Khi Tuy Sobil bị Mỹ trục xuất về quê hương của mình là Campuchia, thì đó cũng là lần đầu tiên anh ta đặt chân đến đất nước Đông Nam Á này
Sinh ra trong một trại tị nạn ở Thái Lan khi cha mẹ anh là những người đang cố trốn khỏi chế độ cộng sản Khmer Đỏ; lớn lên tại Long Beach, California – nơi có cộng đồng người Campuchia lớn nhất ở Mỹ. Tại đây, sống trong một khu vực đầy tệ nạn, khi mới 13 tuổi anh đã bắt đầu sử dụng cocaine, 18 tuổi Sobil đã mang trong mình nhiều tiền án trộm cắp và kết quả anh phải ngồi tù vì những tội lỗi mà mình gây ra
Từ đó, cả thế giới bắt đầu quay lưng lại với anh
Tay giang hồ gốc Cam này là Tuy Sobil, hay còn được biết với cái tên K.K là viết tắt của “Krazy Kat” với ý nghĩa là “mèo điên”
Thời Tuy còn bé tại Long Beach, cũng như bao người dân tị nạn khác – gia đình của anh luôn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, vì vậy Tuy Sobil đã không được đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác.
Anh nhớ lại khi chứng kiến cha mẹ mình và những người Campuchia tị nạn khác phải vật lộn để tồn tại và thích nghi với ngôi nhà mới của họ ở Mỹ. Họ phải kiếm sống bằng mọi cách có thể, cho dù bằng những công việc lặt vặt hay nhặt những chiếc lon, ve chai tái chế để lấy tiền lẻ: “Họ không có thời gian để học tiếng Anh. Họ phải tìm cách kiếm tiền để nuôi con. Đó là bất cứ điều gì họ có thể làm”, anh nói.
Năm lên 8, chán chường trước cuộc sống như thế này, anh đã thường xuyên ‘đi bụi’, rồi tụm năm tụm ba kết giao với những đứa trẻ BBoy trên phố – đó cũng là lúc Sobil bắt đầu học breakdance, rồi tham gia vào những băng đảng như một cách để bảo vệ bản thân và gia đình của mình.
Đến năm 13, anh thường xuyên sử dụng cocaine còn người thì chi chít đầy những hình xăm. Khi đã trở thành một kẻ ra dáng giang hồ, chàng thanh niên gốc Cam này bắt đầu tìm niềm vui cho mình bằng cách chỉa súng vào bất cứ kẻ nào dám xem thường anh; Tuy mĩm cười một cách cay độc trước những nạn nhân run cầm cập trước họng súng của mình. Từ đó anh đã ra vào nhà tù như cơm bữa, nhưng có một sự thật là Tuy chưa bao giờ giết bất kỳ ai – mặc dù trong vụ cướp cuối cùng của mình, tưởng chừng như anh đã suýt giết người; với vụ án trên, anh bị kết án 3 năm tù, ngoài ra thẩm phán còn tuyên án trục xuất Tuy Sobil ra khỏi Hoa Kỳ
Tuy lúc đó đã kết hôn và có cho mình một đứa con, anh đã cố gắng cầu xin thẩm phán có thể cho mình ở lại đây vì đứa con nhỏ đang rất cần sự chăm sóc từ một người cha. Tuy nhiên, toà ản vẫn giữ nguyên phán quyết ban đầu của mình
Trở về quê hương trong sự tủi hổ ê chề, Tuy Sobil đã nghĩ như đời mình chẳng còn gì nữa khi đặt chân đến một trong những khu ổ chuột mang nhiều tệ nạn nhất Phnom Penh, Campuchia. Tại đây, tay giang hồ gốc Cam đã chứng kiến những cảnh mà có lẽ trước đây anh chưa bao giờ được thấy. Tất cả mọi người, từ người lớn đến trẻ nhỏ – tất cả đều có tiếp xúc với ma tuý, họ ăn ngủ trên các con phố và chẳng có lấy một chốn dung thân. Hầu hết bọn họ đều bọn họ đều được chẩn đoán là mắc phải AIDS hoặc một số căn bệnh hiểm nghèo khác, Tuy ngước nhìn xung quanh và cảm thấy chẳng khác gì địa ngục đang hiện hữu trước mắt mình.
Là một người chào đời ở trại tị nạn Thái Lan rồi sau đó được đến Mỹ năm 4 tuổi, mặc dù anh mang trong mình dòng máu Campuchia nhưng đây cũng chỉ là cái tên lâu lâu anh nghe loáng thoáng từ cha mẹ, anh thậm chí không biết sử dụng ngôn ngữ và đau đầu hơn hết là Tuy chẳng quen biết ai tại đây cả.
Ở Hoa Kỳ, tại khu vực anh sống thì mọi người đều sợ anh; nhưng ở vùng đất xa lạ này, Tuy ngược lại lại cảm thấy rất sợ hãi. Tuy nhiên, đã có một nơi ủng hộ tay giang hồ sa cơ này, một tổ chức phi chính phủ gần nơi anh sống, họ đã cho anh nơi nương náu và còn dạy cả tiếng Cam cho anh
Đến một ngày nọ, có một cậu bé đến tìm Tuy: “Con muốn học nhảy, xin hãy dạy cho con. Con nghe bảo chú là một dancer khá nổi ở nước ngoài đúng không?”. Mỗi khi rảnh rỗi Tuy Sobil thường hay nhảy múa một mình để xua tan đi nỗi cô đơn và sợ hãi, và cậu bé này đã luôn lén quan sát anh từ xa
Từ đó, có rất nhiều trẻ em đến gặp Tuy để được xin học, dĩ nhiên lúc đó chẳng ai biết được đây chính là khởi đầu của “Tiny Toones”, một tổ chức phi lợi nhuận nhắm đến sự tiến bộ của Campuchia
Nhảy múa là một cách giáo dục tuyệt vời, và bọn trẻ rất thích điều này. Bằng những điệu nhảy, họ có thể tạo ra thứ năng lượng tích cực cho bản thân, họ mang kiến thức vào lời nhạc – từ đó ngày càng nhiều trẻ em tại khu vực này tránh xa ma tuý
“Vấn đề về ma tuý ở trẻ em thực sự là một điều cực kỳ nghiêm trọng, ma tuý như là cơn đại dịch – 1 người làm là kéo theo 20 người dính theo. Bởi vậy khi bạn muốn gia nhập Tiny Toones thì việc đầu tiên bạn cần là phải chứng minh mình không nghiện ma tuý”, Tuy nhấn mạnh. “Tổ chức này có những quy định cực kỳ nghiêm ngặt về ma tuý”
Trong 5 năm (từ ngày thành lập) tổ chức này đã có hơn 5000 học viên, với 6 chi nhánh được thành lập sau đó, và những nhân viên, người thầy người cô tại đây tất cả đều là cựu học viên của Tiny Toones. Cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ khắp nơi trên thế giới, Tiny không chỉ dạy nhảy mà còn có những lớp dạy DJ chuyên nghiệp, giáo dục chống ma tuý, tiếng anh, toán và cả tin học
Từ đó, Tuy Sobil đã trở thành người thầy, người cha đáng kính nhất trong cộng đồng Hip-Hop tại xứ Chùa Tháp
“Bạn có biết hối tiếc lớn nhất trong cuộc đời tôi là gì không? Đó là thời gian khi tôi tham gia vào các băng đảng đấy. Lúc đó kiểu, tôi cảm thấy nó rất tuyệt, nhưng thật sự lúc đó là lúc tôi đang lãng phí thời gian của mình”. Tuy Sobil chia sẻ: “Tôi thậm chí còn nó với học viên của mình, tôi từng là giang hồ, tôi từng chơi thuốc và cướp giật, nhưng mấy con nghĩ thầy như thế nào? Ngầu hơn nhiều lúc còn là giang hồ đúng không?”
Tuy nói thêm: “Tôi muốn bảo vệ những đứa trẻ đang phải vật lộn trong cái thế giới đầy khó khăn này, một khi bọn nhỏ vào Tiny Toones rồi thì tất cả sẽ là khởi đầu mới của chúng, chẳng có phân biệt gì ở đây cả”