Kendrick Lamar hẳn không còn quá xa lạ với mọi người trong cộng đồng yêu nhạc rap chúng ta. Với lyrics đầy tính ẩn dụ, tràn đầy hình ảnh, cách sử dụng flow mượt mà, đặc biệt, Kendrick Lamar hiện tại đang là một trong những rapper đứng đầu rap game hiện nay. Và có lẽ, tất cả mọi người đều đã nghe đến album “To Pimp A Butterfly”, một tuyệt tác đầy chất cổ điển mà Kdot cùng Dr.Dre đã tạo nên vào năm 2015. Nhưng hôm nay ta sẽ chỉ nhìn vào một track trong album. Đó là “King Kunta”.
Nếu chỉ nghe qua track này mà không thực sự chú ý vào lời nhạc, nhiều người sẽ chỉ đưa ra nhận xét là: bắt tai, nhộn nhịp và khá cuốn. Nhưng để thực sự hiểu và thưởng thức một cách trọn vẹn nhất track nhạc này và cả album TPAB , thì người nghe phải thực sự tìm hiểu và đào bới sâu một chút vào kho tàng văn học của người da màu gốc Mỹ – Phi. Và hôm nay, tôi sẽ là người giúp bạn làm điều đó.
Đầu tiên là với tiêu đề của track này, “King Kunta”. Kunta Kinte là một nhân vật da màu trong cuốn tiểu thuyết “Roots: The Saga of an American Family” của nhà văn Alex Haley. Và anh ấy là một nô lệ trong một đồn điền ở Virginia, sau 4 lần đào tẩu không thành công, Kunta đã bị chặt mất một phần bàn chân của mình. Và sự kiện đó được Kendrick gợi lại trong câu sau: “King Kunta, everybody wanna cut the legs off him”.
Khi Kendrick tự nhận mình là King Kunta, thì anh đang ám chỉ rằng, với tất cả tiền tài và danh vọng mà anh ấy có được, thì anh là một nhà vua, nhưng suy cho cùng, anh vẫn là một người da màu sống ở Mỹ, anh vẫn phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc và sự thắc mắc cho số phận của bản thân mình.
Và rồi đến hình ảnh “Yams” (nghĩa là củ khoai lang, nhưng Kendrick sử dụng nó với các nghĩa lóng và hình ảnh ẩn dụ từ văn học) xuất hiện. Trong cuốn tiểu thuyết “Invisible Man” của Ralph Ellison, viết về văn hóa và số phận của người da màu, thì hình ảnh Yams được sử dụng để đại diện cho văn hóa và nguồn gốc của người Châu Phi. Ở đây thì Kendrick đang ám chỉ rằng khi anh ấy đang sống thật với nguồn gốc của mình, với những đồng bào Châu Phi của anh thì anh không quan tâm việc người ngoài bàn tán hay bêu xấu gì tới họ, thể hiện sự tự hào và hãnh diện khi làm người da màu của anh.
Lại tiếp với một tác phẩm văn học khác, trong cuốn “Things Fall Apart” của Chinua Achebe, viết về đời sống của người Nigeria từ trước và sau khi cuộc xâm chiếm thuộc địa diễn ra, Yams (củ khoai tây) là một trong những sản phẩm nông nghiệp quan trọng nhất ở đấy, đại diện cho sự giàu có, sức ảnh hưởng và vị thế xã hội. Trong câu “The yam is the power that be” thì Kendrick đang ám chỉ điều đấy. Nhưng ở ngay câu sau thì Kendrick lại đang cảnh báo về sức ảnh hưởng của nó (sự giàu có, sức ảnh hưởng và vị thế xã hội) lên một người.
“The yam brought it out of Richard Pryor
Manipulated Bill Clinton with desires”
Kendrick Lamar – “King Kunta”
Ý Kendrick ở đây là từ những con người có nguồn gốc từ sự nghèo đói đến những con người đứng đầu một hệ thống đều có thể bị tha hóa. Danh hài Richard Pryor đã phải chiến đấu với sự trầm cảm và sự nghiện ngập của mình suốt đời vì danh tiếng mà ông có, đến đây thì Yams lại có thêm một nghĩa nữa đó là ám chỉ cocain, Richard Pryor đã quá dựa dẫm vào nó cho đến khi ông mất vì nhồi máu cơ tim. Ở câu sau thì Yams lại mang nghĩa lóng là đùi phụ nữ, ý chỉ sự việc Bill Clinton đã ngoại tình với điệp viên Monica Lewinsky
Phía trên đây vẫn chưa phải là tất cả. Nhưng với bấy nhiêu, với một ca khúc như “King Kunta” mà Kendrick Lamar đã khéo léo lồng ghép các yếu tố nguồn gốc và văn hóa da màu của anh vào và cả mỉa mai đến các sự việc chính trị đã xảy ra trong quá khứ. Anh đã trở thành người đại diện cho tiếng nói của cộng đồng da màu và khẳng định được lòng tự tôn dân tộc và sự tự hào khi làm người da màu ở Mỹ của anh. Đưa tính nghệ thuật của TPAB lên một tầm cao mới, một cột mốc trong lịch sử Hip-Hop.