More

    Ghostwriter, tốt hay xấu?

    Đến nay, chúng ta vẫn luôn thường xuyên nghe thấy những tranh cãi về việc các nghệ sĩ Hip-Hop sử dụng ghostwriter phía sau các bản hit, thứ một phần đã mang lại sự thành công cho họ.

    Nhưng theo nhiều góc nhìn khác nhau. Một số đã đưa ra quan điểm khi so sánh rapper với các ca sĩ nhạc pop, những người luôn có một ekip hùng hậu đứng sau hỗ trợ, và ghostwriter cũng là một trong số đó. Vâng, ở góc nhìn thế này thì họ cho rằng việc viết thuê nên được nhìn nhận theo một cách khác, một công việc mà đôi bên đều có lợi; phía rapper thì trả tiền, còn ghostwriter thì ngược lại. Và trên hết thì liệu khi bài nhạc đó vào tay một rapper khác thì nó có trở thành hit?

    Có thể ghostwriter cũng không chắc là yếu tố quyết định sự thành-bại, mà đôi khi sự thành công còn nằm ở người thể hiện ca khúc đó. Vì vậy chẳng có vấn đề gì với việc ai là người viết ra nó, mà cái quan trọng là họ đã thành công

    Công Kích

    Nhưng ở một số khác. Những người vẫn luôn đề cao hip-hop lyricism ở tính xác thực, bởi những giá trị mà rapper từng trãi qua là thứ có thể sánh ngang với bất kỳ trường phái sáng tác nghệ thuật nào khác; cũng như cách mà nghệ sĩ từng đoạt giải Pulitzer, Kendrick Lamar đã chia sẻ với Rolling Stone: “Tất cả sẽ phụ thuộc vào việc bạn đang đặt mình vào lĩnh vực nào? Ở đây mọi người gọi tôi là rapper giỏi nhất, nhưng thật sự tôi sẽ chẳng dám nhận cái danh này nếu tôi có một ghostwriter phía sau. Nhưng nếu bạn nói rằng bạn là một loại nghệ sĩ khác, và bạn cũng chẳng quan tâm đến những hình thức nghệ thuật để trở thành một rapper giỏi nhất; thì với bạn đó chỉ là những bản nhạc đơn thuần, không hơn không kém …”

    Vâng, hay chỉ cần nghe Kendrick thể hiện qua track “King Kuntan” cũng đủ để trông thấy được sự tận tâm của anh ấy với thứ trường phái nghệ thuật bằng câu chữ này:

    “I can dig rappin’, but a rapper with a ghostwriter?
    What the fuck happened? (Oh no!)
    I swore I wouldn’t tell, but most of y’all sharing bars
    Like you got the bottom bunk in a two-man cell (A two-man cell)”

    (Tao có thể tiếp tục rap, nhưng một thằng rapper xài ghostwriter thì sao?
    Chuyện đéo gì xảy ra vậy
    Tao thề tao không nói đâu, nhưng mấy tụi bây đã share mấy bar nhạc của tao
    Giống như mày nằm tầng dưới (của giường 2 tầng) trong 1 căn phòng giam cho 2 người)

    Trong câu rap trên của Kendrick, điểm đáng chú ý nhất là ở từ “bars”, với nhiều nghĩa:

    1. Bar nhạc
    2. Chắn song nhà tù (ghostwriter như kiểu đang tự giam sự sáng tạo)
    3. Tiêu chuẩn (hay ở đây tiêu chuẩn của một rapper là phải tự viết lời)

    Ở những bar trên của “King Kuntan”, trong một cuộc phỏng vấn của MTV bởi Rob Markman, Kendrick Lamar đã nói những dòng này chủ yếu là nhắm vào những nghệ sĩ mới chưa thành danh, anh nói: “Là một nghệ sĩ mới lên, bạn phải đứng đằng sau tất cả và điều cần thiết nhất là bạn phải tôn trọng những quy tắc của Hip Hop…”

    Hay là cả những tiền bối đi trước như Nas cũng từng đề cập đến vấn đề này trong ca khúc “Nas Will Prevail”

    “On Nas, word is bond, I leave the microphone torn
    False rappers, you need to write your own song”

    (Với Nas, câu từ là bắt buộc, tao sẽ xé toạc micrô
    Còn tụi rapper nữa mùa, tụi mày cần phải tập viết lời đi)

    Ở cụm từ “word is bond” nó còn là tiếng lóng để nói về một việc gì đó chắc chắn, như ở đây kiểu sẽ là “Tôi thề tôi sẽ …”. Như một cách chắc kèo rằng vần câu của Nasty Nas đỉnh như thế nào

    Thậm chí một số rapper còn thẳng thắn hơn khi nói về những nghệ sĩ đã sử dụng đến ghostwriters, như ở đây chúng ta có Pusha T trong track hợp tác với Jeezy, “Illin'” :

    “Tell Hova don’t pass the crown so soon
    Unless he got a crown for every writer in the room
    There’s too many spirits on these ghost-written tunes
    So you can’t crown the heir until you seance the room”

    (Bảo Hova (Jay-Z) đừng vội trao vương miện sớm thế.
    Trừ khi anh ta có vương miện cho tất cả mấy tay viết thuê trong phòng.
    Có quá nhiều linh hồn ẩn chứa bên trong những câu chữ này.
    Vì thế anh không thể trao vương miện cho người thừa kế cho đến khi anh kiểm tra căn phòng đó)

    Khoan đã đừng hiểu nhầm ý của Pusha nhé, anh ta không phải là đang ám chỉ bố già JAY-Z sử dụng ghostwriters; mà ở đây anh đang phản ứng lại việc JAY-Z tuyên bố truyền lại ngọn đuốc của mình cho thế hệ rapper trẻ, đặc biệt là trong track “A Star is Born”. Hay cụ thể hơn là Pusha đã rất tức giận về việc ‘bố già’ Hova quyết định trao lại vương miện của mình cho Lil Wayne trong ca khúc “Mr.Carter”, một màn cộng tác của Jay-Z cùng Lil Wayne.

    Pusha T tỏ ra nghi ngờ những người thừa kế tiềm năng cho ngai vàng của HipHop (Lil Wayne, Drake), anh cho rằng những nghệ sĩ này đã sử dụng ghostwriters, và Clipse chính là một trong những người được cho là đã ghostwriters cho Weezy. 

    Thừa Nhận và Thành Công

    Đến khoảng năm 2019, có lẽ ít nhiều quan điểm về ghostwriters trong giới rapper cũng thoáng hơn đôi chút, đặc biệt là ở giới rapper mainstream. Như Cardi B, cô thực sự đã thừa nhận người viết lời cho mình chính là Fontaine, thậm chí trước đó là vào khoảng tháng 11 năm 2018 Cardi còn dõng dạc tuyên bố trong một show diễn rằng: “Tất cả những rapper hiện nay đều có ghostwriters, mặc dù đa số những người này luôn tự vỗ ngực nói rằng họ không hề làm điều đó, nhưng thật sự tất cả là lời nói dối …”

    Nữ rapper Cardi B

    Hay để rõ ràng hơn một tý thì chúng ta sẽ có Bhad Bhabie, với sự giúp đỡ của nhà sản xuất, ca sĩ kiêm nhạc sĩ gốc Compton, Brittany, người đã biến Bhabie trở thành nữ nghệ sĩ trẻ tuổi nhất từng xuất hiện trên bảng xếp hạng Billboard với đĩa đơn đầu tay của cô ấy, “These Heaux”, ở vị trí 77 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 khi chỉ mới 14 tuổi. Không chỉ dừng lại ở ca khúc trên, Brittany còn thổi hồn vào những bản hit đồng sáng tác như “Whachu Know”, “Mama Don’t Worry”, “I Got It”, … và dĩ nhiên tất cả đều vô cùng thành công

    Brittany và Bhad Bhabie

    Không chỉ là ở thế hệ trẻ không thôi, mà từ lâu trong rap game đã có ghostwriters. Như “Rapper’s Delight”, bản hit đầu tiên của HipHop ra đời vào năm 1979 của SugarHill Gang cũng được cho là đã được viết bởi một người khác là Grandmaster Caz. Rồi đến khi nhạc rap thực sự bùng nổ vào cuối những năm 80, thì ngành kinh doanh ghostwriters cũng phát triển theo nó.

    Như một trong những cộng tác viên thân thiết nhất của biểu tượng trong giới underground MF DOOM, Percy Carey, người còn được biết đến với nghệ danh MF Grimm, người đã làm việc với Dr. Dre từ thời Death Row Records vẫn còn được mệnh danh là “Cú sốc của tương lai”. Carey đã được các hãng thu âm lớn thuê để viết lời cho hơn hàng chục verse, điệp khúc và đôi khi là cả bài cho các nghệ sĩ từ những năm 1986 với mức giá cho mỗi bar là khoảng 1.000 đô-la

    Hay vào năm 1988, Big Daddy Kane là người đã viết lời cho năm ca khúc đầu tiên trong album “Goin’ Off” cho người bạn, kiêm đồng nghiệp của mình là Biz Markie, trong đó có cả ca khúc cổ điển “The Vapors”. Năm 1992, nếu Ice Cube là tác giả chính cho album của NWA “Straight Outta Compton”, thì rapper đến từ Dallas là D.O.C cũng tương tự như vậy với dự án kinh điển của Dr. Dre, “The Chornic”, bao gồm cả bản hit không thể phủ nhận, “Nuthin’ But A G Thang” 

    Năm 1995, chính Method Man đã cho biết rằng trong album đầu tay “Return to the 36 Chambers: The Dirty Version” của gã khùng Ol’ Dirty Bastard, anh đã nhận được sự giúp sức từ những tay chơi HipHop kỳ cựu và cũng là những người anh em ruột thịt của mình là GZA và RZA.

    Một Cơ Hội

    Tạm dừng ở các bar rap có ý công kích đến ghostwriters hay sự thừa nhận từ nó. Tiếp theo chúng ta sẽ ngược dòng thời gian lại một tý, khoảng thời gian sau khi “King Kuntan” của Kendrick được phát hành không lâu thì vào ngày 22 tháng 7 năm 2015, Meek Mill công khai sự ghê tởm của anh ấy đối với ghostwriters trên Twitter với dòng tweet rằng: “Đừng so sánh tao với thằng Drake, khi nó không phải là thằng tự viết lời cho mình …”

    Không chỉ vậy, rapper gốc Philadelphia còn chỉ đích danh Quentin Miller chính là người đứng sau một một số bài hit của Drake. Tuy nhiên Drake đã phớt lờ những cáo buộc này, cũng như Miller, trong một bài đăng được đăng tải trên Tumblr, nam rapper trẻ đã lên tiếng bác bỏ những tuyên bố này của Meek, anh nói: “Mùa đông năm 2014… Tôi chỉ là một chàng trai có niềm đam mê với âm nhạc đang phải chật vật với công việc mà tôi luôn ghét …. Và bằng cách nào đó, tôi đã được nói chuyện điện thoại với một trong những thần tượng của tôi .. tôi nói với anh ấy rằng tôi làm việc trong một tiệm bánh. Khi không ai chú ý đến tôi, Drake đã nhìn thấy điều gì đó và đã đưa tay ra với tôi. Tôi không phải và sẽ không bao giờ là ghostwriter của Drake .. Tôi tự hào khi nói rằng chúng tôi đã hợp tác … “


    Kết: Bài viết không hề có ý định hướng hay đả kích ghostwriters mà đây chỉ là một số góc nhìn và những câu chuyện, sự thật liên quan về vấn đề này. Vậy theo bạn thì sao nào? Ghostwriters liệu có cần thiết cho một nghệ sĩ (rapper)? Nó có làm tổn hại đến đạo đức nghề nghiệp hay không? Hãy để lại bình luận bên dưới nhé

    Tomura
    Tomura
    Founder of Gangs World

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây