More

    Hotel California, con đại bàng bị “mắc kẹt” trên đỉnh cao

    Có rất nhiều bí ẩn xoay quanh giai điệu cổ điển được tạo nên bởi khối óc của ban nhạc huyền thoại Eagles, “Hotel California”, một ca khúc relax đúng nghĩa khi sở hữu cho mình thứ giai điệu vô cùng nhẹ nhàng được thể hiện bởi Don Felder.

    Ban nhạc huyền thoại, “Eagles”

    Đây có thể nói là một sản phẩm có thể dành cho hầu hết mọi người, nhưng đó chỉ là ở phần giai điệu, bên cạnh đó phần lớn ca từ của Hotel California đều khá là khó hiểu đối với người nghe, từ những câu như “The warm smell of colitas rising up in the air”, cho đến “We are all just prisoners here of our own device”, …….

    “Colitas” mà họ đang muốn nói là gì?

    “The warm smell of colitas rising up in the air”
    (Mùi hương colitas nồng ấm bốc lên trong không khí)

    Đây là phần lời gây khó hiểu trong “Hotel California”, được biên soạn bởi Don Henley, nó đã gây tò mò cho người nghe về mặt ngữ nghĩa. Theo như Don Felder đã chia sẻ về dòng này trong một cuộc phỏng vấn: “Colitas là một loài thực vật mọc ở sa mạc, nở hoa vào ban đêm, và nó có loại mùi hăng hắc, gần như nồng nặc. Tôi đã nghĩ ra rất nhiều lời cho câu hát đó, …. Tôi đã nghĩ ra colitas. Và hơn hết, khi tôi cố gắng viết lời, tôi muốn nó chạm đến nhiều giác quan, những thứ mà người mọi người có thể nhìn, ngửi, nếm, và lắng nghe”

    Vâng, là chạm vào mọi giác quan của người nghe. Nếu chúng ta để ý đến đoạn “I heard the mission bell” thì nó cũng gần như câu “colitas” phía trên mà tôi đã đề cập đến, tất cả đều có thể liên hệ đến các giác quan của bạn. (Nhưng bên cạnh đó, theo một số người giải thích, “colitas” theo tiếng lóng của Mexico thì còn có nghĩa là ‘búp cần sa’)

    Don Henley

    Đến đoạn cuối ca khúc được thể hiện bởi Don Henley. Đây cũng là thứ mà tôi muốn nhắm đến trong bài viết này, cùng phần trọng tâm là tựa đề, “Hotel California”

    “Mirrors on the ceiling
    The pink champagne on ice
    And she said We are all just prisoners here of our own device
    And in the master’s chambers
    They gathered for the feast
    They stab it with their steely knives
    But they just can’t kill the beast
    Last thing I remember I was
    Running for the door
    I had to find the passage back
    To the place I was before
    Relax said the night man
    We are programmed to receive
    You can check out any time you like
    But you can never leave”

    Cho đến nay bí ẩn trung tâm nhất là chính khách sạn cùng tên. Liệu đây có là một khách sạn thực sự? Hay một khu vực nào đó tại California? Hay đơn giản chỉ là một cách để họ lột tả tâm trạng của mình? Vì sao họ lại nói rằng?

    “We are all just prisoners here” (Chúng ta là tù nhân tại nơi đây)

    “They stab it with their steely knives” (Rồi họ giết nhau bằng những con dao)

    “Last thing I remember, I was / Running for the door / I had to find the passage back / To the place I was before” (và rồi họ lại muốn chạy đến những cánh cửa để chạy trốn đến nơi mà họ từng sống)

    Trong nhiều cuộc tranh luận tại một số diễn đàn, mọi người dường như đã tìm thấy cho mình được câu trả lời. Từ vở kịch “No Exit” (1944) của nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre (tựa gốc tiếng Pháp, Huis Clos ). Trong vở kịch trên, có 3 nhân vật có tính khí khá là chết tiệt gồm Joseph Garcin, Inèz Serrano và Estelle Rigault. Cả ba đều là những người vừa mới qua đời, họ bị cuốn vào địa ngục cùng với sự xuất hiện của một người hầu bí ẩn, và họ đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra, thay vì lửa, diêm sinh và ác quỷ, những thứ tại đây dường như chỉ là bên trong một căn phòng khách sạn đang bị khóa trái.

    Khi chỉ có 3 người trong căn phòng, họ tâm sự với nhau những việc họ từng làm, từng trải qua khi còn sống. Nhưng mọi chuyện đã không êm ả như ta tưởng, lúc đầu không ai trong số họ thừa nhận lý do thật sự khiến mình bị giết: Garcin nói rằng anh ta bị hành quyết vì là một người cách mạng theo chủ nghĩa hòa bình, Estelle thì khẳng định cái chết của cô là một sai lầm của nổi buồn; Tuy nhiên đến lượt Inèz, cô là người duy nhất yêu cầu tất cả hãy ngừng nói dối bản thân và mau thú nhận tội ác đạo đức của mình, cô phản bác, từ chối tin rằng tất cả họ đã kết thúc sự sống của mình một cách như vậy, và cũng là lúc mọi mâu thuẩn xảy ra…..

    Ở đây, thông điệp cơ bản chính là mỗi người trong chúng ta là người đã tạo ra địa ngục – hoặc, có lẽ là thiên đường – thông qua những lựa chọn hiện sinh của chính bản thân. Mọi người có thể hiểu ý tôi đang muốn nói không ???.

    Sự hiện diện của ba con người, họ đang tự lừa dối – tra tấn lẫn nhau, chỉ bằng tính cách hơn thua xung đột của họ, làm tăng thêm sự thú vị kịch tính cho mục đích của vở kịch. Tuy nhiên, cái nhìn thực sự của Sartre có thể dễ dàng được tạo ra bởi quan điểm hiện sinh, cuộc sống là sự lựa chọn, cái chết là sự từ chối đưa ra những lựa chọn thực sự (và chấp nhận trách nhiệm đi kèm với nó), và thứ duy nhất thực sự gài bẫy chúng ta đó là chính chúng ta. Theo đó, cao trào nhất của vở kịch diễn ra khi một trong những nhân vật là Garcin, bất ngờ đối mặt với một cánh cửa, khi anh cố gắng phá cửa liên tục….. Thì nó đã đột ngột mở ra một cách khó hiểu. Nhưng không hiểu vì lý do gì? (hơn thua), sau khi suy ngẫm một lúc lâu, anh ấy tự đóng nó lại, và những người khác cũng tự nguyện ở lại. Anh ta nói rằng anh ta sẽ không bỏ chạy cho đến khi mình có thể thuyết phục Inèz rằng anh ta không hèn nhát.

    Chỉ khi đó, chúng ta, những khán giả, mới hiểu được hoàn toàn và không thể tránh khỏi việc anh ta bị mắc bẫy. Cánh cửa bị khóa chỉ là chỗ dựa thuận tiện cho sân khấu của anh, cái cầm tù anh ta, và cả 2 nhân vật còn lại không phải cánh cửa, mà chính là bản thân họ, bên trong con người họ

    Quay trở lại với “Hotel California”, theo quan điểm – góc nhìn của tôi, mặc dù ban đầu nó trông giống như một thiên đường tại trần gian, nhưng thực sự nó cũng không khác gì khách sạn địa ngục ở No Exit. Một phép ẩn dụ mở rộng cho tư duy Nam California và lối sống thiên về vật chất ở Los Angeles, khách sạn bẫy những ai đến tìm kiếm sự hào nhoáng, và sự ấm áp bề ngoài của nó, hay nói đúng hơn, cung cấp bối cảnh mà họ tự bẫy mình. Một sự thay thế cho một cuộc sống không bao giờ có lối thoát, Hotel (khách sạn) là nơi bạn có thể “trả phòng” bất cứ lúc nào bạn muốn, nhưng bạn không bao giờ có thể rời đi.

    Những con đại bàng mãi mãi bị “mắc kẹt” ở trên đỉnh cao

    Tomura
    Tomura
    Founder of Gangs World

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây