Trước tiên, tôi cảm thấy rất may mắn khi thuộc thế hệ Millennials, thời điểm những loại hình giải trí cách đây 5 – 7 năm không bị kiểm soát bởi internet và sự nhạy cảm của đám đông. Âm nhạc và phim ảnh hầu như không có quá nhiều giới hạn sáng tạo và không bị sự kiểm soát bởi chính những người thưởng thức nó như bây giờ.
Về âm nhạc
Rap luôn là genre mà tôi ưa thích, từ xưa đến giờ vẫn vậy, gu đàn ông có thể thay đổi, nhưng rap vẫn là “người đàn ông” đi cùng tôi từ rất sớm, và phải nói rằng, độ “Nasty” của rap bây giờ so với những tác phẩm gạo cội của các rapper ngày xưa ư? Không là gì. Để liệt kê vài line nghe tạm đã, và họ có lôi các diễn viên, nghệ sĩ, chính trị gia khác vào bài hát không ? Có, nhiều là đằng khác…
Eminem: “Will Smith don’t gotta cuss in his raps to sell records. Well I do, so fuck him and fuck you too” (Lão Will Smith không chửi bậy để bán đĩa. Ừ tao thì có đấy, nên **** lão nhé, cả chúng mày nữa)
Master P: “But they call me Bill Clinton for all the head I got” (Chúng nó gọi tao là Bill Clinton vì được BJ nhiều – bê bối ngoại tình của Bill Clinton và cô thư kí Monica Lewinsky ở nhà Trắng).
Beyonce: Hay mới cách đây 8 năm, track “Partition”, rất sexual, rất đẹp, rất gợi tình của Beyonce có một line như sau: “He Monica Lewinsky’d all on my gown” (Nói về vụ bê bối chiếc váy xanh có dính vết TT của Bill Clinton trên váy của Monica Lewinsky – do chính bà tố cáo).
Ở trên chỉ là 3 ví dụ trong số hàng trăm line gây tranh cãi, khá là “triggered” trong các bài hát, đặc biệt là rap. Các jokes về các chính trị gia, diễn viên tràn ngập trong các bài hát của họ. Và, không thấy fan của Will Smith, hay nhân viên Nhà Trắng, những người yêu Bill Clinton đòi “cancel” các nghệ sĩ trên.
Phim ảnh
Vậy còn môn nghệ thuật thứ 7, đặc biệt là thể Dark Comedy, họ có lôi chuyện các nghệ sĩ khác vào phim để gây cười không. Ồ, có chứ, thậm chí còn có phần dã man hơn. Và họ không kiêng dè một nghệ sĩ nào cả, KHÔNG MỘT AI. Với mục đích chính là gây cười, giải trí đơn thuần, những “triggered” reference chính là một phần trong văn hóa phim ảnh – âm nhạc của Mỹ, từ rất rất lâu rồi. Giống như Quentin Tarantino từng nói: “Nghĩ đến film của tôi, các bạn nghĩ đến gì nào? Bạo lực, đúng vậy, như Kill Bill ấy ..Các bạn không thể đến show Metallica và bảo họ vặn bé nhạc đi được”.
Tôi luôn đồng tình với câu nói này của ông, nghệ thuật phải trần trụi, châm biếm, cay nồng chứ không phải dễ ăn, dễ thấm, dễ quên.
Và mới đây, một series khá hay và ăn khách của Netflix có tên G&G đã ăn đủ gạch từ người hâm mộ của một nữ ca sĩ chuyên hát tình ca vì dám châm biếm đời tư thần tượng của họ trong một tập phim. Khỏi phải nói, đang nhận được mưa lời khen từ các nhà phê bình, nằm trong top trending của Netflix, nắm trong tay số điểm IMDb ấn tượng: 7.4, thì rất nhanh, fan của nữ ca sĩ nọ đã tràn vào và đánh giá 1 sao để bộ phim tụt xuống 6.8 và đủ lời chửi rủa, lăng mạ bộ phim là sexist, ghét bỏ thần tượng của họ, dẫm đạp lên nữ quyền, cho rằng phụ nữ bị xúc phạm, đòi Netflix “cancel” cả series và phải cắt bỏ câu thoại đó, xin lỗi ca sĩ, vân vân.
Và tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, từ bao giờ một sự hậm hực của một nghệ sĩ nữ da trắng lại đại diện cho bất công của toàn bộ phụ nữ thế nhỉ ? Thật sự trong showbiz, rất nhiều những nữ ca sĩ khác cũng phải chịu vô vàn bất công, như Janet Jackson, Duffy, Britney Spears … Janet là một trường hợp vô cùng đáng thương, từ một nghệ sĩ tài năng, sở hữu kĩ năng nhảy + hát vô cùng ấn tượng, sau scandal bị Justin Timberlake vạch áo lộ ngực tại Super Bowl, cô bị cấm sóng hoàn toàn và sự nghiệp gần như bị đóng băng mãi mãi, không ai lên tiếng đòi lại bình đẳng cho cô cả, và điều độc ác nhất, tên tuổi của cô dần chìm vào quên lãng. Hay như chủ nhân hit “Mercy”, “Warwick Avenue” – Duffy, mới đây cho biết: Cô đã bị bắt cóc, hiếp dâm và đang phải đi điều trị tâm lý trong một thời gian rất dài. Và hãy nhìn xem, có mấy ai đòi “Cancel” kẻ gây nên những bất công cho họ. Tôi rất ghét phải nói điều này, nhưng chữ Nữ quyền các bạn hay treo trên cửa miệng, lý tưởng các bạn đang theo đuổi, nó là sự bình đẳng giới, công bằng cho tất cả phụ nữ chứ không phải chỉ xoay quanh một nữ thần tượng các bạn yêu thích và văn hóa cancel mà các bạn mang đến TOXIC thật sự và nó sẽ giết chết nghệ thuật phim ảnh lẫn âm nhạc !!
Kết
có một câu nói của bác Quentin Tarantino mà tôi vẫn vô cùng tâm đắc: “Đừng viết những gì công chúng muốn nghe, muốn đọc, hãy tìm tiếng nói của riêng mình và làm họ phải lắng nghe theo” – Thật vậy, tôi cảm thấy rằng, chính sự nhạy cảm thái quá của đám đông như một con dao hai lưỡi triệt đường sáng tạo của nghệ thuật nói chung và âm nhạc, phim ảnh nói riêng.
Beazy