More

    Lạm bàn về phong trào “Cancel” trong Rap Việt hiện nay

    Thời gian vừa qua, các rapper tại Việt Nam đang phải đối diện với nhiều lời chỉ trích không chỉ ở là ở cánh truyền thông mà bên cạnh đó còn là vô số những phản ứng tiêu cực phía công chúng

    Vừa qua, trong chương trình Đối Diện với chủ đề “Dọn rác trên không gian mạng” được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia Việt Nam, thuộc ban Tuyên giáo Trung ương VTV1. Chương trình này đã thẳng thắn phê phán các sản phẩm âm nhạc “rác” đang được lan truyền trên mạng xã hội.

    Trong đó có một số rapper được nhiều bạn trẻ yêu thích đã bị ‘tế’ thẳng tên như Bình Gold, hay trận đối đầu ‘vô tiền khoáng hậu’ giữa hai OG làng rap là Rhymastic và Torai9

    Hình ảnh được cắt từ chương trình “Đối Diện” của đài truyền hình VTV1

    Để nói về điều này. Trước tiên xin khẳng định tôi là một người theo “tư tưởng bảo thủ”, tôi chống truyền thông, cũng như chống lại việc nghệ thuật bị thương mại quá mức. Nhưng ở đây việc tôi chống thương mại không có nghĩa là tôi không đồng ý việc các nghệ sĩ kiếm được tiền từ niềm đam mê của mình, mà ở đây tôi đang nói đến tâm thế làm nhạc của họ, tư duy bị giới hạn – kéo theo đó nghệ thuật của họ sẽ bị méo mó vì thương mại.

    Tại vì sao?

    Lý do duy nhất khiến tôi phải bỏ thời gian để viết ra những lời này đó là tôi sợ, tôi sợ tương lai sẽ ngày càng có nhiều rapper tuy ‘đang sống’ nhưng lại ‘không phải là sống’, hay tôi sẽ nói thẳng ở đây là họ “phải nhìn mặt người khác mà sống” đấy.

    Và để bắt đầu, tôi nghĩ mình cần phải đưa ra một vài ví dụ. Nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, khi so sánh với nơi khởi sinh ra Hip-Hop thì có lẽ các bạn sẽ bảo rằng đây là một ví dụ quá khập khiểng khi đem so Việt Nam với Mỹ, mọi người sẽ kiểu như: “Nếu muốn thì qua bên đấy mà ở, nhập gia thì phải tuỳ tục, mỗi nước mỗi khác… pla pla pla”. Vâng, tôi đã nhận được hàng trăm câu trả lời kiểu đại loại như vậy trong hầu hết các cuộc tranh luận về vấn đề này.

    Nhưng trong bài viết này tôi sẽ đào sâu vào vấn đề này hơn một tý để bạn có thể nhìn rõ hơn

    Ngước nhìn một tý về những người tiên phong của thể loại này

    Đó là vào khoảng cuối thập niên 80, khi đó Niggaz Wit Attitude hay còn được biết đến nhiều hơn với cái tên NWA đang dần trở thành một cơn sốt trong giới underground thời bấy giờ. Nổi tiếng là một chuyện, nhưng truyền thông chính thống có chấp nhận họ không lại là một lẽ khác; dĩ nhiên đài phát thanh quốc gia đã thẳng thừng khước từ những sản phẩm âm nhạc của nhóm. Không bỏ cuộc, NWA làm hẳn một MV cho “Straight Outta Compton” để gửi lên cho MTV; trong đó NWA chỉ đơn giản là muốn bộc lộ thực trạng cuộc sống của các thanh niên da đen tại Los Angeles

    Sau mọi cố gắng, nhưng cuối cùng MTV vẫn phủi tay với bọn họ bởi nội dung quá bạo lực…

    MC Ren chia sẻ: “Trên MTV họ phát rock nặng, kiểu mấy bài tâm linh rồi ma quỷ. Còn ở đây chúng tôi chỉ đơn giản là nói về thực trạng xã hội hiện tại để mọi người có thể phòng tránh. Nhưng trái lại họ lại gắn cho bọn tôi cái mác đề cao bạo lực, ma tuý. Tôi không thể đồng ý với cái suy nghĩ đó”. Ren nói thêm, “tôi chỉ muốn nói là các bạn nên cẩn thận ở những khu vực này, sẽ rất dễ bị ăn đạn lạc đấy. Kiểu vậy”

    Trong khi NWA đang làm mưa làm gió vào năm 1988, thì cũng là lúc cảnh sát L.A đang đẩy mạnh cuộc càn quét chống ma tuý. Cảnh sát trưởng Gates đã gọi đây là “Chiến dịch búa tạ”, và khi cuộc càn quét này bắt đầu leo thang – đã gây ra rất nhiều bức xúc cho mọi người dân tại nơi đây, vì bất cứ ai cũng đều có thể lọt vào tầm nhắm của cảnh sát.

    Chính khoảng khắc này, nhóm đã cho ra đời “Fuck tha Police”, một trong những ca khúc gây tranh cãi bật nhất một thời. Đây có thể nói là một màn phản kháng, một sự khiêu khích của NWA đối với phía cảnh sát. Cũng giống như sự căm phẩn ở những năm 60 do Black Panther từng khởi xướng vậy, chỉ có điều bây giờ nó lại được nhắc lại bằng âm nhạc

    Ice Cube chia sẻ về bài nhạc: “Giọng nói không đủ lớn thì chả ai nghe mày hét được cả, vì vậy tụi tao đã đưa những sự cam chịu đó vào lời nhạc đấy. Đó là tiếng thét gào đấy”

    Ca khúc này đã trở thành một cái gai trong mắt của một số người.

    Tháng 8 năm 1989. Nhóm nhận được một là thư từ FBI cảnh báo về bài hát và buộc tội NWA tội danh “tuyên truyền bạo lực” nhằm chống phá chính phủ, vâng một lá thư mang tính “đe doạ” không hơn không kém. Nhưng một khi nhóm bị chính FBI chỉ đích danh rồi thì rõ ràng thứ họ đang có chính là “sự ảnh hưởng”, và phía chính phủ muốn loại trừ sự ảnh hưởng này từ họ.
    Nhưng không hiểu như thế nào? Lá thư từ FBI lại trở thành một tấm huy hiệu vinh danh của NWA. Họ trở thành một hình mẫu mới cho chủ nghĩa “Tự do ngôn luận”

    Chính vì lý do này, nó như vô hình tạo nên một ngọn lửa bên trong trái tim người hâm mộ của NWA – đã có rất rất nhiều người, thậm chí cả những người da trắng đã xuống đường đồng thanh hô vang nhằm giành lại công bằng cho “Nhóm nhạc nguy hiểm nhất thế giới” này. (Bạn có thể xem thêm về NWA qua bộ phim tài liệu sau đây)

    Với tiếng tăm của mình, tầm ảnh hưởng của mình. Mùa hè năm 89 NWA đã trở thành nhóm nhạc mà MTV không thể nào bỏ qua. Kênh này đã đồng ý phát sóng một MV là “Express Yourself”, video trông có vẻ nhẹ nhàng hơn – nhưng vẫn không quên bộc lộ một mong muốn một cuộc cách mạng.
    Tôi cảm giác họ như kiểu. “Tuần trước tao mới dm cảnh sát, hôm nay tao được lên MTV này. Bảnh chưa?”

    Thực tại rap Việt

    Về vấn đề của Rhymastic, tôi vẫn không hiểu tại sao anh ta lại phải xin lỗi? Lại phải bao biện làm gì?
    Khi còn bé, tôi vẫn luôn được dạy rằng “có lỗi thì phải nhận lỗi”. Vậy chẳng lẽ những trận beef lớn nhỏ khi xưa nó chỉ là những sai lầm tuổi trẻ của Rhy à? Hay nó không có ý nghĩa gì với anh?

    Tại sao các nghệ sĩ của chúng tôi lại trở nên như vậy?

    Nhìn về tự cổ chí kim, “luật lệ luôn là thứ được sinh ra để phá vỡ”, và trong vấn đề này – việc các nghệ sĩ đấu tranh cho bản thân các bạn là điều nên có. Như chính câu chuyện của NWA mà tôi đã nói ở phía trên, họ cũng từng là những nghệ sĩ không được chấp nhận. Nhưng cuối cùng như thế nào? Họ đã để lại cho hậu thế một trong số những câu chuyện sử thi về sự sự tranh đấu không khoan nhượng của họ

    Ây, khoan đã nào. Bên cạnh đó ta cũng không thể nào không nhắc đến yếu tố một phần đã giúp NWA thành công trong cuộc chiến này; đó là họ không hề cô đơn, bên cạnh họ còn có người hâm mộ, còn cộng đồng của họ – những người luôn sát cánh cùng với nhóm, những người luôn sẵn sàng xuống đường để tìm lại sự công bằng cho nghệ sĩ mà họ yêu quý.
    Chợt, khi nói đến đây, tôi lại ngoái nhìn về cộng đồng HipHop của mình thì tôi chỉ biết phì cười. Mang tiếng người hâm mộ, nhưng khi nghệ sĩ yêu thích của các mình bị mang ra tế thì thay vì lên tiếng bảo vệ, thì mọi người lại chọn cách im lặng, một số khác còn ‘hùa’ theo số đông tỏ vẻ cợt nhả vui thích

    Cộng đồng vớ vẩn, người hâm mộ tồi

    Bạn nghĩ sẽ như thế nào, nếu mỗi khi một bài dissing hay một bài nhạc mang tính xã hội nào đó có vẻ hơi gây gắc một tý được ra mắt – thì vài ngày sau nó sẽ lại bị gọi tên trên sóng truyền hình quốc gia?.
    Hệ luỵ kéo theo sau là rất nhiều, trong đó đầu tiên chính là “văn hoá cancel” – khi mà bất kỳ những thứ gì, không cần biết đúng sai, chỉ là không vừa mắt thì họ sẽ yêu cầu tẩy chay ngay lập tức – thậm chí đôi khi là họ cần những cái “like ảo”?

    “Nhân dịp này thanh lọc lại hết như bên Trung Quốc luôn đi ạ” – Một bài đăng trên fanpage Confession

    Nói đến đây chắc hầu hết mọi người cũng ít nhiều có thể hiểu được vấn đề rồi nhỉ? Trong văn hoá HipHop, battle diss sẽ là một điều hết sức bình thường, và dĩ nhiên bài nhạc của Rhymastic không hề sai – cái sai duy nhất tôi thấy được chính là việc anh ta mở miệng xin lỗi nhà đài, quá là vớ vẩn.

    Nếu bạn muốn những nghệ sĩ của mình được được tự do hơn thì đừng chỉ ủng hộ họ qua lời nói.

    Như tôi đã nói ở phía trên, tôi “bảo thủ”, tôi chống truyền thông, thương mại – nhưng tôi chưa bao giờ nói rằng việc các nghệ sĩ kiếm được lợi nhuận từ những sản phẩm của mình là sai. Bây giờ hãy thử đặt vấn đề này lên cán cân, một bên là cộng đồng còn một bên là truyền thông bạn sẽ có thể thấy rõ – phía cộng đồng được bao nhiêu phần trăm người hâm mộ ủng hộ nghệ sĩ của họ bằng hiện kim? Bao nhiêu phần trăm bằng lời nói? Còn về phía truyền thông thì ngược lại, chúng cho các nghệ sĩ của chúng ta rất nhiều, và dĩ nhiên thứ gì nhiều thì buộc phải đánh đổi

    Tôi nghĩ thể loại này vẫn còn bị xem thường lắm, mọi người vẫn không chấp nhận nó. Và nếu bạn muốn thứ âm nhạc này vẫn sống, muốn thay đổi quan điểm của mọi người – thì đó là do bạn, do cộng đồng của bạn, do nghệ sĩ của bạn. Tất cả cùng nhau đấu tranh – không khoan nhượng để cùng tạo nên tiếng nói cho Rap Việt này


    Các bạn có thể xem thêm về vấn đề này qua bài viết:

    Tomura
    Tomura
    Founder of Gangs World

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây