những suy tư sâu xa hơn với mỗi âm vọng.

    Nghe một thứ gì đó lặp đi lặp lại khiến ta cảm giác mình như bị đào xới. Những xung động này đi sâu vào dưới cõi tinh thần ta, nhanh chóng phình ra, xâm chiếm mọi không gian trong đầu ta và sau rốt là đè nặng ta xuống.

    Cảm giác tê cứng đầu óc này là phản ứng tự nhiên khi nghe album mới nhất của Solange: When I Get Home. Một sức nặng mơn man trườn lên từ ca khúc mở đầu Things I Imagined khi câu “I saw things I imagined” được ca lên dưới mọi cách mà ta có thể tưởng tượng ra được. Khoảng trống để hít thở hiếm khi lọt ra giữa mỗi âm tiết, thậm chí là giữa các câu và/hoặc khi cô ngắt nghỉ vô thường để hát lại lần nữa trong nhịp thở dồn. Dù thế nào đi nữa, cô luôn có cách để chơi đùa với câu hát chủ đề.

    Album mới của Solange, như đã được bàn luận suốt, đã tạo ra một không gian để cô tái khám phá hình ảnh quê nhà, tái hình dung quê hương Houston của cô dưới dạng thức như một sân chơi, nơi cô đùa nghịch với những âm thanh đã nuôi dưỡng và thân thuộc với cô, thể hiện qua cách envelope (sự biến đổi của âm thanh theo thời gian trong sản xuất nhạc) được chỉnh dốc về phía trước. Xét về khía cạnh này, Things I Imagined chính là bài hát chủ đề.

    Ngay từ đầu, Solange đã đánh đổi cái xung lực tự sự có phần bộc trực hơn trong album trước của cô là A Seat at the Table ra mắt năm 2016 để lấy một album mới chẳng còn màng mấy đến việc đẩy mọi thứ về phía trước nữa. Cái động lực của STATT đặc trưng với những chủ đích về phần lời; cô kể những câu chuyện của mình và phê bình thẳng thắn thế giới quanh mình. Nhưng When I Get Home lại xa rời khỏi những mục đích này.

    Nếu những bài ca là sự bất tử hóa của cảm thức phù du – như những cú chập nháy chính xác trong một khắc – thì ca khúc mở đầu When I Get Home là một chiếc máy Kodak chụp lại khả thể tiềm thức của Solange. Mỗi một kiểu hát ‘I saw things I imagined” lại cho phép người nghe thẩm thấu những tầng ý nghĩa của câu. Cô đã nhìn thấy điều gì? Cô đã tưởng tượng ra điều gì? Và ý cô là gì? Cuối cùng, mọi hoang mang của ta biến tan vào một sự tự tin tĩnh tại, như cái cách sức mạnh tinh thần hội tụ và hiển lộ trên gương mặt người trẻ tuổi lần đầu tiên đứng trên bàn đạp nhảy cầu (high-dive).

    Như Solange đã nhận định trên Twitter, sự lặp lại là ví dụ của một tăng tiến tự huyễn. Phút đầu của bài hát, Solange lặp đi lặp lại một câu hát trên nền synth run rẩy. Trong thời gian thực, điều này cho phép người nghe và Solange đi dần tới một sự đồng điệu. Nhưng ngay khi ta những tưởng mình đã lên đến tột cùng của cảm giác ổn định thì Solange lại để giọng mình lắng xuống và âm nhạc bước lên chính đài.

    Tất nhiên, sự vững tin được ước lường như một cách tiếp cận lời nhạc nêu trên không phải chỉ xuất hiện riêng mỗi track này. Cấu trúc lời thưa thớt của Solange nhất quán xuyên suốt album When I Get Home, và một phần là sự gợi nhắc tới phong cách tối giản của Stevie Wonder trong album Journey Through the Secret Life of Plants hậu Songs in the Key of Life. Dẫu là những vuốt ve lặp đi lặp lại, nhưng chúng khiến album nghe như lời mời gọi tới một không gian được xây đắp bằng những lyric chất chồng và bao bọc ta; một cảm giác ngẩn ngơ của cơn thỏa mãn sầu muộn như thể chân ta đặt lên một băng ghế lạ trong cái nóng ngột ngạt vùng Houston ẩm ướt.

    Earl Sweatshirt đã nắm bắt được tinh thần của sự điệp lặp mơn man ở một verse được nhắc lại 3 lần trong track Red Water, một bài hát rút từ album “Some Rap Songs”, một bài hát khiến ta cảm tưởng như đang ngập sâu xuống vùng âm lượng đương tịnh tiến trong chứng loạn thần của Earl. Dù cho những đoạn loops đan cài chặt chẽ xuyên suốt toàn bộ album, nhưng vẫn có một cảm giác gián cách tột bực khi nghe Red Water.

    “I know I’m a king”, Earl bắt đầu rap, “stock on my shoulder I was sinking.” Lần đầu tiên, sự hối thúc tràn ra qua cách anh rap. Lặp lại lần thứ hai, cảm giác thân thuộc như cấu xé và kéo lấy ta, nhấn chìm ta dưới trọng lượng của những câu chữ. Đến lần thứ ba, ta đương ngồi nơi cùng đáy của chiếc ao sâu, cạnh bên Earl, ngẩng lên nhìn con nước đang vần vũ trên đầu.

    Lần lặp sau nối đuôi lần lặp trước, nước hóa thành một cái bóng đỏ, sâu hơn. Trong Shattered Dreams, Earl gợi ra hình ảnh anh trong cơn trận xuất huyết dưới lớp mặt nạ của một cơn mộng du: “Why ain’t nobody tell me I was bleedin’? / Please, nobody pinch me out this dream.” Mất phương hướng và vật lộn đấu tranh trùm lên tổ hợp những bài rap này, máu từ vết thương đã rỉ ra tự lúc nào anh chẳng biết, hòa thành nước tanh đỏ thẫm, thai nghén một mối quan hệ bế tắc với người bố nay đã quá cố; mối quan hệ đã mang đến cho anh quá nhiều khổ đau đến nỗi anh không tài nào tìm ra cách cứu vãn nó.

    Red Water không chỉ độc đáo bởi cách Earl không ngần ngại đối mặt với những nỗi âu lo trong mối nhân thân này – và cũng là điểm chung trong các bài còn lại của album Some Rap Songs – mà còn bởi cách Earl xử lý nó.

    Thông thường, phép điệp lặp là kẻ thù của tính khúc chiết, và đối với một album chỉ dài vỏn vẹn 25 phút, lựa chọn rap một đoạn refrain tới 3 lần tưởng chừng như có vẻ vô ích. Nhưng khi đặt trong trường hợp của Some Rap Songs, quyết định dấn sâu vào điều trọng yếu nhất mà album hướng về là một quyết định táo bạo. Earl, cũng như Solange, nhận thức được rằng công việc tạo lập một vũ trụ riêng và thu hút người nghe phần nào chính là thử thách cho chúng ta trong việc lưu tâm đến sức nặng của câu chữ và đắp nặn những khối tường dày cho album của mình để cho những thính giả khó tính không thể – hoặc đơn giản là không muốn – rời đi.

    Mỗi lần nghe ngẫm là một lớp lang khác; một bức tường khác được dựng lên để ta trú ngụ. Sự tái diễn những đoạn loop chặt chẽ và những verse rap cho ta cơ hội để chiêm ngưỡng 4 bức tường ấy một cách kĩ càng hơn. Thế nhưng, nếu xem kỹ, ta sẽ thấy những kẽ nứt: một sự ngờ vực lẻn vào với chiếc kính lúp minh triết có khả năng soi tỏ những ngón tay chạm lên hồn ta và những nỗi đau in dấu đời ta. Soi tỏ một sự thật rằng móng nhà của ta không hề vững chãi.

    Với Angel Bat Dawid, sự soi tỏ được tìm thấy trong hành vi giải thoát, xác quyết tự do của ta –  một tự do thấm nhuần tinh thần free jazz và những khuynh hướng vũ trụ hỗn mang được tìm thấy rải rác trong bản phát hành tháng Hai của cô – “The Oracle”. Một album được trình diễn và phối khí toàn bộ bởi Bat Dawid cùng phần trống đôi được chơi bởi Asher Simiso Gamedze trong bài Capetown, đã chứa đựng một cú chạm chuẩn xác vào một tầm nhìn mang tính sáng tạo.

    Tầm nhìn này đã được biến tấu và cải biên thành một thứ jazz được đúc nặn theo sự chỉ dẫn của Sun-Ra, tắm mình trong sự phì nhiêu của dòng sông lịch sử người da đen, nhưng trong What Shall I Tell My Children Who Are Black, Bat Dawid lại tận dụng giọng hát được overdubbed của mình như một loại nhạc cụ để thôi miên thính giả.

    Vào năm 1963, Dr Margaret Burroughs, người sáng lập Bảo tàng DuSable của Lịch sử Mỹ-Phi ở Chicago kiêm giáo viên kỳ cực tại Chicago, đã viết bài thơ “What Shall I Tell My Children Who Are Black (Reflections of an African-American Mother)”.

    Khổ thơ đầu tiên bắt đầu như sau:

    What shall I tell my children who are black
    Of what it means to be a captive in this dark skin
    What shall I tell my dear one, fruit of my womb,
    Of how beautiful they are when everywhere they turn
    They are faced with abhorrence of everything that is black.
    Villains are black with black hearts.
    A black cow gives no milk. A black hen lays no eggs.
    Bad news comes bordered in black, black is evil
    And evil is black and devils’ food is black…

    Bat Dawid đã thu âm và trình diễn The Oracle trên toàn thế giới, nhưng Chicago là quê hương cô. Nhằm vinh danh nơi chôn rau cắt rốn, cô đã cất lên những dòng đầu tiên trong bài thơ của Dr. Burrough, lặp đi lặp lại câu hỏi “What shall I tell my children who are black?” và câu nói giảm nói tránh theo sau “of what it means to be a captive in this dark skin” trong toàn bộ track thứ 3 của album.

    Với Solange, lặp lại có chức năng như nền tảng của sự vững tin, với Earl, nó lại là một nỗ lực kiên cố để gọi tên, suy tư, và tiến bước. Còn trong trường hợp của Bat Dawid, phép điệp lặp có tác dụng thay đổi nhận thức căn bản của người nghe.

    Nỗi chán chường ngữ nghĩa xảy ra khi những câu từ đánh mất đi thâm ý vì người ta đã nghe chúng quá nhiều lần, nhưng Bat Dawid đã tái lặp đầy đủ chất vấn của mình nhiều đến mức một câu văn sướt mướt mà ngụ ý của nó rõ ràng là những chiêm nghiệm trong việc dưỡng dục con cái da đen được chuyển hóa thành những lời khẩn cầu thống thiết, thành một câu chứa đựng những phức điệu, lôi cuốn đến nỗi từng câu từng từ như khắc lên thành vách tim ta. Những từ ngữ được chủ thể hóa một cách hoàn chỉnh đến nỗi ta không còn chủ ý chất vấn ý nghĩa của nó nữa, mà thay vào đó, ta sống trong cơn tuyệt vọng cào cấu của những dòng chữ và cảm nhận sức nặng của nó qua chất giọng trầm thấp, khơi gợi của Angel.

    Sự cứng cỏi trong giọng hát của cô và cách cô phối âm cho phép một đoạn refrain đơn giản căng tràn lên và đè lên hồn ta, ngay cả khi ta không còn tỉnh táo để gắng trả lời những câu hỏi của cô. Bat Dawid nhất quyết phải có một sự chú ý hoàn toàn. Cô tóm giữ trái tim và trí óc ta, còn nếu ta cứ không thuận theo, mải mê hỏi câu hỏi của Dr. Burrough: “What shall I tell my children who are black of what it means to be captive in this dark skin?” thì trong phần còn lại của The Oracle, cô đã cho ta câu trả lời: bạn phải nói sự thât, toàn bộ cái sự thật bị khuất lấp trong lịch sử nhưng giục giã bao tự hào.

    Câu trả lời không phải điều quan trọng, mà là cái quyết định để hỏi. Hành động hỏi buộc ta phải thành thật và giơ tay hàng trước mọi nghĩa của nó. Bằng cách này, Angel Bat Dawid đã cắm một cột cờ lên album của cô, ghi dấu khả năng sử dụng phép lặp. Cũng như Solange và Earl Sweatshirt, cô nhận ra phép điệp có thể là một công cụ âm nhạc dùng để khích mở những suy tưởng về âm thanh, về những phát ngôn, và những ý tưởng. Đây không phải cách nhanh nhất để vọc ra một bản hit rẻ tiền hay thành công xuất hiện tràn lan trong văn hóa đại chúng.

    Khi một nghệ sĩ dụng phép lặp, họ chẳng còn chốn dung thân. Khi được xào nấu kĩ lưỡng, nghệ thuật lặp cho phép ngôn từ đằm sâu vào gốc rễ linh hồn ta. Ta chiêm ngắm và mường tượng ra thế giới giống như Solange, ta chìm vào và sải bơi trong cái hồ nước giống Earl, và ta trả lời đồng câu hỏi mà Angel Bat Dawid vẫn hằng băn khoăn mỗi ngày.

    Đồng câu hỏi. Mỗi ngày.


    Tác giả: Edward Alexander (là một người yêu hip-hop lớn lên ở Los Angeles, sống ở Boston, người luôn cố nói với ai đó về âm nhạc, điều mà họ không thực sự quan tâm. Bạn có thể theo dõi anh ấy trên Twitter.

    Dịch thuật: Vũ Ngọc

    Tomura
    Tomura
    Founder of Gangs World

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây