Đã trải qua hơn 20 năm kể từ ngày, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói lời biệt li với cõi đời, trần thế này và lại trở về với cát bụi, để lại nỗi tiếc thương vô vọng của ngàn đời cho tâm hồn của một người nghệ sĩ cô độc. Nhưng dù cho là vậy, những giá trị nghệ thuật và nhân văn thuần khiết nhất của bác Trịnh, bằng cách nào đó, vẫn đang len lỏi và tìm kiếm một nơi trú ngụ ở một nơi ít ai ngờ tới, đó là nhạc Rap.
Trước hết, tôi muốn nói sơ qua về âm nhạc của bác Trịnh. Nếu đã nói, hoặc viết về nhạc Trịnh thì có lẽ bao nhiêu lời lẽ hay giấy bút cũng không thể kể hết được, bởi vì một lẽ giản đơn rằng, những quan niệm và lý tưởng về trần thế, về nhân loại, về cuộc sống và tình yêu trong nhạc Trịnh là quá lớn. Vậy nên tôi chỉ có thể nói đôi lời về lý tưởng của nhạc Trịnh trong bài viết này.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn luôn mang một âm hưởng về triết lý nhân sinh và cuộc sống rất lớn. Những quan niệm triết học nhân sinh được xen lẫn cùng chính những nỗi ám ảnh về cuộc sống nhân gian trong ca từ nhạc Trịnh, tạo nên một hình thái cảm xúc thường rất phức tạp, mâu thuẫn và nhiều khi lại rất khó hiểu với những hình ảnh ví von trừu tượng và đòi hỏi một sự thấu cảm, từ chính người nghe. “
“Mình là cái người biết về thân phận con người nhất. Mình còn nghĩ như vậy. Nghĩa là mình tin rằng mình là cái người biết về thân phận con người nhiều. Bởi vì sao? Từ 10 tuổi, là mình đã bị ám ảnh với cái chết rồi. Và từ đó mình suy nghĩ về cái sự sống chết trong dòng suy nghĩ liên tục, ngoài tình yêu ra mình chỉ nghĩ đến sự sống chết thôi. Bởi vì nghĩ đến cái mất – còn trong cuộc đời này” (Trích từ cuộc phỏng vấn của Thanh Bạch và Trịnh Công Sơn).
Nỗi ám ảnh của người nhạc sĩ họ Trịnh có lẽ cũng chính là nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Cõi lòng của một con người về cái sự sống – cái chết, hay cái mất – còn của cuộc đời này, lẽ chăng, đã khiến âm nhạc của Trịnh Công Sơn luôn đau đáu “một nỗi tiếc thương đau đớn đến tột cùng với cuộc sống trần thế” và một khao khát muốn tìm đến sự tự do, thoát khỏi những xiềng xích vô hình của cuộc sống này. Và có lẽ, vì thế nên gam màu tình yêu trong nhạc Trịnh, cũng thật thuần khiết, chân thật như ước muốn sự tự do của bác. Nó luôn luôn cháy bỏng và tồn tại sâu thẳm trong vô thức của mỗi người chúng ta.
Và khi Trịnh Công Sơn qua đời, những di sản, giá trị sâu sắc trong âm nhạc của bác lại tìm được nơi trú ngụ ở rap. Nói đúng hơn là ở văn hóa Sampling, một yếu tố cơ bản và tạo nên những giá trị cốt lõi ban đầu của HipHop. Theo lời của rapper Nah:
“Trịnh Công Sơn thì ảnh hưởng tới nhiều nền văn hoá chứ không chỉ riêng gì rap Việt. Người ta có nhiều cách để trân trọng và tưởng nhớ tới 1 nghệ sĩ tài hoa. Làm nhạc có sự vay mượn từ bác Trịnh cũng là 1 cách để bày tỏ lòng trân trọng. Cơ bản là nhạc của Trịnh Công Sơn thể hiện lại màu sắc và tâm trạng của thế hệ cha chú của anh. Những ca từ đó có tính Phật và triết lý sâu xa, giai điệu đó thì buồn… nên thế hệ từ bọn anh trở đi thì ít có hứng thú vì ít đồng cảm được. Nên việc làm mới lại những thứ của bác Trịnh cũng chỉ giống như việc người ta trùng tu một ngôi đền cổ xưa, thậm chí là xây cho nó thêm vài chi tiết mới để tăng tính thu hút.”.
Tôi muốn chỉ ra rằng, theo quan điểm của tôi, dự án Vietrap No1tulover của Nah có lẽ là một trong những dự án có sample lại nhạc Trịnh hay nhất mà rap Việt từng có. Một số track tiêu biểu trong album đó có thể kể đến Chiều Một Mình (sample lại Chiều Một Mình Qua Phố) và Con Đường Ta Đi với âm thanh hòa tấu violin bản nhạc Một Cõi Đi Về rất ma mị và sâu lắng. Thêm một dự án có sử dụng sample nhạc Trịnh mà tôi cũng muốn giới thiệu với độc giả của Gangs World nữa, là “Chơi với Bass” phần 6, với sự xuất hiện của B2C và Sol’Bass trên một con beat boombap sample lại bài hát “Ngẫu Nhiên” của bác Trịnh.
Âm nhạc, tư tưởng và quan niệm về cuộc sống cũng đã phần nào đó truyền cảm hứng rất nhiều cho những nghệ sĩ HipHop ở Việt Nam, đơn cử có thể kể đến Đen Vâu, DSK và Hà Lê. Với Đen, ta có thể thấy được phần nhiều sự ảnh hưởng của nhạc Trịnh lên âm nhạc của anh ở những track khá cũ, như là bản làm lại Quỳnh Hương với JGKiD, Dưới Hiên Nhà với một đoạn hát lại bài “Ở Trọ” của chính anh Thơm. Còn với DSK, phần lớn sự ảnh hưởng của bác Trịnh được thể hiện qua những tư tưởng và quan niệm về triết học nhân sinh, theo một cách rất riêng, rất đường phố, rất “DSK”. Ta có thể nghe thấy được đôi lời chia sẻ của bác Trịnh về sự sống – cái chết ngay từ track “Lấy” thuộc TTNMP VOL2.
Về phần Hà Lê, anh đã có một dự án làm lại nhạc Trịnh, “Trịnh Contemporary”, đối với tôi, là tương đối thành công khi đã phủ một lớp áo mới lên nhạc Trịnh, và vẫn giữ lại “cái hồn”của dòng nhạc này, trong lúc giới thiệu nhạc Trịnh với một lượng khán giả lớn hơn”
Tái bút: Xin gửi lời cảm ơn đến anh Thịnh từ Cổ Động và anh Nah, cùng anh em ở G$W đã giúp tôi hoàn thành bài viết này
Shogun