Trang chủ Deep Cut Chuyện gì đã xảy ra trong “Tin Hot Nhất” – B-Wine ?

Chuyện gì đã xảy ra trong “Tin Hot Nhất” – B-Wine ?

0
1814

Tấm vé đầu tiên bước vào Chung Kết Rap Việt mùa 2 chính thức mang tên B-Wine. Đứng chung hàng ngũ với những cái tên sừng sỏ của bảng tử thần, kẻ phản anh hùng của Rap Việt vẫn hiên ngang từng bước chinh phục những đỉnh cao bằng ngòi bút sắc bén của mình. Vậy “Tin Hot Nhất” ẩn chứa điều gì mà lại được đánh giá cao đến thế ? 

Lyrics và chất nhạc của B-Wine là một thứ nghệ thuật độc đáo, có thể nói là đi trước Rap Việt một khoảng dài, và mang tính hàn lâm nên sẽ thật khó hiểu nếu chúng ta mới chỉ nghe lần đầu tiên. Từ bộ ba track : “From The Ghetto”, “Can’t Stop Me”, “Spider Man” cho đến “Top Dawg” và những bài dự thi Rap Việt gần đây, những màu sắc mà B-Wine mang đến cho rapfan luôn mới mẻ, đầy tính văn thơ, và chẳng có gì sai khi người ta gọi anh là ‘Con quỷ của GVR’. Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu câu chuyện B-Wine đang kể, đặc biệt là những khán giả lần đầu biết tới anh qua chương trình. Đối với tôi, “Tin Hot Nhất” là một bước chuyển mình của B-Wine bởi nó cho ta thấy khả năng thích nghi tuyệt vời của anh khi giảm bớt ‘độ khó’ của lyrics để phù hợp với đa phần khán giả đại chúng. 

“Alo em hả, lên bài chưa ?
Nhớ là phải giật tit sốc, đây sẽ là một tin nóng
Đăng lên ba trang chính để chiếm sóng
Hai trang còn lại thì phản đối
3 trang đó để tạo cuộc tranh luận chính thống
Nhân viên bình luận mỗi người ít nhất 9 dòng”

Cyberbully hay bắt nạt trên mạng, bạo lực mạng đang là vấn đề nhức nhối trong thời đại công nghệ này, bởi ảnh hưởng của nó lên tinh thần của nạn nhân là rất lớn, thậm chí còn kinh khủng hơn bạo lực thân thể. B-Wine thật biết cách chọn chủ đề đễ dẫn dắt người nghe vào câu truyện của mình một cách trơn tru nhất. Vốn là một biên kịch, những gì B-Wine vừa rap đã đủ để chiếu lên trong tiềm thức thính giả khung cảnh một người sếp đang chỉ đạo nhân viên công ty của mình vận hành một chiến dịch truyền thông. Cách thức hoạt động là “giật tit”, “đăng lên ba trang chính để chiếm sóng”, hai trang còn lại dùng để “phản đối”, một hình thức dắt mũi dư luận khá phổ biến của những thành phần được gọi là “truyền thông bẩn” hiện nay. Những kênh truyền thông bẩn đang cố tạo dựng một cuộc tranh luận sao cho thật nhất, chẳng quan tâm đến tính xác thực của tin tức đã đưa. 6 câu này mở đầu câu truyện, cũng là cách mà B-Wine chỉ trích những kẻ núp sau danh nghĩa “người đưa tin” để trục lợi cho cá nhân, tổ chức nào đó.

“Hmm, giờ này rồi mà sao có quá trời người inbox
Đó là lúc người bố để ý thấy một dòng trạng thái
Tiêu đề : ‘Thanh niên lộ clip cùng bạn gái, con gái của một đại gia’
Kèm một đoạn mã dài
Một tin nhắn hiện : ‘Sếp ơi ! Nếu thấy một đường link thì đừng click …’
Nhưng ông vẫn click, vì ông thích nơi có nhiều bàn cãi”

Ngoài giữ chức vụ trong công ty, tên sếp ấy còn là một người bố. Hôm đó, ông ta thấy một dòng trạng thái trên mạng xã hội kèm “một đoạn mã dài”, tuy nhận được tin nhắn cảnh báo đừng click nhưng vốn là một kẻ ham vui, một tay chuyên thổi phồng tin tức nên ông ta vẫn click vào “nơi có nhiều bàn cãi” đó. Sử dụng một đoạn clip 18+ không rõ nguồn gốc, tiếp đó gán bừa một cái danh xưng cho nhân vật trong clip và cuối cùng giật tit là một trong những cách để những kênh truyền thông bẩn dẫn dắt những người dùng khờ khạo hướng về phía mình, từ đó biến họ thành những con zombie chỉ biết gõ phím phun ra những lời cay nghiệt dù chưa hề rõ phải trái.

“Tóc dài ngang vai, góc máy sau lưng
Ngoài một cô gái thì không còn ai
Vài phút độ dài, và ông tua đến đoạn highlight
Ông tua và nhìn lại, tua và nhìn lại
Ước cặp mắt của mình sai
Đoạn clip ngắt kết nối vì quá tải
Và dòng trạng thái đã 10 nghìn like”

Hình ảnh hiện ra và ông bố đã nhận ra được điều gì đó, ông ta “tua và nhìn lại” rồi “ước cặp mắt của mình sai”, sau đó đoạn clip ngắt kết nối vì quá tải. Qủa thực đã có rất nhiều tên khờ bị những kẻ núp bóng truyền thông để vùi dập người khác lôi kéo, và nực cười hơn khi chính “người trong nghề” cũng bị cuốn theo vòng xoáy đó. 

“Vội vàng bấm số đứa con gái :
‘mày đang ở đâu con mất dạy ?
Tao cho mày tự do thoải mái
Và mày quên mất ba mày là ai’
Đầu dây bên kia trả lời :
‘Má ơi, con sắp được gặp má’
‘Mày nói gì vậy con gái ?’
Và không một lời đáp trả”

Có vẻ như người trong clip thực sự không phải con gái ông ta. Nhưng dư luận nào có nghe ? Họ đẩy cô gái vào đường cùng với những comment ác độc, cô thậm chí còn chẳng có lấy một sự cảm thông từ phía người thân. Để rồi phải tìm đến lối thoát cuối cùng đó là tự sát. 

Kết thúc phần đầu của câu truyện, B-Wine chuyển flow, với tiếng melody từ cây đàn Piano làm chủ đạo phần nào cũng đẩy sự việc lên cao trào hơn. Có lẽ qua điều này, B-Wine muốn người nghe hiểu rõ hơn về những hậu quả mà nạn nhân phải gánh chịu bởi vấn nạn Cyberbully. Cô gái ấy tự sát bất thành, nhưng những chấn thương tâm lý trong cô sẽ còn đeo bám dai dẳng rất lâu về sau nữa. 

“Những lời bình luận của họ thật độc đoán
Và thậm chí người thân em cũng không khác
Tất cả lời buộc tội đều là bộc phát
Là đồn đoán, là hỗn tạp
Nhưng mỗi lời là một nhát
Mỗi lời là một nhát”


“Và nếu có người mua thì sẽ có người bán
Dòng trạng thái 10 ngàn like
Mặc em chưa sẵn sàng cho buổi sáng
Đêm không thể cứ dài
Thức dậy và lẻ loi trong phòng hồi sức
Cùng những giỏ hoa và những lời chúc
Cầm điện thoại, mở cửa sổ, rồi vứt
Sợ đám đông, sợ cô đơn cùng một lúc, mọi lúc
Khóc như ra đời lần thứ hai

Đối diện với cửa tử rồi lại được cứu sống, cô gái tỉnh dậy ở bệnh viện. Khung cảnh căn phòng hồi sức, những giỏ hoa và lời chúc hiện ra rất sinh động qua từng cặp vần của B-Wine. Không gian u tối kèm nỗi cô đơn bao trùm khắp căn phòng, và hơn cả là nỗi sợ đám đông được hình thành từ những cái gọi là “tin hot” đó. Cô vẫn chưa sẵn sàng để đón ngày mới, khi mà chấn thương tâm lý vẫn còn đó, nhưng chẳng ai bên cô lúc này. Đây là cách B-Wine lên án gay gắt những “lời buộc tội bộc phát”, những kênh truyền thông bẩn tiếp tay hủy hoại một con người chỉ vì tiền và lượt like, share. “Mỗi lời là một nhát”, và cả chục ngàn lời là chục ngàn nhát dao, ta có thể tưởng tượng được sự khủng khiếp ẩn chứa bên trong những dòng chữ tưởng chừng vô hại trong phần bình luận của mỗi bài viết. 

“Khóc như ra đời lần thứ hai” có lẽ là câu rap đắt giá nhất trong bài. Bởi người ta chỉ nói “ra đời lần thứ hai” khi cảm tạ vì được cứu sống, nhưng ở đây thì khác. Cô gái không khóc tiếng khóc của một đứa trẻ mới chào đời, mà cô khóc vì phải đối diện với thực tại phũ phàng, nơi mà cô phải nhận những lời chửi bới, chỉ trích về một việc cô thậm chí chẳng làm. Dư luận thì chẳng quan tâm cô ra sao, bởi họ chỉ muốn thỏa mãn cái thú vui độc hại của mình.

“Cắm đầu xuống
Bấm rồi vuốt
Tin nóng hổi
Chấm rồi mút”


“Cắm đầu xuống, tạo ảnh đại diện và nhân vật
Nếu có thể thêu dệt thì tại sao phải chân thật
Nếu có thể trút hết mọi cơn giận lên người lạ
Thì tại sao phải thân mật”

Những hành động “cắm đầu xuống”, “chấm rồi mút” được miêu tả qua ngòi bút của B-Wine thật vô hồn và thiếu sức sống, như thể những con người ngồi sau màn hình điện thoại để công kích người khác đó đều được lập trình sẵn, chỉ biết làm trong vô thức. Họ “thêu dệt” nên những tài khoản ảo để thỏa mãn thú vui trút giận lên người lạ, cũng là cách họ trốn tránh hiện thực và che đi không muốn ai biết bộ mặt thật xấu xa của mình.

“Đúng sai không cần biết
Nhưng ai cũng rất thích
AI CŨNG RẤT THÍCH !”

Câu truyện khép lại, chẳng ai biết nạn nhân sau đó rồi sẽ ra sao, rồi sự việc được giải quyết thế nào. B-Wine tỏ rõ quan điểm của mình rằng cyberbully là một vấn đề nhức nhối trong thời đại này, và không đơn giản để giải quyết chỉ trong ngày một, ngày hai. Bằng tiếng nói cất lên từ đường phố, rapper tài năng đã khiến hàng nghìn khán giả có được sự đồng cảm cùng anh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về cyberbully.


Theo dõi màn trình diễn “Tin Hot Nhất” của B-Wine tại đây:

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây