Trang chủ Deep Cut Cùng nhau ngắm nhìn lại “Good Kid, M.A.A.D City” của Kendrick Lamar...

Cùng nhau ngắm nhìn lại “Good Kid, M.A.A.D City” của Kendrick Lamar (phần 02)

0
299

Phần thứ hai của album chính là phần bi kịch của câu chuyện. Sau những instrumental có phần sáng và tươi trong những track Money Trees hay Poetic Justice, màu nhạc chuyển ngay lập tức sang tone màu u ám và tối tăm. Kendrick Lamar đã dùng những ngôn từ chân thực nhất để miêu tả về tấn bi kịch mà anh trải qua, sự kiện đã tạo nên con người anh ngày hôm nay.

II-GOOD KID, M.A.A.D CITY:

  • Good kid

Nửa đầu tiên của chủ đề album mang đến một màu xám xịt và ảm đạm. Phần hook của Pharell Williams hiện lên bất ngờ và ma mị làm tăng lên sự căng thẳng của track. Verse đầu tiên, Kendrick nói về việc một cậu nhóc ngoan (good kid) dễ trở thành mục tiêu để tấn công và cướp bóc bởi những tay gangster khác. Ngay cả việc mặc đồ sai màu sắc ở nhầm khu cũng có thể trở thành nạn nhân dưới họng súng bất cứ lúc nào

Tiếp tục ở verse thứ hai, anh tiếp tục nói về việc một ‘good kid’ ở Compton bị đàn áp thế nào bới lực lượng cảnh sát. Chỉ với một hình xăm hoặc một hành động làm chúng ngứa mắt đều có thể bị quy tội và bị đánh đập. Ở verse cuối cùng, anh kết thúc vấn đề bằng một câu hỏi cho toàn xã hội rằng liệu có sự bình đẳng và hòa bình giữa các màu da và băng đảng; nhưng câu trả lời sẽ có ngay ở track tiếp theo.

  • m.A.A.d city

Câu trả lời đó là chả có hòa bình gì ở đây hết. Chắc không cần phải giới thiệu về độ hardcore của track này, nửa còn lại của chủ đề album mang tới một trong những track gangster rap hay nhất mọi thời đại. Bức tranh Compton hiện ra trần trụi một cách đáng sợ và nguy hiểm với những hình ảnh như:

“Uh, Warriors and Conans, hope euphoria can slow dance
With society, the driver seat the first one to get killed
Seen a light-skinned n***a with his brains blown out
At the same burger stand where *beep* hang out
Now this is not a tape recorder sayin’ that he did it
But ever since that day, I was lookin’ at him different”

K-Dot vẽ nên bức tranh của một địa ngục trần gian Compton với đầy rẫy những vụ xả súng hàng hoạt, những bữa phải ăn đồ ăn miễn phí từ thiện và những con nghiện khắp những hẻm phố. Phần instrumental bất ngờ chuyển sang một thứ G-Funk đặc trưng của Westside, cùng với verse của MC Eiht nói về ‘công việc’ của một gã gangster hàng ngày và cách mà họ sống sót trong thành phố Compton. Kết thúc track, Kendrick đã có một màn giải nghĩa cái tên m.A.A.d city, đó là my Angry Adolescence divided (tuổi thơ dữ dội chia làm hai phần) hoặc made me an Angel on Angel dust (ý nói Kendrick chính là thiên thần vì chưa bao giờ sử dụng ‘bụi tiên’)

  • Swimming Pools (Drank)

Tưởng chừng như đây chỉ là một bài hát về uống rượu vui vẻ và mang tính chất club banger, thực chất việc này rất có liên quan tới câu chuyện trong m.A.A.d city. Sau khi trải qua mất mát người thân hoặc bạn bè do băng đảng, giới thanh niên Compton thường sẽ sử dụng tới rượu hoặc chất gây nghiện để vượt qua nỗi đau.

“I ride, you ride, bang
One chopper, one hundred shots, bang
Hop out, do you bang?
Two chopper, two hundred shots, bang”

Kendrick đã khéo léo sử dụng hình ảnh ‘shot’ trong shot rượu với ‘shot’ mang ý nghĩa phát súng để nêu lên sự liên quan giữa các sự kiện trên. Tuy nhiên, phần nút thắt của bi kịch lại nằm ở đoạn hội thoại ở cuối track. Sau khi bị Sherane gài bẫy và bị đánh đập bới 2 gã anh họ, Kendrick cùng đám bạn đã lên kế hoạch trả đũa bằng súng đạn. Trên thực tế kế hoạch đã thành công, khi đã khiến 1 gã anh họ bỏ mạng; nhưng việc Kendrick không ngờ được rằng vụ đấu súng cùng đã kéo theo Dave, một người trong hội, nằm xuống cùng.

III-REDEMPTION:

Phần cuối cùng của album chính là phần gỡ nút thắt bi kịch nêu trên. Liệu anh sẽ tiếp tục vòng xoay hận thù và tìm cách trả đũa? Đây cũng là giây phút Kendrick Lamar tiến hóa từ con Sâu Bướm (Catterpilar) trở thành con Bướm Trưởng Thành (Butterfly) trong album TO PIMP A BUTTERFLY.

  • Sing About Me, I’m Dying of Thirst (S.A.M.I.D.O.T)

Đây có lẽ là track, theo quan điểm của tôi, hay nhất trong discography của Kendrick Lamar. Phần instrumental được sử dụng xuất sắc và tạo được sự đồng cảm từ người nghe; cùng với phần hook ngắn gọn nhưng da diết. Ở verse đầu tiên, Kendrick tiếp nối câu chuyện dưới góc nhìn từ người anh trai của Dave. Sau sự ra đi của người em, anh đã điên cuồng tìm kiếm sự trả thù. Anh không hận thù gì Kendrick, vì anh biết K-Dot rất yêu quý Dave; anh chỉ muốn Kendrick hứa rằng câu chuyện của Dave sẽ được kể qua những bài nhạc. Cuối verse, 3 phát súng báo hiệu rằng, số phận của anh trai Dave không khác so với cậu em, đó là nằm xuống vì băng đảng.

Verse thứ hai là câu chuyện của người em gái nhân vật Keisha, một nhân vật xuất hiện trong album SECTION.80 (2011). Trong album này, Keisha là một cô gái bán hoa bị cưỡng bức và ám hại, concept khá giống với ‘Brenda’s Got a Baby’ của 2Pac. Người em gái lên tiếng chỉ trích Kendrick vì đã khắc họa châm biếm Keisha như vậy, trong khi cô cũng là gái bán hoa và có thể đó sẽ là tương lai của cô. Tuy nhiên, K-Dot đã giải thích về mục đích của những câu chuyện anh đã sử dụng trong các album ở verse thứ 3. Anh chỉ muốn người nghe có cái nhìn chân thực nhất về xã hội Compton đầy rẫy những hiểm nguy dành cho cả những cá thể nam và nữ; và nếu anh bị ám hại bởi những gì anh viết, anh chỉ mong sẽ được nhớ tới trong những bài hát của các thế hệ sau.

“When the lights shut off and it’s my turn
To settle down, my main concern
Promise that you will sing about me”

Tới đây, phần instrumental đổi sang một màu nghiêm túc hơn. Đây là lúc Kendrick phá bỏ vòng lặp trả thù và bị trả thù đã và đang diễn ra tại Compton. Sự thèm khát (Thirst) ở đây chính là sự thèm khát trả thù, nhưng sau khi trả thù xong liệu cơn khát có được thỏa mãn? K-Dot kết luận rằng, sự thèm khát này sẽ được chấm dứt sau khi được rửa tội bằng Nước Thánh. Có nghĩa rằng, niềm tin vào Chúa sẽ giúp anh tha thứ cho những gì Dave và anh trai đã nếm trải; qua đó phá vỡ vòng lặp và tiến tới cuộc sống ‘thực’ của mình.

  • Real & Compton

Hai track kết album nói về cuộc sống ‘thực’ mà K-Dot đạt được sau khi phá vỡ được vòng lặp trả thù. Với Real, đây là một track chủ đề về việc yêu thương bản thân. Phần hook cùng sự góp giọng của Anna Wise khá mượt mà nhưng cá nhân mình không đánh giá cao track này bằng track ‘i’. Ở phần cuối track, người cha Kenny và người mẹ Paula của Kendrick lần lượt gửi tới con trai mình những lời động viên cũng như thông báo về việc Top Dawg, label của K-Dot hiện tại, đã mời anh tới làm việc cùng.

Cuối cùng chính là Compton, một track boom bap bùng nổ với sự góp mặt của Dr. Dre, để vinh danh mảnh đất khai sinh của N.W.A nói riêng cũng như sự phát triển của gangster rap nói chung. Pen game của cả K-Dot lẫn Dr. Dre đều rất ổn cùng phần instrumental gợi nhớ tới những ‘California Love’ là lời kết đẹp dành cho một ‘instant classic’ của thập kỉ 2010.

IV-TỔNG KẾT:

Trước khi GOOD KID, M.A.A.D CITY ra mắt, Kendrick Lamar đã thử kể những câu chuyện bằng album qua những O.VERLY D.EDICATED (2010) hay SECTION.80 (2011). Đây chỉ đơn thuần là thành quả của việc không ngừng tiến hóa trong cách viết cũng như delivery xuyên suốt từ những năm niên thiếu của anh.

Nếu xét về bộ tam từng được so sánh với nhau nhiều nhất là Drake, J. Cole và Kendrick Lamar, ở những năm 2010, có lẽ K-Dot là người bị đánh giá thấp nhất. Tuy nhiên, với sự thiên tài của mình, Kendrick đã vượt lên trên hai người đồng nghiệp để đạt được vị trí rapper xuất sắc nhất còn sống theo quan điểm của tôi.

Còn bây giờ thì thẩm ngay MR. MORALE & THE BIG STEPPERS mới ra mắt nhé

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây