Bình thường tôi rất ít khi review về một cái gì đó, nhất là những thứ liên quan đến âm nhạc và nghệ thuật vì sự cảm thụ những thứ này không thể bị giới hạn trong bất kì một cá nhân nào. Tuy nhiên, hôm nay tôi xin mạn phép review về track Cấm Nghe của rapper Acy, là một trong những cây đại thụ của rap Việt.
Theo Lê Quốc Thịnh aka Tonnie, bài luận được biên từ năm 2020
Tôi không phải là một rapper gạo cội, cũng chẳng phải là một nhà phân tích hay phê bình của làng rap, và vốn kiến thức về rap của tôi có hạn, nên nếu có thiếu sót gì mong mọi người đóng góp và xây dựng. Với bài viết này, tôi sẽ cố gắng đưa ra những nhận xét khách quan nhất có thể. Những lời nhận xét này sẽ dựa trên cơ sở là những điều tôi rút ra được sau khi nghe track “Cấm Nghe” và những điều tôi thấy được ở những bài phân tích, cũng như bình luận của người hâm mộ.
Từ đó tôi ít nhiều đã rút ra được 3 luận điểm chính, đó là:
- Flow của Acy đã cũ và khiến người nghe rất chán và buồn ngủ
- Lyric là một nhược điểm lớn và không có sát thương
- Nhạc của Acy từ 2013 đến 2020 không có gì thay đổi
Với bài luận này, đầu tiên tôi sẽ đưa ra nhận xét tổng thể của ca khúc này trước, và sau đó tôi sẽ đi sâu hơn vào ba luận điểm phía trên để đưa ra nhận xét
Về tổng thể của cả track “Cấm Nghe” của Acy. Mở đầu sẽ là một quả dirty south type beat đậm chất gangz với cái flow biến chuyển và nhanh chậm liên tục như đòn giáng phủ đầu, sau đó là một con beat khá funky cùng với lối nhả chữ rất ‘dính’ và một đòn meta “Quê ta sông chảy ra biển lớn, không phải là nước đọng Hồ Tây” (thật sự tôi khẳng định đây là meta và câu này ít nhất phải là hai tầng nghĩa, nên bạn nào có thể giúp tôi giải nghĩa thì tôi rất cảm ơn) như một cú upper-cut chí mạng trước khi chuyển sang bài hò cũng không kém phần thấm và hiểm.
Tiếp đến ở phần còn lại của bài nhạc diss thẳng vào RVP và cả track “Back-8: Kamikaze” của ICD, trở lại với màu nhạc điển hình của Acy – đánh phủ đầu và bẻ từng lý luận và punchline phức tạp của đối thủ bằng những câu chữ rất dể hiểu.
Về mặt flow style thì đã có rất nhiều sự cải tiến so với “Trường Ca 5B” và “Khúc cầu hồn”, flow rất đa dạng và biến đổi nhanh chậm liên tục và có chủ đích xuyên suốt bài nhạc, từ phút thứ 3:19 đến 5:18 tôi có cảm giác Acy đã tận dụng và cải tiến vô cùng xuất sắc flow của Torai9 theo một phong cách rất riêng, và nó khiến tôi liên tưởng ngay tới bản “Đối Nam Thưởng” của năm 2013.
Đặc biệt hơn, anh còn mang cả điệu hò đậm chất miền Tây Nam Bộ vào bài nhạc và đó cũng là một điểm nhấn rất thú vị trong bài nhạc. Về mặt delivery thì không cần phải nói quá nhiều, vocal rất chiến và cách nhấn nhá tinh tế đều đã được thấy ở hầu hết những diss track của Acy. Và cái làm tôi ấn tượng trong bài này là cách khai thác fact và triển khai concept của anh vẫn rất logic và chặt chẽ, nội dung của bài nhạc chia thành nhiều nội dung chính nhắm tới nhiều cá nhân và tổ chức của làng rap ở Northside, nhưng vẫn rõ ràng không bị đan xen, lộn xộn hay bị lặp ý, và điệu hò xuất hiện trong track chứng tỏ sự sáng tạo trong việc triển khai concept của Acy. Đây là những gì tôi thấy được khi nhìn vào tổng thể của track “Cấm Nghe”
Và để nối tiếp bài viết, tôi sẽ vào nhận xét về 3 luận điểm mà tôi đã rút ra được (tôi đã nhắc đến phía trên)
- Luận điểm 1: Flow của Acy đã cũ và khiến người nghe chán và buồn ngủ
Ở luận điểm này tôi thấy có một sự mâu thuẫn ‘nhẹ’ giữa những câu chữ trong bài phân tích của page Anzz Entertainment (2020), không biết vô tình hay là cố ý của người viết bài. Ở đoạn thứ hai của bài phân tích thì quý page có đề cập rằng: “Flow Acy dùng trong bài này khá đa dạng, nhưng đây đều là những flow anh đã từng dùng qua rồi, nó vẫn hay nhưng không có gì mới lạ hay đặc sắc. Nhưng Flow của Acy vẫn có cái chất riêng và lôi cuốn”.
Tuy nhiên ở đoạn dưới thì các bạn lại nêu ý kiến ngược lại: “flow của anh cũng mang thiên hướng thong thả khiến cho những bài nhạc của anh bị đánh giá là rất chán và buồn ngủ.” (?). Thật sự thì tôi không phải là một người nghe nhiều nhạc rap và tôi không dám nhận là mình có đủ kiến thức chuyên môn, nhưng theo tôi thì flow của Acy nói chung không hề có khái niệm “thong thả” ở đây, những lúc flow chậm hay nhanh đều có chủ đích và có điểm nhấn cả. Và tôi luôn tự hỏi là với mật độ rải vần khá dày cùng tần suất đổi flow cao thậm chí cách set-up punchline rất mượt mà, sáng tạo như vậy thì điều gì khiến cho các rap fan buồn ngủ? Câu trả lời có lẽ nằm trong chính mỗi người khi nghe nhạc thôi.
- Luận điểm 2: Lyric là một nhược điểm lớn và không có sát thương
Đây là một luận điểm hoàn toàn sai và mang tính định hướng khá cao. Ở đây một số có đề cập rằng: “Những lý lẻ của anh cũng bị lặp lại rất rất nhiều, tiêu biểu là anh nhắc đi nhắc lại mình là cộng sản nhà nòi để bật lại việc anh bị đánh giá là rapper phản động, điều này là không cần thiết và khiến bài nhạc dài lê thê”. Hỏi, vậy liệu các anti-fan của Acy có chán không khi luôn miệng khẳng định rằng Acy phản động? Khi bạn luôn miệng chỉ trích người khác thì không thấy chán nhưng khi họ luôn miệng giải thích thì bạn lại cho là không cần thiết, đây thật sự không phải là một lí luận hay.
Thêm vào đó một số khác lại cho rằng track: “Có một số câu cực kì fail như là RVP sản sinh ra bọn đếm punch, nhưng người ta chỉ đếm vần, đếm skill chứ chưa thấy ai đếm punchline bao giờ, hay câu knock out/ao đại lục thì tôi không hiểu đó là wordplay hay ẩn ý gì của Acy nữa và câu giải thích quá trình làm đĩ của một artist cũng thật sự không có sát thương, cái kiểu dùng outro để tâm sự về rap thì Bray dùng nhiều rồi, nó không phải là kể lể gì cả. Trong bài còn có một concept ẩn dụ khi Acy trò chuyện với “b.i.t.c.h”, nhưng cả đoạn đó thực sự chỉ là vòng vo tam quốc chứ không có sát thương hay tính hiệu quả gì, kể cả concept cũng từng được Phúc Du dùng qua nên nó cũng không phải thứ gì mới, cả verse này lạc nhịp với những phần còn lại khiến cho bài nhạc cực buồn ngủ”.
Theo tôi, tất cả những phân tích trên chứng tỏ sự nông cạn của người viết vì có rất nhiều câu trong bài này có ít nhất là 2 tầng nghĩa, không phải không tìm ra được nghĩa là không có, và về mảng punchline thì Acy đã đỉnh từ “Trường Ca 5B” và “Khúc Cầu Hồn” rồi nên về sau chỉ việc phát huy chứ dùng từ “phát triển” là không thích hợp. Kết luận của tôi cho luận điểm này là chứng tỏ người viết không có chú tâm vào từng câu chữ của bài nhạc mà chỉ thấy được bề nổi của lyric dẫn đến sự lầm tưởng về độ sát thương của “Cấm Nghe”.
- Luận điểm 3: Nhạc của Acy từ 2013 đến 2020 không có gì thay đổi.
Luận điểm này thì đúng một nửa, màu nhạc và phong cách của Acy rất đặc trưng suốt gần 10 năm qua chưa hề thay đổi, và đây cũng là cách mà anh giữ được cho mình giữ vững vị thế của mình với dòng nhạc rap đậm chất HipHop chính thống, không lai tạp hay bị biến chất. Nhưng nếu nói rằng nhạc của Acy nói riêng và nhạc của G-Fam nói chung không phát triển và dậm chân tại chỗ là hoàn toàn sai. Có một điều chúng ta nên nhớ rằng nhạc của G-Fam phát triển và nổi tiếng nhờ chính cái chất và sự riêng biệt mà bao năm qua mà các thành viên của họ đã tạo nên chứ không phải thông qua việc viral, tạo trend hay là chạy theo những thứ hào nhoáng. Và nếu chúng ta cứ tiếp tục tìm cách phủ nhận chuyện này thì chỉ càng đưa luận điểm này đi vào ngõ cụt.
Phía trên là những gì tôi rút được từ những luận điểm trên. Từ một bài phân tích nhạc đầy định kiến lại mang tính định hướng người đọc khá cao từ một fanpage HipHop khiến tôi khá thất vọng. Sự hời hợt trong việc nghe nhạc cùng với việc thiếu sự chiêm nghiệm trong việc phân tích lyric của người viết đã cho ra một bài viết đầy tính chủ quan và thành kiến về track “Cấm Nghe”. Tôi mong rằng tất cả sẽ có những góc nhìn, những bài viết đầu tư hơn về chuyên môn và tính khách quan. Âm nhạc là nghệ thuật, và nghệ thuật thì nên được cảm nhận bằng tất cả các giác quan, cùng với trái tim và khối óc.
Lắng nghe track “Cấm Nghe” tại đây:
Theo Lê Quốc Thịnh aka Tonnie, bài luận được biên từ năm 2020