More

    “Âm nhạc” – Thứ cảm giác mông lung đã khiến Akira trở nên vô cùng đặc biệt

    “Bạn phải tìm ra tiếng nói trong đó”

    Đã bao giờ nghe nói về một dự án được tạo ra với ngân sách vô hạn chưa? Mặc dù điều này không mấy phổ biến, nhưng đó là sự thật; khi hoạ sĩ truyện tranh, nhà biên kịch, đạo diễn Katsuhiro Otomo; người đã đưa ra lời mời hợp tác với nhà soạn nhạc kiêm nhà thần kinh học Tsutomu Ōhashi (còn được biết đến dưới bút danh Shoji Yamashiro), người đã sáng lập nên tổ chức nghệ thuật lớn nhất xứ Mặt trời mọc, “Geinoh Yamashirogumi”, nhằm tạo ra hàng loạt âm thanh, giai điệu xuyên suốt bộ phim triệu đô được chuyển thể cho loạt truyện tranh ra mắt năm 1982 của Otomo, Akira 

    Yamashiro, người chịu trách nhiệm cho phần hiệu ứng âm thanh từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn của bộ phim tài liệu dài 50 phút ra mắt năm 1988, ‘The Akira Production Report’: “Bộ phim này có nhiều hiệu ứng âm thanh rất phức tạp, nó sẽ hơi khác một chút so với bất cứ thứ gì tôi từng thử trước đây – nói thật là chúng tôi đã phải học hỏi, rồi thử nghiệm rất nhiều cho dự án này. Vâng, có thể nói đây là một sự kết hợp của rất nhiều âm thanh khác nhau để tạo ra thứ cảm giác này – cái cảm giác mà tôi nghĩ các anh sẽ cảm nhận được khi xem phim, và cái mà anh tận hưởng chính là kết quả mà chúng tôi có được”

    Chiếc đĩa than “Akira OST LP” được bán đấu giá trên ebay, cùng ký hiệu biểu trưng của tổ chức nghệ thuật Geinoh Yamashirogumi

    Trong điện ảnh, phần nhạc đối với đạo diễn cũng như nhịp điệu của một rapper

    Không có phần nhạc, sẽ không có thứ gì gọi là một bản thu; vì chắc chắn rằng chẳng có một người dẫn truyện hay một rapper nào có chất giọng đủ hấp dẫn để “hát chay” trong suốt dự án của họ. Âm nhạc là thứ sẽ ảnh hưởng đến nhịp độ, không gian, và bầu không khí của cả bộ phim. Không có phần nhạc cùng các hiệu ứng, thì một bộ phim khi được tạo ra sẽ rất tẻ nhạt, như bạn thử nhìn vào những bộ phim đen trắng không lời của những thập niên trước, thoại có thể không cần – nhưng âm thanh chắc chắn phải có

    Đó là một yếu tố vô cùng quan trọng. Cũng như cách mà anh em Safdie tạo ra sự hỗn loạn trong bộ phim “Uncut Gems”, hay sự tĩnh lặng đến rợn người được tạo ra vào năm 2019 bởi đạo diễn Todd Phillips, “Joker”. Và bây giờ chúng ta hãy thử áp dụng góc nhìn này qua lăng kính âm nhạc, hãy nghĩ về “Cherry Bomb”, album phòng thu thứ ba của Tyler The Creator; đó là một sự trái ngược hoàn toàn với album phòng thu thứ hai của Frank Ocean, “Blonde”. Cấu trúc âm thanh của hai tác phẩm này như đêm và ngày — một bản nhằm mục đích làm vỡ màng nhĩ trong khi bản kia là một sự vuốt ve dịu dàng.

    Đặc biệt, như Tyler, với việc hầu như là ‘tự xử’ phần lớn công đoạn trong khâu sản xuất, tất cả những album của chàng trai đa tài này đều được sắp đặt theo một trình tự như thể chúng là nhạc nền của bộ phim vậy. Như “IGOR”, đây sẽ là một trong những màn thể hiện đỉnh nhất của đạo diễn Tyler – với các chi tiết, cùng sự nhạy cảm trong âm nhạc, tất cả đều được anh đan xen vào nhau để rồi xây dựng một thế giới để người nghe sống trong đó, một sự rung cảm tuyệt vời

    Nghệ sĩ nhạc rap Tyler The Creator

    IGOR làm chúng ta nhớ về “Akira” của Geinoh Yamashirogumi

    Là một dự án vô cùng độc đáo; nó khác thường, vô cùng phức tạp và không thể đoán trước được. Nhắm mắt lại, bạn sẽ cảm thấy IGOR sống động như một cái lọ chứa đầy những con đom đóm đang va chạm vào nhau. Sự chồng chéo từ hợp âm này sang hợp âm khác, âm thanh này sang âm thanh khác, giọng nói này sang giọng nói khác; tất cả những thứ đó làm tôi cảm thấy mỗi ca khúc là một ly nước ép, với những nguyên liệu được Tyler hoà trộn vào nhau, để rồi thứ cuối cùng chúng ta trải nghiệm là thứ thức uống vô cùng ‘fresh’

    Mặc dù về nội dung, Akira không nói về một mối tình tan vỡ như IGOR, nhưng cả hai đều có chung một thứ; đó là tính ngẫu hứng, thứ giúp cho âm nhạc của họ luôn chuyển động. Từ phần mở màn, “Kaneda”, cho đến phần kết thúc “Requiem”, mỗi bản trong số tất cả 10 bản thu đều là một tác phẩm nghệ thuật với những đường nét tôn lên sự uyển chuyển của âm thanh

    Như Kevin Lozano của Pitchfork, người đã mô tả về âm nhạc của Akira trong bài đánh giá về việc tái phát hành lại Akira (Symphonic Suite): “Là một sản phẩm với ngân sách không giới hạn với 6 tháng miệt mài sáng tạo và thu âm. Với tôi, phần nhạc nền của Akira nó không bao giờ có ý nghĩa thực dụng. Mà ở đây, với tất cả những người tham gia vào dự án này, thứ đầu tiên họ mong muốn nhất chính là vươn tới cái tầm cao hơn, thứ đưa người nghe đắm chìm vào thế giới của Neo-Tokyo, thứ sẽ khuấy động cảm xúc của bạn” – Kevin Lozano

    Vâng, đây thật sự là một điều đã vượt qua khỏi tiêu chuẩn của các bản nhạc nền trong phim, Geinoh Yamashirogumi đã tạo ra một cánh cổng dẫn người nghe đến một Tokyo chưa hề tồn tại; và nhất cả cái cách nó thể hiện chính xác theo mạch của bộ phim, âm thanh của sự huỷ diệt mang chủ nghĩa vị lai

    “Những giai điệu này cứ như tiếng than khóc từ những cư dân của Akira, khi họ đang cố nhìn lại quá khứ của mình để tránh lặp lại những sai lầm thảm khốc của họ trong tương lai” – Jen Monroe

    Và một trong những điều khiến bất kỳ ai cũng phải ấn tượng là khi biết rằng Shoji Yamashiro đã không đọc kịch bản hoặc xem bất kỳ cảnh nào trong phim trước khi soạn nhạc. Thật khó tin về điều này, vì khi nghe một bài như “Tetsuo”, ca khúc thứ tư được đặt theo tên của một “nhân vật phản diện” trong phim – nó đã diễn đạt mọi thứ vô cùng hoàn hảo

    Với “Tetsuo”, nó có tất cả những gì kỳ quặc nhất của một thiên tài điên rồ, cách nó xây dựng những vụ nổ, cách nó khiến người nghe chìm đắm vào sự tỉnh lặng. Cho đến cái kiểu cợt nhả khó chịu được tạo ra từ các hợp âm, và cách dàn hợp xướng thêm một đoạn ngân đơn giản nhưng hiệu quả. Họ đã kết hợp tất cả mọi thứ thành một khớp nối duy nhất. Mỗi giây trong 9 phút của bài nhạc là một sắc thái, với tính cách phức tạp của nhân vật, mạnh mẽ và cũng vô cùng nguy hiểm.

    Nhạc phim trong bộ anime AKIRA

    Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến “Shohmyoh”, một sản phẩm dài gần 10 phút với các âm thanh mà tôi nghĩ đây là một bài tụng từ các tín đồ Phật giáo Tây Tạng. Với các giọng nói đồng bộ, nó như thể đây là một buổi cầu nguyện tập thể vậy. 

    Cũng như “Shohmyoh”, hầu hết các bài hát xuất hiện trong cả dự án đều mang tính thiền định, quá khứ cho đến tương lai, âm thanh ‘hư thực’ không theo bất cứ trình tự nào – từ cấu trúc cho đến phong cách. Và không có gì phải ngạc nhiên khi Geinoh Yamashirogumi chưa bao giờ giành được giải GRAMMY, giải thưởng được trao cho những người chơi theo các quy tắc nhất định; nhưng ở Neo-Tokyo không có thứ được gọi là “quy tắc”

    Nhạc phim trong bộ anime AKIRA

    Âm nhạc là không giới hạn

    Không chỉ thế, ở bộ phim này, điều khiến cho nó thêm phần đặc biệt chính là việc đạo diễn Katsuhiro Otomo đã tạo điều kiện cho Shoji Yamashiro cùng đội ngũ Geinoh Yamashirogumi — một tập thể gồm hơn 100 người gồm cả nam lẫn nữ (không bao giờ tự nhận mình là nhạc sĩ) với quyền không một ai kiểm soát sự sáng tạo của họ, với yêu cầu xoay quanh hai chủ đề chính là “Requiem”“Festival”

    “Tất cả những gì tôi làm là dốc hết sức để tạo ra những tác phẩm làm thoả mãn bản thân tôi, mặc kệ tất cả những gã chết tiệt xung quanh nghĩ gì”. Yamashiro nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1988. “Tôi có cảm giác như mình đang vung kiếm khi nhắm mắt lại. Tôi có cảm giác là mình đã định ra kế hoạch rõ ràng rồi. Nhưng khi vào việc thì tôi vẫn không biết liệu mình có chém trúng thứ mà mình đã định hay không – tất cả với nó không hề rõ ràng” – Yamashiro chia sẻ trong bài đăng mang tiêu đề “Nhạc phim ‘Akira’ xứng đáng là một kiệt tác hình ảnh”

    Sau chia sẻ trên của nhà soạn nhạc Yamashiro, chợt tôi nghĩ ngay đến câu, “đời không như là mơ”; một lời nhắc nhở rằng những gì bạn tưởng tượng nó có thể vượt ra những gì mà bạn thấy, bạn hiểu. Nghe nhạc mà không có lời hoặc đó là một loại ngôn ngữ mà mình không hiểu, thì trí tưởng tượng là thứ sẽ lên ngôi. Bạn sẽ không thể hiểu chính xác chúng là gì, mà bạn chỉ có thể cảm nhận được chúng

    Đến đây tôi muốn giới thiệu cho các bạn về Hako Yamasaki, một nữ ca sĩ Nhật Bản với một số album có từ những năm 1970 đến 1990; cô ấy cũng có một bài hát trên YouTube như “Nostalgia”. Tuy không hiểu tiếng Nhật, nhưng tôi có đọc qua một số bài cảm nhận trên một số trang web tiếng Anh, họ nói rằng những tác phẩm của cô ấy thường là nói về quê hương của mình; với một cảm giác thất thường, ảm đạm và vô cùng u sầu.

    Về cảm nhận của tôi, khi nghe một số bài của Yamasaki, đối với một kẻ dốt tiếng Nhật như tôi thì chỉ có thể cảm nhận qua giai điệu mà thôi, nhưng thật sự tiếng hát của cô ấy có thể đi xuyên qua tâm hồn của bạn, bất chấp cả rào cản ngôn ngữ

    Hay một nghệ sĩ Nhật Bản khác là Meitei, một nhà soạn nhạc kiêm nhà sản xuất đến từ Hiroshima. Với album “Komachi ra mắt năm 2019 của anh ấy, đây là một dự án mà tôi đã tìm thấy trên Bandcamp sau khi đọc một số bài đánh giá trên một số trang mạng. 

    “Một số thế giới bắt nguồn từ tưởng tượng, trong khi những thế giới khác thì dựa trên biên niên sử của lịch sử. Meitei có lẽ đã rút ra rất nhiều từ hai quan niệm này, để rồi cho ra đời một sản phẩm âm nhạc mang hơi sắc của J.Dilla và Steve Reich” Noah Yoo nhà phân tích của Pitchfork đã viết

    Với những nhận định từ Noah Yoo, Meitei, một nghệ sĩ được truyền cảm hứng bởi huyền thoại Dilla. “Komachi” như một liều thuốc khi nó đã liên tục xoay vòng cùng tôi trong chuỗi ngày giản cách buồn chán này. Thứ tôi có được từ nó là những phút giây thoải mái giống như bùn đất được gội rữa dưới cơn mưa vậy; và việc khiến nó trở nên tuyệt vời như vậy có lẽ vì đây là một album hoà tấu, thiếu đi những giọng ca sẽ tạo điều kiện cho tâm trí bạn lang thang, để cảm nhận được âm thanh từ thiên nhiên.

    Meitei cũng để lại vài dòng thông điệp trên trang Bandcamp: “Mọi thứ sẽ dần mai một đi, khi mà giờ đây ai ai cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mình”. Với album này, thứ Meitei muốn đạt được đó là, “làm sống lại linh hồn của Nhật Bản đang ngủ yên trong màn đêm”

    Tôi không biết liệu Meitei có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình hay không, nhưng cái vẻ đẹp khó hiểu từ “Komachi”, đây không phải là một tác phẩm dành cho mọi người, nhưng chắc chắn nó sẽ khắc sâu vào trong tim của những người có cùng tần số với anh

    Sau cùng, chỉ đơn giản là tôi muốn gửi đến các bạn rằng: “Hãy tìm ra tiếng nói trong đó”. Tìm kiếm giọng nói tại cái nơi mà âm nhạc và tâm trí của bạn chạm vào nhau. Mặc dù nó sẽ hơi khó hiểu, nhưng sau đợt giản cách covid này tôi ít nhiều đã có thể tự chiêm nghiệm cho bản thân mình một số thứ. “Nghệ thuật là cái khoá, và việc của bạn là tự giải mã nó – theo cách của chính bạn”

    Tomura
    Tomura
    Founder of Gangs World

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây