Lực lượng Liên bang Thống nhất của Quân đội Giải phóng Symbionese, gọi ngắn là Giải phóng quân Symbionese (tên tiếng Anh: Symbionese Liberation Army, gọi tắt là SLA) là một tổ chức quân đội giải phóng tự xưng, thuộc phe cánh tả ở Mỹ hoạt động từ năm 1973-1975. Nhóm phiến quân này từng rất nổi tiếng vào giữa những năm 70 ở Mỹ vì đã thực hiện nhiều vụ cướp ngân hàng, giết người và hàng loạt tội danh khác.
Bạn có thể đọc phần 1 tại đây: “Symbionese Liberation Army, tổ chức cực tả với những lý tưởng từ Mao”
III. Vụ ám sát Marcus Foster:
Vào ngày 6 tháng 11 năm 1973, tại Oakland, California, hai thành viên của tổ chức SLA đã giết chết người giám thị trường học Marcus Foster và làm bị thương nặng đồng nghiệp của ông là Robert Blackburn, khi hai người này rời khỏi một cuộc họp của hội đồng trường Oakland. SLA đã không dùng đạn bình thường để giết Marcus mà là dùng đạn có ruột là chất hóa học siêu độc Xyanua.
Mặc dù Foster là vị giám thị trường học da đen đầu tiên trong lịch sử của Oakland, SLA đã lên án ông vì kế hoạch được cho là đưa ra ý tưởng sử dụng thứ bị gọi là “thẻ nhận dạng” (chỉ đơn giản là thẻ học sinh) vào các trường học ở Oakland, SLA đã gọi ông này là “thành phần phát xít”. Trên thực tế, Foster đã phản đối việc sử dụng thẻ học sinh ban đầu và chỉ đưa ra ý tưởng về thẻ học sinh dạng nhỏ gọn hơn.
Vào ngày 10 tháng 1 năm 1974, Joseph Remiro và Russell Little bị bắt và bị buộc tội giết Foster, và ban đầu cả hai người đều bị kết tội giết người. Cả hai tên đều nhận bản án tù chung thân. Bảy năm sau, vào ngày 5 tháng 6 năm 1981, lời kết tội của Little bị Tòa phúc thẩm California xem xét lại, và sau đó ông đã được tuyên trắng án trong một phiên tòa tái thẩm ở Monterey County. Còn Remiro vẫn bị giam trong nhà tù bang San Quentin với bản án chung thân.
Little đã tuyên bố: “Kẻ thực sự bóp cò giết Foster là Mizmoon (Soltysik)”. Còn Nancy Ling Perry là người được cho là đã bắn Blackburn, nhưng do cô này đã bắn hụt và DeFreeze cuối cùng mới là người đã bắn Blackburn bằng một khẩu shotgun.
IV. Vụ bắt cóc Patricia Hearst:
Để phản đối với việc bắt giữ Remiro và Little, SLA bắt đầu lên kế hoạch cho hành động tiếp theo của mình: bắt cóc một nhân vật quan trọng để thương lượng thả các thành viên đang bị ngồi tù. Các tài liệu do Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tìm thấy tại một ngôi nhà hoang tiết lộ rằng SLA đã lên kế hoạch hành động vào “rằm tháng Giêng”. Tuy nhiên, FBI đã nghi ngờ tính xác thực của những giấy tờ này, và chính SLA đã án binh bất động cho tới tận một tháng sau đó. Vào ngày 4 tháng 2 năm 1974, nữ thừa kế ngành xuất bản, Patricia Hearst, lúc đó đang sinh viên năm thứ hai tại Đại học California tại Berkeley, đã bị bắt cóc khỏi dinh thự Berkeley của mình trong Căn hộ số 4 ở địa chỉ số 2603 thuộc Đại lộ Benvenue. Vụ bắt cóc xảy ra chưa đầy ba tháng sau thông báo đính hôn của Hearst với người yêu Steven Weed nổi đầy các mặt báo ở California. Vì vậy, SLA đã chọn bắt cóc Hearst để làm cho những tin tức về cô này càng ngày càng trở nên dày đặc trên các mặt báo hơn.
SLA ra tối hậu thư cho gia đình Hearst, đó là họ sẽ thả Patty (nickname của cô) để đổi lấy sự tự do của Remiro và Little. Khi một thỏa thuận này không được đáp úng, SLA đổi ý và yêu cầu một khoản tiền chuộc, dưới hình thức phân phát thực phẩm cho người dân. Giá trị thực phẩm được phân phát đã biến động do yêu cầu không ngừng của SLA, từ 4-400 triệu USD. Mặc dù thực phẩm do nhà Hearst cung cấp đã được phân phát tới tay người dân, cuộc giao dịch bất hợp pháp này đã bị tạm dừng khi bạo lực nổ ra tại một trong bốn điểm phân phối. Do đám đông đến đông hơn nhiều so với dự kiến, và có những người bị thương khi các công nhân hoảng loạn ném các hộp thức ăn ra khỏi xe tải của mình khi đang di chuyển tới chỗ đám đông. Sau khi SLA yêu cầu cần có một liên minh cộng đồng để giúp đỡ trong việc phân phát này, gọi là Ủy ban Dự án Bổ sung khu vực bờ Tây phải chịu trách nhiệm cho việc phân phát thực phẩm, và sau đó 100,000 bao hàng tạp hóa đã được trao cho người dân tại 16 địa điểm trên bốn quận từ ngày 26 tháng 2 đến cuối tháng 3, năm 1974.
V. Điều kiện giam giữ ban đầu của Patricia Hearst:
FBI đã tiến hành một cuộc giải cứu nhưng bất thành, do SLA đã trú ẩn trong một số khu căn cứ quá kín kẽ. Hearst sau đó tuyên bố cô đã phải chịu một loạt thử thách khi bị giam cầm trong tay SLA mà sau này mẹ cô đã mô tả là cô đã bị “tẩy não”. Sự thay đổi trong tư tưởng của Hearst được cho là do hội chứng Stockholm, một phản ứng tâm lý trong đó con tin thể hiện lòng trung thành và cảm thông với chính kẻ bắt cóc mình. Hearst sau đó đã được kiểm tra bởi nhà tâm lý học chuyên khoa Margaret Singer, người cũng đưa ra kết luận tương tự. Terence Hallinan, luật sư đại diện đầu tiên của cô, thì biện hộ rằng cô đã phạm tội cấu kết với khủng bố trong tình trạng không tự chủ, điển hình là cô hay bị mắc phải chứng hay quên. Luật sư khác của Patty là F. Lee Bailey đã sử dụng kiến thức về hội chứng Stockholm như một phần của biện pháp bào chữa cho cô tại phiên tòa. Trong phiên tòa sau đó của Hearst, luật sư của Patty tuyên bố rằng cô đã bị giam trong một cái tủ chỉ đủ rộng để cô ấy nằm xuống, bị bịt mắt, không cho đi vệ sinh một mình và liên tục bị SLA đe dọa xử tử. Các luật sư của Hearst cho rằng cô đã bị DeFreeze và Wolfe cưỡng hiếp, nhưng cả hai kẻ này đều chết trước khi Hearst bị bắt và xét xử. SLA còn tuyên bố sẽ giữ Hearst theo các điều lệ của Công ước Geneva.
Quan điểm chính trị khác biệt:
SLA buộc Hearst phải truyền bá tư tưởng SLA. Trong các đoạn băng ghi âm của Hearst, cô được sử dụng để thông báo các yêu cầu và điều kiện của SLA, lần đầu tiên có thể nghe thấy Hearst thể hiện rộng rãi tư tưởng SLA vào ngày thứ 13 kể từ ngày cô bị bắt.
Với mỗi thông cáo được ghi âm, Hearst đều lên tiếng ủng hộ các mục tiêu của SLA và gọi mình là “một chiến sĩ của quân đội nhân dân”. Cuối cùng cô đã lên tiếng tố cáo cuộc sống cũ của mình, tố luôn cha mẹ, gọi họ là “lũ đầu heo” và từ hôn luôn hôn phu của mình. Sau đó, cô tuyên bố rằng vào thời điểm đó, khi SLA rõ ràng đã cho cô lựa chọn được thả hoặc gia nhập SLA, cô đã tin rằng mình sẽ bị giết nếu cô từ chối họ nên cô đã gia nhập SLA. Cô bắt đầu sử dụng bí danh “Tania”, lấy cảm hứng từ bí danh của cánh tay phải nhà hoạt động cách mạng Che Guevara là “Tania the Guerilla” (tên thật: Tamara Bunke).
VI. Các hoạt động của Hearst trong khi là thành viên của SLA:
- Vụ cướp ngân hàng Hibernia: Tội danh tiếp theo của SLA là vụ cướp chi nhánh Ngân hàng Hibernia tại 1450 Phố Noriega, San Francisco, trong đó hai dân thường đã bị bắn.
Vào lúc 10 giờ sáng ngày 15 tháng 4 năm 1974, các thành viên SLA xông vào ngân hàng, bao gồm cả Hearst đang cầm một khẩu súng trường, và camera an ninh đã chụp lại được hình ảnh Hearst cướp ngân hàng lúc này đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng. Cô đã phủ nhận việc tham gia vào vụ cướp trong cuốn sách Mọi Điều Bí Mật của mình. SLA đã cuỗm được hơn 10,000 USD lúc ấy. Hearst sau đó bị kết án 7 năm tù vì liên quan đến vụ cướp. Bản án của cô sau đó được cựu tổng thống Jimmy Carter giảm và tội danh của cô cuối cùng được cựu tổng thống Bill Clinton ân xá. Cụ thể sự việc được mô tả như sau: “10 giờ sáng ngày 15/4/1974, Ngân hàng Hibernia tại San Francisco làm việc như mọi ngày: “Bất ngờ, bốn phụ nữ da trắng và một đàn ông da màu xuất hiện và la to. ‘Tất cả nằm sấp! Úp mặt xuống!’. Trong 4 phút, bọn cướp lấy đi 10,000 USD và chuồn mất dạng trong chiếc xe chờ sẵn”
- Chuyển tới Los Angeles và cuộc xả súng với cảnh sát:
Một tháng sau vụ cướp ngân hàng, Patty cùng hai thành viên SLA cướp một tiệm tạp hóa ở Los Angeles (Patty ngồi chờ trong xe hơi bên ngoài). Khi đồng bọn bị bắt quả tang, Patty bắn loạt súng cảnh cáo giải cứu và gào thét những từ ngữ văng tục. Hôm sau, ngày 17/5/1974, SLA đọ súng với cảnh sát Los Angeles suốt hai tiếng tại đường East 54th. Ba thành viên SLA bị bắn trúng khi cố tẩu thoát khi bị cảnh sát bao vây bằng súng trường AR-15 và AR-180.
Kết quả là thủ lĩnh DeFreeze đã tự tử khi kề súng vào đầu và bóp cò. 19 khẩu súng của SLA, bao gồm súng trường, súng lục và súng ngắn, đã được cảnh sát thu giữ sau đó. Đây vẫn là một trong những vụ xả súng cảnh sát lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ với tổng số được báo cáo là hơn 9,000 viên đạn được bắn ra (4,000 bởi SLA và 5,000 bởi cảnh sát). Mỗi đợt bắn của các thành viên SLA vào cảnh sát đều không trúng ai và cũng không có thương vong trong lực lượng thực thi pháp luật, lính cứu hỏa và dân thường. Những kẻ thiệt mạng trong SLA là Nancy Ling Perry (“Fahizah”), Angela Atwood (“Tướng Gelina”), Camilla Hall (“Gabi”), Willie Wolfe (“Kahjoh”, kẻ bị truyền thông vào thời điểm đó viết sai chính tả thành “Cujo”), Donald DeFreeze (“Cinque”), và Patricia Soltysik (“Mizmoon”).
- Quay lại Bay Area:
Sau cuộc đụng độ với cảnh sát, các thành viên SLA còn lại đã trở Khu vực Vịnh San Francisco và nhân được sự bảo vệ của các gia đình có cùng cư tưởng cực đoạn trong khu vực lúc ấy. Vào thời điểm này, một số thành viên mới đã gia nhập SLA. Những thành viên tham gia tích cực SLA lúc này là: Bill và Emily Harris, Patty Hearst, Wendy Yoshimura, anh chị em Steve và Kathleen Soliah, James Kilgore (bạn trai của Kathleen Soliah) và Michael Bortin.
- Vụ cướp ngân hàng Crocker:
Vào ngày 21 tháng 4 năm 1975, các thành viên còn lại của SLA đã cướp ngân hàng Quốc gia Crocker ở Carmichael, California. Trong vụ cướp, một người khác đến giao dịch khi ấy là Myrna Lee Opsahl, một bà mẹ 42 tuổi của 4 đứa con, đã thiệt mạng khi Emily Harris vô tình cướp cò làm đạn lạc. Năm thành viên SLA cuối cùng phải chịu trách nhiệm về vụ giết người và cướp của này, nhưng phải đến gần 27 năm sau, vào đầu năm 2002 mới bị xét xử.
(Còn tiếp…)
Bạn có thể đọc phần 1 tại đây: “Symbionese Liberation Army, tổ chức cực tả với những lý tưởng từ Mao”