Cuối năm 2021, nhạc Rap đang là trào lưu giải trí hàng đầu của giới trẻ sau khi loạt chương trình tìm kiếm tài năng mang tên Rap Việt bùng nổ trên khắp các nền tảng xã hội, truyền thông. Thì có vẻ như đây cũng là khi nhạc Rap tại Việt Nam đang dần bị bão hoà, người người chơi rap – nhà nhà chơi rap
Nhưng vấn đề ở đây, thứ tôi muốn ám chỉ đến không phải là nhạc rap hiện nay kém chất lượng, về mặt đầu tư âm thanh, hay hình ảnh chắc chắn là rất tuyệt vời, một điều không thể bàn cãi. Nhưng xét về nội dung, style (nét riêng biệt) của mỗi cá nhân của mỗi nghệ sĩ thì tôi cảm thấy rất ít, hay thậm chí hầu như là không có. Vâng! Với cái thời đại mà bạn có thể nghe nhan nhản những bài rap lọt top trending ở bất kỳ nơi nào, ở bất cứ đâu – thì thứ mà tôi nhận được lại là một cảm giác gì đó vô cùng ngột ngạt. Và có lẽ cũng chính vì điều này, ngày càng tôi lại càng thấy được giá trị của những bài nhạc cũ, những bài không hề on top, hay được nhắc đến nhiều trên truyền thông đại chúng.
Những sản phẩm mà tôi sẽ gọi là “Old but Gold”
Và ca khúc mà tôi muốn mang vào mổ xẻ trong bài viết này đó là “Spider Man” của B-Wine, một trong những số ít những bài rap storytelling đỉnh cao của rap Việt, với phong cách rất ư là riêng biệt, từ flow style cho đến nội dung mang tính xã hội vô cùng sâu sắc mà nam emcee này gửi gắm trong lời nhạc
Ở ca khúc này, theo góc nhìn của tôi thì nhân vật Spiderman (Người Nhện) được khắc hoạ bởi B-Wine là một người Nhện ở một vũ trụ nào đó rất xa lạ, chứ không phải là cậu thanh niên Peter Parker trong vũ trụ điện ảnh Marvel mà chúng ta vẫn thường được xem trên màn ảnh rộng. Một vũ trụ mà theo kịch bản thì sau khi bị nhện cắn, anh cũng có được thứ sức mạnh đột biến nhưng hình dạng cũng bị thay đổi trở nên dị hợm (người ngợm lông lá quái thai như nhện chẳng hạn). Và ở vũ trụ này cũng chẳng có Villian nào cả, không có Green Gob, không có Tiến Sĩ bạch Tuộc nào cả nên người dân chả cần đến Spiderman giúp đỡ. Cũng như một trong những câu quotes kinh điển của nhân vật Joker: “Khi không còn những thằng như tao! Ai sẽ cần đến mày chứ người hùng?”.
Không chỉ vậy, họ thậm chí họ còn ghê tởm anh vì vẻ ngoài dị hợm và coi anh như là mối nguy – cũng như nhân vật Edward trong bộ phim nổi tiếng ra mắt năm 1990 của Mỹ “Edward Scissorhands” (Người kéo học yêu).
