More

    Bob Dylan – Phát ngôn viên của một thế hệ

    Bob Dylan có thể được coi là một tượng đài lớn của âm nhạc thế giới hiện nay. Với một sự nghiệp trải dài gần 60 năm và vẫn còn đang đếm tiếp với album “Rough and Rowdy Roads” chỉ mới ra mắt trong thời gian gần đây. Nhưng theo tôi, giai đoạn cực thịnh nhất của âm nhạc Bob Dylan có lẽ sẽ phải nằm ở giai đoạn những năm 60 của thế kỷ trước, với nhiều thăng trầm và thay đổi lớn trong âm nhạc của ông.

    The Freewheelin’ Bob Dylan (1963), không cần bàn cãi, chính là cột mốc lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Bob. Khi đó, hình ảnh một anh thanh niên tóc xoăn lù xù, người gầy nhẵn, trên tay cầm độc nhất một cây đàn và harmonia luôn kề gần môi là hình ảnh nhiều người sẽ nghĩ đến khi nhắc tới Bob Dylan. Album đó là một sự hòa hợp giữa những bài hát về chính trị, chiến tranh, phong trào của quyền công dân, và tình yêu tuổi trẻ đẹp đẽ, nhưng thường cay đắng. Chất giọng lè nhè, bất cần đời, và có phần hơi mỉa mai đặc trưng của Bob Dylan lại tô điểm thêm cho âm nhạc Folk của ông lúc bấy giờ. Từ đó mà ông cũng đã “được” trao cho danh hiệu “Người phát ngôn của một thế hệ” mà chính ông cũng chẳng ưa mấy.

    Bob Dylan của khoảng thập niên 60-70

    Nếu The Freewheelin Bob Dylan là album ghi dấu Bob Dylan là một tượng đài nhạc folk với công chúng lúc bấy giờ, thì Bringing It All Back Home, Highway 61 RevisitedBlonde On Blonde là cách nhanh nhất để thay đổi điều đó. Sau một cuộc gặp gỡ với The Beatles năm 1964, ấn tượng của Dylan với âm nhạc của “tứ quái” lớn đến nổi, ông sẵn sàng thay đổi luôn chất liệu âm nhạc của mình vào những năm tiếp theo, mặc cho việc biết trước sẽ bị công chúng ít nhiều chỉ trích. Bộ ba album kể ở trên có thể được đánh dấu là một trong những bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Dylan khi ông dần thoát xa khỏi chất nhạc Folk đã tạo nên thương hiệu của mình và hòa thêm chất liệu psychedelic rock, blues vào để làm mới bản thân. Lời nhạc của Dylan cũng càng ngày càng khó hiểu hơn, chất đầy ẩn dụ, thơ ca và những ý niệm sâu xa về con người, quyền tự do và chiến tranh hơn lúc trước. Sự thay đổi này gây shock đến mức, trong một lần diễn show, một fan cuồng của Bob đã hét to: “Judas!” khi ông bước lên sân khấu với cây guitar điện để phản đối việc ông kết hợp folk với blues và rock lại. Tuy nhiên, bộ ba album trên đến bây giờ vẫn thuộc hàng album kinh điển của thế giới và là tượng đài khó đạp đổ của Folk Rock. Đồng thời chứng minh được khả năng viết lời có một không hai của Bob Dylan.

    Bộ ba album “Bringing It All Back Home”, “Highway 61 Revisited” và “Blonde On Blonde”

    Sự mỉa mai và thích chơi khăm của Dylan đạt đến đỉnh điểm vào năm 1967, khi ông cho ra mắt John Wesley Harding. Một lần nữa, Bob lại phá vỡ tất cả kỳ vọng của cộng đồng âm nhạc khi trở về gốc gác nhạc folk của mình. Không những thế, với lần trở lại này, lời nhạc của Bob lại càng trở nên khó đoán hơn nữa, với những ẩn dụ về kinh thánh, chiến tranh và nhân văn, pha lẫn với tiếng harmonica chói tai và vòng lặp hợp âm của cây guitar thùng, bắt trọng được thứ âm nhạc psychedelic rock của những năm 60. Bên cạnh đó, All Along The Watchtower cũng đã đánh dấu một trong những giây phút đỉnh cao trong sự nghiệp viết nhạc của Bob Dylan với cách ông lồng ghép từng lớp ý nghĩa với nhau trên một câu chuyện không có hồi kết.

    Nhưng cũng thú thật rằng, chẳng biết ông Dylan học đâu ra cái tính không bao giờ chịu giải thích lời nhạc của mình mà cứ để fan đoán già đoán non mãi nữa. Để thực sự mà nói thì, nếu muốn viết hết tất tần tật về âm nhạc của Bob Dylan thì có lẽ sẽ phải nhét hét vào một cái thư viện nhỏ mất.

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây