“Train Writer”, đây là một thuật ngữ, một cái tên được đặt cho một số nghệ sĩ graffiti; những người sở hữu cho mình một niềm đam mê vô hạn đối với các ‘tác phẩm bất hợp pháp’ được thực hiện trên các toa tàu hỏa.
Nói về nguồn gốc của nó, thì với một số người cho rằng đây chính là hình thức Graffiti nguyên thủy nhất, thứ khởi nguồn cho sự ra đời và phát triển của văn hóa graffiti hiện đại ở New York và dần lan rộng ra toàn thế giới
Trước tiên, với bài viết này, chúng tôi xin khẳng định rằng không hề cổ súy mọi người tham gia vào những cuộc chơi như thế này. Vì nó sẽ có rất nhiều rủi ro mà chẳng ai có thể lường trước được, thậm chí là phải bỏ mạng.
Trở lại khoảng năm 2018, tại một sân ga tại London, Vương Quốc Anh; đã có rất nhiều người không khỏi bàng hoàng sau khi ba nghệ sĩ graffiti trẻ tuổi bỏ mạng trong khi đang cố thực hiện những tác phẩm của mình. Và cái chết của họ đã đặt ra rất nhiều câu hỏi cho mọi người, đặc biệt là: “tại sao những cậu thanh niên trai trẻ này lại lại liều mạng chỉ để viết tên của mình, các tag tại những nơi đươc cho là nổi bật?.”
Nạn nhân được biết là Jack Gilbert, 23 tuổi, Harrison Scott-Hood, 23 tuổi và Alberto Carrasco, 19 tuổi – được biết đến với các tag là ‘Kbag’, ‘Lover’ và ‘Trip’. Họ được cho là đã bị tàu hỏa đâm trong đêm tại ga Loughborough Junction. Theo cảnh sát, đây một địa điểm đặc biệt có nhiều rủi ro, không hề có nơi ẩn náu và hay một phương tiện trốn thoát nào.
Tại sao lại như vậy?
Các Writer là những người thường được cho là luôn bị thúc đẩy bởi hai điều, đó là ‘niềm vui’, sự phô bày kỷ năng khi thực hiện những tác phẩm ghi tên chính bản thân mình. Thứ hai, cũng là điều quan trọng nhất, chính là “sự phấn khích tột độ” khi làm một điều gì đó nguy hiểm và bất hợp pháp. Một quan điểm được tuyên bố bởi Rafael Schacter, một nhà nhân học tại Đại học College London, người đã dành hơn 10 năm để nghiên cứu về graffiti và đã dành tận ba cuốn sách về chủ đề này.
Ông ấy nói rằng – mặc dù có nguy cơ bị điện giật, bị cảnh sát truy đuổi, hoặc ngã từ các gờ cao; những cũng rất hiếm khi các nghệ sĩ graffiti phải nằm xuống vì những điều này. Ông tin rằng không phải chủ nghĩa cá nhân hay chấp nhận rủi ro là động lực chính của họ. Mà điều quan trọng, phần thưởng duy nhất đối với các nghệ sĩ graffiti – hay còn được gọi là “Writer ” chính là được “trở thành một phần của một tiểu văn hóa”. Ông nhấn mạnh
Phong cách graffiti hiện đại, thứ mà bây giờ chúng ta đều biết là liên quan đến hip-hop… nó đã ra đời vào đầu những năm 1970. Tất cả bắt đầu là vào khoảng năm 1971 khi tờ New York Times viết về một writer người gốc Hy Lạp tên là Taki, người đã để lại tên của mình trên những chiếc xe tải và các toa xe lửa ở Manhattan. Từ đó, đột nhiên từ đâu có một cuộc thi xem ai có thể trở nên nổi tiếng hơn, xem ai có thể “get up” nhiều nhất trên các phương tiện công cộng.
Lúc đầu, “getting up” – hay đạt được danh tiếng chỉ đơn giản là về số lượng, đây chính là tiêu chí duy nhất để đánh giá ai sẽ là “vua” và ai là nghiệp dư. Nhưng ngay sau đó, phong cách và kỹ thuật dần trở nên quan trọng, các tag bắt đầu được thực hiện theo những cách mà chẳng ai có thể tưởng tượng được, rất công phu. Có thể các writer sẽ nhận được sự tôn trọng nếu họ có nhiều tag, nhưng để trở thành một writer được công nhận là toàn diện, thì họ buộc phải thành thạo, và sáng tạo thêm những phong cách riêng biệt
Nhưng lại có một vấn đề ở đây. Đó là làm thế nào để có nhiều người nhất có thể trông thấy tác phẩm của họ?
Các tuyến đường vận chuyển đông đúc như xe lửa – đặc biệt là các đoàn tàu được coi là vị trí thần thánh nhất cho việc này. Đây là lý do tại sao các nghệ sĩ graffiti thường xuyên liều mình để thực hiện tại những nơi như Loughborough Junction, nơi sở hữu con đường huyết mạch chạy thẳng vào trung tâm London. Tất cả chỉ đơn giản là để tác phẩm của họ được trông thấy nhiều hơn.
Trong một dịp được trò chuyện với một số writer. …
Làm thế nào mà bạn đến được với graffiti?
(Theo yêu cầu thì tôi xin được giấu tên)
Không biết bắt đầu từ đâu, nhưng có lẽ tôi đã tham gia vào graffiti trước cả khi tôi biết nó là gì. Lúc nhỏ tôi thường có sở thích viết tên của mình theo những cách không giống ai, mỗi ngày tôi có thể dành ra mấy tiếng đồng hồ để thực hiện nó. Lúc đấy ở trường, tôi luôn là thằng được mấy đứa chung lớp nhờ vẽ tên, cái thời mà phong trào fs đó.
Và sau đó bạn đến với graffiti?
Chắc là khoảng tầm lớp 6, lớp 7 gì đó. Tôi đã định hình tư tưởng của mình,… này, có thể lúc đó tôi chỉ là thằng nhóc; nhưng thực sự tôi đã “chính xác” quyết tâm để phát triển kỷ năng của mình và dành nhiều thời gian để học hỏi mấy anh trong nhóm tại các khu vực hợp pháp và cả bất hơp pháp
Bạn nghĩ sao về graffiti bất hợp pháp?
(Đây là một người khác, cũng xin giấu tên)
Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi tôi lần đầu vẽ tại những địa điểm bất hợp pháp. Luôn có rủi ro cao hơn, không hề an toàn và thường đi kèm với với nó là các hình phạt vô cùng nghiêm khắc, có thể là phạt hành chính, tiền đấy, hay thậm chí là giam mấy ngày, chịu cực chịu khổ cho biết. Trên mạng đã có vô số cuộc tranh luận về việc bất hợp pháp hay hợp pháp về cái môn này, nhưng không có gì phải bàn cãi khi graffiti như chúng ta biết tới bây giờ là cũng từ mấy cái toa tàu điện ngầm ở New York vào những năm 70 và 80. Về cơ bản, những gì tôi chắc chắn, là graffiti thực sự bắt đầu trên xe lửa, và đối với một số ít người, những người được chọn, thì nó vẫn là bức tranh duy nhất ĐÁNG ĐỂ VẼ.
Tại sao nó lại hấp dẫn các bạn đến vậy?
(Lại là một người khác, cũng xin giấu tên)
Vụ bất hợp pháp đấy hả? Anh có chấp nhận xã hội này có mặt trái không? Nếu không chấp nhận thì nó vẫn sẽ xảy ra thôi. Còn mấy ông miệng underground nhưng lại nói ‘ý thức kém’ thì chịu rồi, với một người chơi crime art thì tôi thấy vậy. Bản thân tôi không lên tiếng vì mấy vụ này vì mệt mõi lắm, nhưng mà thật sự thằng nào dám vẽ lên tàu thì thật, ‘ngầu đét’, xong bị bắt thì cũng ‘ối giồi ôi’ luôn. Nói luôn, bây giờ thật là xin người ta chỗ vẽ vẫn có chứ, vẫn được cho phép; nhưng mà khổ cái là cái vẽ trộm nó sướng lắm. Lúc xưa hay đi bomb cùng mấy anh em nên tôi biết cảm giác đó, cũng hiểu cảm giác lên phường luôn, nên tôi sẽ không khuyến khích. Vì dù gì graffiti cũng là những người giấu mặt trong cộng đồng hip-hop, họ thích cái crime art.
Anh em writer có khẩu hiệu hay lắm, “Vẽ không xấu, vẽ xấu mới xấu”. Nên nếu có vẽ bậy thì làm ơn, vẽ có tâm tý.
Các bạn có nghĩ rằng mình sẽ dừng lại?
Vì hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng, nên chắc sẽ sớm thôi, chứng nào thì tôi không rõ. Nhưng về cơ bản trước mắt thì tôi sẽ tiếp tục làm điều đó cho đến khi đôi tay, đôi chân, khối óc này ngừng hoạt động.