Trang chủ Deep Cut Suy nghĩ quan điểm của VietDragon về rap thị trường dưới quan...

Suy nghĩ quan điểm của VietDragon về rap thị trường dưới quan điểm Neo-Marxism

0

Khi rap feat với Vpop và bị một bộ phận cộng đồng rapper Underground gọi là dòng nhạc rap thị trường, chính việc này đã là một cuộc công kích lớn được khởi xướng bởi rapper VietDragon khi còn hoạt động. Khi VietDragon ra đi, công kích đối với dòng rap thị trường không ngừng và được tiếp nối bằng những rapper có mối quan hệ với VietDragon và GoDz, mà chủ yếu là từ phía miền Nam đến từ G-Family. Tiêu biểu nhất hiện nay có thể kể đến là rapper Acy.

Lúc còn hoạt động, VietDragon có những câu rap lên án về việc sử dụng nhạc rap như là thứ công cụ để kiếm tiền như là “Khoe số đĩa bán được làm con cặc gì vậy bạn hiền? Chỉ có chó ngu mới nói làm nhạc thật sự là vì tiền” (Predator), “Còn mấy thằng làm nhạc vì tiền hay để nổi/ Nói thẳng tao diss con đĩ mẹ mày, không hề có lỗi” (SSK), “Rap Viet lâu nay tưởng được Eo Cầy giúp đưa lên quỹ đạo/ Ai ngờ nó mút cặc vpop tự bán rẻ mình như là con đĩ dạo” (REP LK).

“Còn mấy thằng làm nhạc vì tiền hay để nổi/ Nói thẳng tao diss con đĩ mẹ mày, không hề có lỗi” – VietDragon

Luận điểm của tôi ở bài viết này về việc VietDragon khi công kích về rap thị trường không chỉ là đơn giản làm âm nhạc để kiếm tiền. Mà ở đây, tôi nghĩ rap trở thành một dòng nhạc phản ánh xã hội. Nỗi lo lắng của các rapper khi công kích âm nhạc thị trường là khi người sáng tác viết cho thị trường, thì phải kiểm duyệt ngôn từ của họ và viết chiều lòng fan. Không còn viết với một tâm thế của người làm nhạc để phản ánh tình trạng xã hội.

Bài viết như là tiểu luận ngắn, sử dụng quan điểm của trường phái Frankfurt để phân tích một cách sơ lược về việc nhạc rap khi thị trường hóa và tồn tại trong xã hội mang tính kiểm soát phải giải quyết như thế nào?

Trường phái Frankfurt là một nhóm triết gia tại Đức theo quan điểm chủ nghĩa Marx và kết hợp Phân tâm học. Đây là một trong những trường phái ảnh hưởng đến quan điểm về Xã hội học, Nhân loại học và Triết học của giữa và cuối thế kỷ 20. Những phê phán của các triết gia trong trường phái này chủ yếu hướng đến nền công nghiệp văn hóa trong xã hội tư bản đã làm quần chúng quên đi vấn đề đấu tranh giai cấp.

​Herbert Marcuse là một trong những thành viên của trường phái Frankfrut. Ông thấy rằng người dân ở xã hội phương Tây đang bị “ru ngủ” bởi các phương tiện truyền thông đại chúng. Quá trình phát triển của truyền thông đại chúng bùng nổ thông qua sự kết hợp việc gia tăng của chủ nghĩa tiêu thụ cùng với tăng cường quản trị hành chính. Khi mà truyền thông đại chúng phát triển, chính truyền thông đại chúng thông qua tivi, radio, máy tính internet xâm nhập vào những không gian riêng tư của gia đình. Quần chúng khi xem, có cảm giác như là họ đang đóng góp quan điểm và góp phần xây dựng vào hệ thống truyền thống đại chúng ấy. Nhưng những tin tức của truyền thông đại chúng mà họ xem thông qua phương tiện truyền thông đều đã có sự can thiệp của từ hệ thống nhà nước. Vì thế cái cảm giác mà quần chúng cảm tưởng như đang đóng góp để xây dựng lên hệ thống mang tính đại chúng ấy chỉ như là một “cái lồng” mang tính toàn trị, được sắp đặt, chọn lọc sẵn.

​Luận điểm của Herbert Marcuse được tiếp nối chính những thứ như là marketing, quảng cáo, game show như là cách thỏa mãn nhu cầu của các cá nhân, nhưng những nhu cầu đó do chính truyền thông đại chúng tạo ra, chứ không phải là những nhu cầu sâu thẳm từ bên trong cá nhân. Quần chúng tiêu tốn hết thời gian trong ngày để theo dõi các chương trình giải trí trên tivi, nhưng quên đi việc nhìn lại đời sống nội tâm của bản thân, theo đuổi sáng tạo, đa dạng hóa lối sống và giao tiếp ngoài xã hội. Và theo Marcuse điều đó tạo ra một thứ “ý thức hạnh phúc” nhưng chỉ là bề ngoài, nhưng trong sâu thẳm lo lắng, sợ hãi vẫn đang tồn tại trong chúng ta.

Triết gia Herbert Marcuse (1898-1979) thuộc trường phái Frankfrut. Ông là tác giả của “One-dimensional man” (Con người một chiều)

Đối với văn hóa, Marcuse thấy rằng những giá trị văn hóa ở tầng “cao” (hoạt động trong nhóm người nhất định) bị đẩy xuống ở tầng văn hóa “thấp” (phổ cập rộng đến nhiều người) thông qua hệ thống truyền thông đại chúng do chủ nghĩa tư bản kiểm soát. Những thứ sản phẩm từ văn hóa “cao” xuống văn hóa “thấp” được bán đầy trong các ngóc ngách cửa hàng, siêu thị. Từ đó, sản phẩm văn hóa “cao” khi xuống thành “thấp” trở thành một phần của chủ nghĩa tiêu thụ thông qua các quảng cáo luôn được chạy trên truyền thông.

Phản chiếu tư tưởng của Marcuse vào dòng nhạc rap. Nhạc rap sinh ra đã gắn liền lịch sử của nó là phản ánh bất công của người da màu tại Mỹ. Nhạc rap như là một thứ âm nhạc của đường phố, mà trong bài The Message của Grandmaster Flash & The Furious Five cũng đã phản ánh cuộc sống khu ổ chuột tại Hoa Kỳ “Chuột chạy trong phòng còn sau là lũ gián”. Có thể xem nhạc rap nói riêng và văn hóa Hiphop nói chung như là thứ văn hóa “cao” của một nhóm người. Nhưng khi lên phương tiện đại chúng như là truyền hình, thứ văn hóa “cao” của nhạc rap bị kéo xuống thứ văn hóa “thấp” mà bất kể mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đều có thể nghe được.Vì theo lập luận Marcuse khi một thứ sản phẩm bị lên truyền thông đại chúng, nó như là một món hàng hóa được mua bán và làm lợi nhuận cho nhà tư bản, vì thế thứ sản phẩm đó phải được biên tập lại, hệ thống hóa lại.

Khi dòng nhạc rap được đưa lên gameshow, nó chính là thứ hàng hóa được chủ nghĩa tư bản rao bán. Vì thế, chửi tục hay những vấn đề xã hội gay gắt phải được kiểm duyệt lại, biên tập và cắt ghép lại để phù hợp với nội dung chương trình. Vì chương trình giờ là một món hàng hóa sản phẩm được rao bán trên truyền hình vì thế không thể để những yếu tố của văn hóa “cao” chỉ trong một nhóm người để phổ biến cho đại chúng được.

Việc lan tỏa của truyền thông đại chúng trong mọi ngóc ngách, đến việc kiểm duyệt và lọc văn hóa ở hệ thống truyền thống đại chúng như là hệ thống mang tính toàn trị của chủ nghĩa tư bản. Chính điều này như là sự đàn áp lên quần chúng mà Marcuse nói là “đàn áp sự thăng hoa” (repressive desublimation).

Thăng hoa trong Phân tâm học như là một trạng thái để đối phó với quá trình ham muốn bị kìm nén lâu dài trong vô thức. Khi thăng hoa bùng phát nó là cơ sở cho việc sáng tạo văn hóa. Nhưng trong xã hội tư bản sự thăng hoa đó bị đàn áp khi mà trong sâu thẳm khao khát được giải phóng nhưng không tìm được công cụ nào thích hợp để có thể làm được, hay ngôn từ nào có thể diễn tả được vì thế phải thể hiện gián tiếp thông qua nghệ thuật.

Trong một xã hội sự đàn áp thăng hoa luôn luôn hiện hữu, người làm nghệ thuật cũng đồng thời không thể giải phóng ham muốn của họ ra triệt để, vì thế nếu trong nhạc rap việc giải phóng ham muốn đó ra qua lời nhạc rap. Thì các rapper phải sử dụng ngôn từ một cách gián tiếp chứ không phải dùng ngôn từ mang tính trực tiếp để có thể thể hiện những ham muốn của bản thân

“Những bài học sắt máu mà con chỉ biết tôn sùng” (Mấy con mèo – Datmaniac)
“Tại sao đang chạy xe đứng lại là xìa ra” (N-sao? – Suboi)

Vì thế, câu chuyện lên án âm nhạc thị trường không chỉ đơn giản là nằm trong vấn đề nhạc rap. Mà vượt xa khỏi nhạc rap, nếu nhìn theo quan điểm Marcuse, nếu nhạc rap trở thành sản phẩm thương mại thì nó mất đi chức năng phản ánh xã hội, mất đi sự tự do của ngôn từ. Vì khi trở thành sản phẩm thương mại, nhạc rap phải ép mình phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng mà nhu cầu đó lại được tạo ra bởi các hãng thu âm, bởi các trung tâm sản xuất âm nhạc, và xa hơn bởi một hệ thống toàn trị lớn mà như Marcuse luôn hoài nghi.

Trương Thịnh

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Exit mobile version