Thứ Sáu, ngày 13/05, Kendrick Lamar a.k.a Oklama đã tung ra album mới mang tên MR. MORALE & THE BIG STEPPERS, album cuối cùng với label T.D.E và là album đầu tiên với label mới pgLang.
Và để chuẩn bị đón chào album này, hãy cùng với tôi ghé thăm thành phố điên loạn Compton của những năm 2012, để nhìn lại cuộc đời K-Dot của những năm niên thiếu và cách anh đã sống sót tại Compton.
I-COMPTON STATE OF MIND:
Phần đầu tiên của album vẽ ra một bức tranh Compton dưới góc nhìn của Kendrick thời trẻ. Anh cũng giới thiệu những nhân vật xoay quanh cuộc sống của bản thân cùng những ‘trò chơi’ nguy hiểm chết người nhưng lại rất đỗi bình thường ở xứ này.
- Sherane a.k.a Master Splinter’s Daughter:
“Lord God, I come to you a sinner
And I humbly repent for my sins”
Album mở ra bằng một lời sám hối của Kendrick và những đứa trẻ ở Compton; cùng với bass line đầm và ma mị, đã mở ra một bức tranh Compton đầy sự khuất tất và bí hiểm. Track đầu tiên giới thiệu người nghe tới nhân vật Sherane, một vũ nữ thoát y với những đường dáng thu hút K-Dot từ những cái nhìn đầu tiên. Sherane ở khu vực phía Đông của Compton trong khi Kendrick ở khu ngược lại, gia đình cô cũng có truyền thống giang hồ nhưng do quá thích cô nên anh đã bỏ qua những chi tiết này mà vẫn tiến đến.
Hai người đã chim chuột nhau suốt cả mùa hè và cái gì đến cũng đã đến, anh tới khu vực nhà Sherane nhưng bị 2 người anh họ của cô chặn xe và đe dọa. Kết track, chúng ta có thể nghe được tiếng bố mẹ của Kendrick đã cố gọi anh để lấy lại chiếc xe mà anh đang dùng để tới nhà Sherane.
- B*tch, Don’t Kill My Vibe:
Single đầu tiên của album. Đây là một track khá là…không liên quan gì tới album này nhưng công bằng mà nói đây là một track rất tuyệt vời khi nó thể hiện sự chán ghét của Kendrick với nền công nghiệp âm nhạc quá hút máu và sự quyết tâm của anh với việc giữ nguyên bản sắc khi rap. Anh cũng nêu lên việc những người xung quanh khi thấy anh nổi tiếng liền quay ra làm thân và điều này làm anh chán ngấy. Phần vocal nữ đánh dấu năm thứ 3 làm việc của anh với Anna Wise, nền móng cho những màn collab tuyệt vời sau này.
- Backseat Freestyle:
Tiếp tục là một track banger mạnh mẽ đến từ Kendrick Lamar. Anh đã nêu bật lên góc nhìn của những thanh thiếu niên Compton thời đó về định nghĩa của sự thành công: đó là Tiền bạc và Quyền lực. Xuyên suốt track, anh đã khoe khoang rất nhiều về những tài sản hay những cô gái anh sẽ có khi anh thành công.
Đây không phải là những suy nghĩ của một Kendrick thời điểm hiện tại, mà là của một chàng thiếu niên khi đã ở trong một thành phố mục ruỗng và tha hóa quá lâu. Việc freestyle ở ghế sau xe cũng là một việc mà những thanh niên ở Compton hay làm để thoát khỏi hiện thực tàn nhẫn.
“All my life I want money and power
Respect my mind or die from lead shower
I pray my d*ck get big as the Eiffel Tower
So I can f*k the world for seventy-two hours”
- The Art of Peer Pressure:
Đây là track chủ đề của phần đầu tiên nhưng thường xuyên bị rap fan Việt Nam đánh giá thấp và bỏ qua. Trong track này, Kendrick đã miêu tả những ‘trò chơi’ nguy hiểm mà anh và bạn bè thường làm ở Compton, đó là chơi đồ, bắn nhau và cướp của. Điều đặc biệt là, đây không phải những gì Kendrick muốn làm, nhưng khi bạn bè anh làm thì anh cũng phải làm theo.
Chơi đồ
Kendrick và bạn bè thường xuyên lái xe lòng vòng xung quanh thành phố để buôn hàng trong tình trạng say xỉn và phê pha. Họ buôn cho những cô gái trong ‘nghành’ và những tay giang hồ thứ thiệt. Và khi đi với anh em bạn bè, K-Dot dù không muốn nhưng vẫn phải phì phèo điếu sà cân hoặc thuốc lá.
“Usually I’m drug-free, but, sh*t, I’m with the homies”
Bạo lực đường phố
Một trong những đặc sản đã làm nên thương hiệu của Compton đó chính là chiến tranh băng đảng. Cụ thể hơn đó là băng Crips và Bloods với 2 màu chủ đạo xanh và đỏ đã in sâu vào văn hóa hip hop từ rất lâu; và Kendrick cũng không phải là ngoại lệ. Anh và các homie đã ‘làm nhanh’ 3 kẻ mang trên mình màu sắc của băng đảng khác và còn cười đùa về nó.
“That’s ironic, ’cause I’ve never been violent
Until I’m with the homies”
Cướp bóc
Hai verse cuối cùng của track miêu tả một cuộc đột nhập của Kendrick và nhóm bạn vào nhà của một cư dân Compton, họ biết rằng chủ nhà đang đi làm và không ở nhà nên đã đột nhập vào để trộm đồ. Cả nhóm đã bị cảnh sát phát hiện nhưng may mắn trốn thoát. Ở cuối track, một đoạn hội thoại giữa các anh em trong nhóm sau khi trót lọt đó chính là cần phải mở rộng địa bàn trộm cắp.
- Money Trees (featuring Jay Rock)
Tiếp tục câu chuyện sau The Art of Peer Pressure, nhóm của Kendrick đã bắt đầu những phi vụ đột nhập vào buổi sáng, khi cư dân Compton đã đi làm và không có nhà. K-Dot cũng tiết lộ việc mình đã chén được Sherane, mở ra một câu chuyện bi kịch sau này.
Đây là một track nêu bật lên việc túng quẫn của những thanh niên Compton đã mang tới những gì, đó là cướp bóc và án mạng (ví dụ người bác Tony của K-Dot cũng đã ra đi vì súng đạn). Pen game của Kendrick trong track này là cực kì chất lượng với nhiều hình ảnh tốt cũng như nổi bật việc đồng tiền cai trị tất cả. Verse của Jay Rock cũng rất ăn nhập và có hơi hướng đả kích chính quyền Mỹ không chịu chăm lo cho những khu ổ chuột.
“And I been hustlin’ all day
This-a-way, that-a-way
Through canals and alleyways, just to say
Money trees is the perfect place for shade
And that’s just how I feel”
- Poetic Justice (featuring Drake)
Một track về chủ đề tình yêu trong album và nó dành cho Sherane. Điều đặc biệt đó là Kendrick đã sử dụng hình ảnh “bông hoa nở trong bóng tối” để ẩn dụ cho cô – khi Sherane chính là một bông hoa nở trong một gia đình lộn xộn tại một thành phố nhiễu nhương thì ít nhiều cô cũng sẽ có vấn đề. Và vấn đề ở đây chính là 2 gã anh họ của cô khi ở phần skit cuổi track, tranh cãi giữa 2 gã trên với Kendrick đã nổ ra và chính thức bắt đầu cho màn bi kịch mang tên good kid, m.A.A.d city.
“If I told you that a flower bloomed in a dark room
Would you trust it?
I mean, I write poems in these songs dedicated to you when
You’re in the mood for empathy, there’s blood in my pen”
Theo: Nguyễn Hải Long