- Nói về cốt truyện: Phim xoay quanh một người máy chưa hoàn thiện tên Edward, với bàn tay là những chiếc kéo. Anh đã được đưa tới sống ở vùng ngoại ô cùng gia đình nhà Boggs và đem lòng yêu con gái họ là Kim. Nhưng Kim đã có người yêu là Jim. Jim lợi dụng Edward, khiến Edward bị nghi ngờ là kẻ ăn trộm. Kim cảm thấy có lỗi với Edward và cô cũng không đồng tình với thái độ của Jim. Rồi đến một ngày kia, khi bàn tay kéo của Edward vô tình làm tổn thương mọi người, anh bị mọi người sợ hãi và truy bắt. Edward trở lại tòa lâu đài xưa nhưng Jim không để yên cho anh. Jim đánh Kim và định bắn Edward. Edward đã dùng bàn tay kéo đâm chết Jim. Kim nói dối mọi người là Edward đã chết để bảo vệ anh. Edward tiếp tục cuộc đời cô độc trong tòa lâu đài…
“Và lời khuyên chính theo tôi là người bạn yêu chưa chắc đủ tình yêu, đủ dũng khí để bước đi cùng với bạn, một tên dị hợm. Họ có thể sẽ bảo vệ bạn nhưng chưa chắc họ sẽ bước cùng bạn đến suốt cuộc đời, vì đó là bản năng con người. Ngoài tiền bạc ra, bề ngoài đôi khi còn là thứ quyết định tất cả”
“Nếu như không có Green Goblin hay Dr.Ock thì Spiderman
Anh cũng sẽ dị hợm như Edward trong Edward Scissorhands”
Và ở đây có hai phương án, một là buông xui mặc cho số phận, hai là đấu tranh cho bản thân của mình. Thì ở đây trong line tiếp theo có lẽ Người Nhện của chúng ta đã lựa chọn phương án thứ hai khi cố gắng giành lại những thứ mà mình đáng phải có, khi nhắc đến nhân vật Randle trong bộ phim kinh điển ra mắt năm 1975 của đạo diễn Miloš Forman, bộ phim đã ẳm trọn năm giải Oscar danh giá, “One flew over the cukoo’s nest” (Bay trên tổ chim cúc cu)
- Nói về cốt truyện: Randall là một cựu binh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, sau khi chiến tranh kết thúc, anh bị kết tội dùng thuốc và đánh bạc. Anh ta bị kết án tù khá ngắn, nhưng do yêu thích sự thoải mái, Mac quyết định giả điên chỉ để được chuyển đến một viện tâm thần, nơi anh ta hy vọng sẽ thoải mái hơn là nhà tù. Và mọi thứ bắt đầu xảy ra tại bệnh viện tâm thần ở bang Oregon nước Mỹ, sự êm ả đến buồn tẻ bấy lâu nay của viện tâm thần bỗng bị xới tung bởi sự có mặt của Randall McMurphy (hay còn gọi là MAC) – một tội phạm bị tình nghi có dấu hiệu tâm thần và được đưa vào bệnh viện để kiểm tra, giám định. Từ những kẻ thụ động, răm rắp làm theo lệnh của các nhân viên bệnh viện chẳng khác gì tù nhân, các bệnh nhân đã được MAC “khơi dậy lòng tự trọng, sự nhận thức về giá trị của một con người, họ đã biết cho nhau, hy sinh vì nhau và họ đã dám phản kháng”. Tuy nhiên cũng vì điều này, McMurphy vô tình đã trở thành cái gai trong mắt y tá Ratched, mụ ta sớm thấy sự nổi loạn, và đó sẽ là mối đe dọa đối với quyền hành của cô, cô tịch thu đồ chơi của bệnh nhân và cắt giảm khẩu phần cho họ, đình chỉ các đặc quyền được giải trí của họ. Trong thời gian ở phòng bệnh, McMurphy tham gia vào trận chiến ‘ý chí’ với Ratched. Anh đã đánh cắp một chiếc xe buýt của bệnh viện, trốn thoát cùng một vài bệnh nhân để đi câu cá, khuyến khích mọi người khám phá khả năng của chính họ và tìm lại sự tự tin. Từ đó, họ bắt đầu nhận ra rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, xứng đáng có cuộc sống bình thường. Và họ bắt đầu phản kháng để tự giải phóng chính mình..
Vì vậy ở line tiếp theo, B đã rap: “Nên hãy chết trên bầu trời chứ đừng bước xuống phố để làm họ ghét” – Vâng, nếu bạn an phận sống lủi thủi một mình ở trên nóc của những toà nhà chọc trời (nơi Người Nhện vẫn thường đứng để ngắm nhìn thành phố) thì sẽ chẳng có gì xảy đến với bạn. Nhưng nếu bạn quyết định xuống phố (xã hội), dù trái tim bạn tốt đẹp như thế nào? Nhưng vì sự khác biệt, có thể là bề ngoài, hoặc có thể là ở tư tưởng thì có thể họ cũng sẽ nhốt bạn như nhân vật Randle
“Nên hãy chết trên bầu trời chứ đừng bước xuống phố để làm họ ghét
Vì họ sẽ bắt anh như bắt Randle trong ‘One flew over the cukoo’s nest'”
Và để tiếp nối cho câu chuyện của mình rằng khi bị bắt giữ để rồi phản kháng như Randle của “One flew over the cukoo’s nest”, B-Wine lại một lần nữa dùng hình ảnh của những bộ phim kinh điển thế giới như để thay lời, để nhấn mạnh quả boom, sự bùng nổ trong tâm trí anh, rằng bằng bất cứ giá nào – anh muốn thoát li, muốn giải phóng bản thân ra khỏi gông cùm của xã hội này.
Với bộ phim chính kịch ra mắt năm 1998, “The Truman Show” (Buổi diễn của Truman), và “Fight Club” (Sàn đấu sinh tử) năm 1999
- Cốt truyện “The Truman Show”: Truman Burbank là một nhân vật đặc biệt, anh chính là ngôi sao chính trong show truyền hình thực tế do một kênh truyền hình thực hiện nhưng Truman hoàn toàn lại không biết điều đó. Tất cả những hành động nhỏ nhặt nhất của anh trong cuộc sống hàng ngày đều được một đạo diễn kiêm nhà sản xuất ghi lại. Thành phố nơi anh sống chính là một studio lớn, những người hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè và cả vợ anh đều là những diễn viên chuyên nghiệp của Hollywood. Rồi một ngày, Truman tỏ ra nghi ngờ một điều gì đó … đến 1 ngày nọ anh ta nghi ngờ và nhận ra cả cuộc đời của anh là một sự lừa dối, và cố gắng thoát ra khỏi thế giới này bằng cách chạy về phía chân trời để đến được bức tường khổng lồ bao bọc hòn đảo nơi anh sống
- Cốt truyện “Fight Club”: Nhân vật chính trong phim này là Narrator (Người kể chuyện), một tay bán bảo hiểm ôtô thành đạt sống giữa cuộc sống xa hoa nơi thành thị, tuy nhiên gã lại là một người mắc chứng mất ngủ triền miên. Chính vì thế anh chàng này phải tìm cách ‘giải thoát’ cho tâm trí của mình, và đó cũng là khi anh gặp được Tyler Durden. Cả hai đã cùng nhau bắt tay thành lập nên Fight Club, nơi những gã đàn ông có thể thỏa chí đánh nhau, dùng bạo lực để tìm kiếm giải đáp mọi vấn đề, họ đánh nhau một cách tự nguyện, họ đánh nhau để đánh thức con người thật trong bản ngã. Và rồi đến gần cuối phim, thì mọi chuyện mới vỡ oà ra khi biết được cả Narrator là một kẻ bị mắc chứng “rối loạn phân ly” (đa nhân cách), và Tyler cũng chính là nhân cách thứ hai của gã. Tất cả mọi vấn đề, tất cả mọi chuyện đều là do chính bản thân nhân vật đặt câu hỏi rồi tự trả lời
Về phần nội dung mà hai bộ phim này muốn gửi gắm cho chúng ta cũng dễ hiểu nhỉ? Hãy thoát ra ngoài, tận hưởng thực tế, cuộc sống trong một show truyền hình có thể đẹp, nhưng tất cả là giả tạo. Quẩy hết mức, xõa hết ga, quên đi tất cả để trở thành chính mình – và cũng có thể Tyler Durden mới chính là bản ngã thật sự của bản thân bạn: “Tự hoàn thiện bản thân là một hình thức thủ dâm. Giờ phải là tự hoại cả bản thân…”
“Hãy thoát ra như Truman Burbank bằng bất cứ giá nào
Kể cả phải biến thành Tyler Durden thì cũng chả sao”
Đến câu tiếp theo. Như đã nói ở trên, do chẳng có Villian nào cả nên Spiderman chỉ ngồi chơi xơi nước, một cuộc sống tẻ nhạt. Và cái câu “No Great War. No Great Depression” mà Tyler Durden nói là để than vãn rằng thế hệ hiện tại của chúng ta là một thế hệ nhàm chán, sống lờ đờ vật vờ không hề có mục đích. Cuộc chiến vĩ đại nhất của chúng ta chính là cuộc chiến lý trí, và cuộc đại khủng hoảng của ta chính là cuộc sống này. Tất cả chúng ta đều được tuyên truyền, được định hướng bởi những thứ được phát mỗi ngày trên truyền hình, để rồi ai cũng ảo tưởng rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ trở thành triệu phú, hay một diễn viên điện ảnh. Nhưng không, cái chúng ta cần học dần chính là ‘sự thực tế’, thà sinh ra trong những sự kiện lớn như kiểu Great War hay Great Depression thì còn có ý nghĩa hơn. Và nó đúng với cuộc sống hiện tại của Spiderman trong vũ trụ này
Tóm lại B-Wine muốn Spider hãy sống, hãy giải quyết những vấn đề của bản thân như Tyler, chứ đừng cố gắng vì một ai mà phải ép bản thân vào một khuôn khổ như nhân vật Edward của “Edward Scissorhands”
“Chả có công lý nào còn sót lại để anh thực thi, đừng ép mình
‘No great wars, no great depression’ “
Tiếp đến tôi lại thấy có sự liên kết cực kỳ thú vị ở đây, với: “Thức dậy và lẻ loi anh như mặt trăng lúc 5 giờ chiều / Cố trở nên hoàn hảo, Người ơi hẵn là anh đã yêu”. Ở những câu này tôi không chắc là B-Wine vô tình hay đây là một sự sắp xếp có chủ đích, một câu hoàn hảo khi khi tôi nghĩ đến line đầu tiên của bài nhạc: “Anh cũng sẽ dị hợm như Edward trong Edward Scissorhands”.
(Bạn có thể kéo lên trên để xem lại đoạn tôi trích dẫn nhé)
Vâng, người Nhện của chúng ta đã biết yêu rồi đấy. Nhưng tiếc rằng tình yêu của anh không hề được đáp lại như chàng trai Peter Parker của vũ trụ anh hùng Marvel, anh đã rất cố gắng để trở nên hoàn hảo trong mắt mọi người, nhưng ngược lại trong mắt mọi người anh chỉ là một con quái vật xấu xí. Cũng như nhân vật Edward của “Edward Scissorhands” vậy, không thể lẫn vào đâu được
“Thức dậy và lẻ loi anh như mặt trăng lúc 5 giờ chiều
Cố trở nên hoàn hảo, Người ơi hẵn là anh đã yêu
Nhưng rằng: dù có cố nhiều, càng cố anh lại càng lạc lối
Như anh không thuộc về nơi đây mà là bóng tối và điều cay đắng mà anh cũng hiểu
Trong mắt con người, con người không phải là con người
Trong mắt họ, anh là quái thai, anh là mối đe dọa”
Sau khi tình yêu của mình không được đáp lại, ở câu tiếp theo Wine đã nhắc đến “Forest Gump”, bộ phim chính kịch ra mắt năm 1994. Sau khi bị cô gái mà anh ấy đem lòng yêu bỏ đi không một lời từ biệt, Forrest cảm thấy mình vô cùng cô đơn. Anh chỉ muốn chạy, lúc đầu trong thị trấn, sau đó xa hơn nữa và ngày càng xa. Forrest cứ chạy mãi, trở thành một hiện tượng, thậm chí thần tượng và nguồn cảm hứng cho nhiều người. Cho đến khi anh nhận ra mình đã chạy hơn 3 năm, vòng quanh nước Mỹ. (Theo Genius.com)
“Anh chỉ biết chạy như là Forrest Gump qua những tòa nhà cao
khi mà lẻ ra anh không đáng bị đối xử như một kẻ lạ”
Sau những cố gắng quên đi mặc cảm bản thân. Nhưng với vẻ ngoài xấu xí, khác biệt – thứ cuối cùng Spiderman nhận lại chính là ánh mắt kỳ thị, xa lánh của mọi người. Anh ước mong mình được trở thành một con người thực sự, như khi Cô Tiên Xanh thực hiện điều ước của cậu bé người gỗ Pinocchio trong truyện cổ tích. Nhưng trong cuộc sống này thì đó chỉ là những chuyện viễn vông, phi thực tế … vì vậy để có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình, hoà nhập với xã hội hơn thì Spiderman đã chọn phương pháp vô cùng đau đớn đó là phẩu thuật thẩm mỹ, quyết tâm trút bỏ cái lốt quái vật để trở thành một người bình thường. (con quái vật ấy đã chết rồi)
“Bên dưới làn da này vẫn là một đứa trẻ và luôn mong một ngày cô tiên xanh ghé qua
Để biến anh thành một con người như đã làm với Pinocchio
Đi đến quyết định phẩu thuật thẩm mĩ vì anh nghĩ đó là cô tiên xanh khi cô
Đặt một nụ cười lên khuôn mặt này, căng một miếng da cho đôi mắt ấy
Ngoài nỗi đau ra đó là tất cả những gì trong giấc mơ mà anh hằng thấy, gần như hằng ngày
Đưa một cái gối để anh cắn lấy
Những gì anh trải qua để có được những thứ này chắc họ chẳng thấy
Cô đơn và nỗi sợ lên ngôi
Nếu như quá khứ có gọi điện hỏi thăm anh cũng mặc thây, không thèm bắt máy
Nói với nó anh đã chết rồi”
Tuy nhiên, kể cả có trở thành một người bình thường, sống một cuộc sống bình thường thì Spiderman cũng không hề cảm thấy hạnh phúc. Anh dần nhìn ra những mặt tối, những điều tiêu cực của con người. Anh dần rơi vào tuyệt vọng…
“Ở lại làm người chỉ có khổ đau, ai cũng lừa dối thì ai tố cáo”
Spiderman nhận ra rằng, kể cả không có những Villian kia thì anh vẫn phải chiến đấu với chính xã hội này, chiến đấu với cuộc sống hàng ngày
“Anh tự hỏi sẽ ra sao nếu như nguồn nước bị đầu độc, hay cả trường học, hay cả hệ thống, thậm chí sự sống, giật mình
Ôi những kẻ cuồng tín, ôi những kẻ vô đạo
Sự thật là sự thật không như những gì mà con người hô hào
Sự thật là tri thức tồn tại tách biệt với con người
Sự thật là sự thật quá tinh khiết cho đến khi nó rơi vào miệng của con người”
Xuyên suốt tất cả, ‘Boommmm’, kết thúc bài nhạc Spiderman chợt giật mình tỉnh dậy và phát hiện mình chỉ vừa chợp mắt trong phòng phẫu thuật, và hóa ra tất cả những gì đã diễn ra vừa rồi chỉ là một cơn ác mộng như báo trước những gì mà anh sẽ phải đối mặt. Anh chưa hề phẫu thuật để trút bỏ cái lốt quái vật vốn có của mình – vã dĩ nhiên đây cũng là một cơ hội để anh có thể lựa chọn cho cuộc sống của mình. Một cái kết khá là hay.
Déjà vu là hiện tượng cảm thấy quen thuộc (như đã từng thấy, từng trải qua trong trí nhớ) trong một môi trường, khung cảnh mới, chưa từng biết trước đó hoặc không nhớ rõ lúc nào. (Theo Genius.com)
“Thức dậy lẻ loi anh thấy mình trên bàn mỗ, lỗi hệ thống, mới ngỡ ra Déjàvu”
Phía trên chưa phải là tất cả của một bài nhạc dài gần 4 phút không hề phí giây nào cho phần hook. Bài viết có thể không đấy đủ, và nội dung có phần chủ quan của tác giả. Tôi rất mong những phản hồi từ phía đọc giả sẽ chia sẻ thêm nhiều góc nhìn về ca khúc tuyệt vời này.
Lắng nghe toàn bộ ca khúc tại đây: