Từ cuối thế kỷ 20, triết học cũng như lĩnh vực Khoa học xã hội phương Tây quan tâm nhiều đến các vấn đề quyền lực vận hành như thế nào. Một câu hỏi đặt ra là Trung tâm có phải là nơi luôn thể hiện sự thống trị? Và những thứ bị đẩy ra Ngoại vi, luôn nằm ở Ngoài lề là yếu thế, và không có quyền lực?
Nếu xem Trung tâm phải là cái quan trọng, cái ở ngay giữa, luôn mang tính vững chắc và kiên cố. Là thứ mọi con người phải đạt đến và tới được cái gọi là Trung tâm. Nhưng Triết gia người Pháp là Jaques Derrida cho rằng không có cái gì gọi là Trung tâm. Trung tâm chỉ là một thứ được Kiến tạo thành.
Vì lẽ đó, khi Trung tâm là thứ được Kiến tạo nên, thì nó có thể nằm cả ở Bên Trong, nhưng cũng có thể nằm ở Bên Ngoài – nằm ở cái vị trí Ngoại vi. Cái quan trọng mà Jaques Derrida hướng tới chính là việc phá hủy cái gọi là Trung tâm. Không còn Một cái Trung tâm DUY NHẤT. Mà là ĐA DẠNG NHIỀU Trung tâm.
Ý tưởng của Jaques Derrida được nối tiếp là về quá trình Ngoại vi hóa. Những thứ nằm bên Lề, nằm ở Ngoại vi không phải là thứ yếu đuối, bị gạt bỏ như quan điểm triết học trước đây. Mà theo ông, những thứ bên Lề, Ngoại vi có sức mạnh, động lực to lớn tấn công vào phía Trung tâm để thay đổi dần Trung tâm già cỗi.
Nhà nhân loại học chính trị James C Scott khi nghiên cứu về những tộc người ở vùng núi cao tại Đông Nam Á, Scott cũng cho rằng việc những tộc người đó nằm ở vùng cao và không bao giờ xuống đồng bằng (đồng bằng như là trung tâm) như là cách lựa chọn của họ để thoát khỏi sự kiểm soát của quyền lực mạnh mẽ chi được phối bởi nhà nước.
Chính vì thế, lựa chọn trở thành KẺ BÊN LỀ, KẺ NẰM Ở NGOẠI VI, không phải là sự yếu đuối, không phải là từ chối lợi ích về mặt quyền lực do TRUNG TÂM mang lại, mà đó là CÁCH SỐNG, CÁCH LỰA CHỌN, vì không phải ở BÊN LỀ, ở NGOẠI VI không có sức mạnh mà luôn tạo ra động lực thúc đẩy tình trạng Trung tâm phải luôn thay đổi.
Cũng như ở Rap Việt này, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự chia ra Trung tâm – Ngoại vi bằng việc là Mainstream (Overground) – Underground. Theo như lời bình luận của nhiều người tự nhận là fan Rap Việt thì việc lên Mainstream (Overground) là điều cần thiết, vì lúc đó mới nổi tiếng, mới có tiền, mới được nhiều người biết đến, và điều quan trọng lên mainstream thì RAP VIỆT MỚI PHÁT TRIỂN.
Nhưng nếu xem xét lại điều này có đúng?
Trong suốt lịch sử hình thành Rap Việt. Những con người ở Underground lại trở thành người có công đóng góp và xây dựng một hệ sinh thái tri thức rap Việt đồ sộ. Từ Kỹ thuật trong Rap như cách chơi vần, ẩn dụ, hoán dụ, và…., những bài Rap gây ấn tượng nhất trong lịch sử Việt Rap thì luôn là do những con người trong Underground tạo ra.
Mc Ill trong bài “Đây là âm nhạc” cũng thể hiện rõ quan điểm:
Điều này cũng nói chính âm nhạc của Underground như là cách thể hiện quan điểm về xã hội, để cải tạo xã hội thông qua âm nhạc mà không bị kiểm soát. Quan điểm này cũng đã thể hiện rất rõ từ thời Việt Dragon còn lãnh đạo GoDzallStarz
Nhiều rapper họ từ chối lên mainstream. Không phải vì họ bảo thủ, không phải vì họ chê tiền. Mà họ đó là cách sống, một lựa chọn của họ để thoát khỏi ngoài vòng kiểm soát của những Quyền lực gọi là Trung tâm, làm ngăn cản sự phát triển nghệ thuật của họ.
Nhìn về G-Fam, cách tổ chức của G-fam như quan điểm James C Scott như là cách tổ chức của các tộc người du mục, là không có Trung tâm, không có ai là người Đứng đầu (Acy luôn tự nhận đứng đầu về mặt danh nghĩa). Họ cần thì đến với nhau, chơi với nhau, xong buổi tiệc rồi lại tan rã. G-fam là tổ chức còn tồn tại đến ngày hôm nay vì hình thức tổ chức trên tinh thần không khác gì các nhóm du mục.
“Tụi tạo nằm ngoài rap Việt
Không cần cổ động khích giùm” – Acy (Cấm nghe).
Quan điểm triết học Du mục của Deleuze cũng rất giống như cách G-fam vận hành, bởi vì Du mục luôn di chuyển không bao giờ ngừng nghĩ, không có điểm khởi đầu và không có kết thúc, vì thế không ai kiểm soát, không ai nắm bắt được.
Câu hỏi đặt ra là NHỮNG NGƯỜI TRONG UNDERGROUND LÀM SAO SỐNG ĐƯỢC BỞI ĐAM MÊ ÂM NHẠC?
Câu trả lời rất đơn giản, nếu những rap fan Underground sẵn sàng chi trả để mua những sản phẩm âm nhạc của họ thì dù họ không cần lên mainstream, không cần phải đóng quảng cáo bia trên sóng truyền hình, thì họ vẫn sống được.
Nhiều người sẽ nói trong Underground làm sao được nhiều người biết đến? Thật sự có chắc vậy không? Vì chưa bao giờ các rapper Underground thống kê số lượng fan của họ. Và những fan họ phải có thói quen trả tiền cho chất xám lao động nghệ thuật của những người nghệ sĩ Độc lập ở Underground.
Nếu xem Underground là ngoài lề, là ngoại vi nhưng họ luôn là động lực mạnh tấn công và thay đổi cái gọi là mainstream và họ luôn nằm ngoài kiểm soát. Chính lúc đó âm nhạc sẽ là sự tự do, không kiểm soát, và người nghệ sĩ có thể sống được với nghề.
Trương Thịnh