More

    “Mara Rap” – Theo các nhà phê bình văn hóa, Hip Hop vẫn sống … Nhưng không phải trên màn ảnh

    Honduras, El Salvador và … tất cả đều là những quốc gia thuộc vùng Trung Mỹ, và âm nhạc có mặt khắp mọi nơi ở đất nước này, trong đó có thể kể đến những bản oldschool rap mang đầy màu sắc chính trị, nó như một thứ công cụ giúp họ phản ánh sự hèn kém của nhà cầm quyền đất nước nơi họ sinh sống

    Và tại đây, những bản nhạc như thế thường được sáng tác bởi những thành viên của của hai băng nhóm lớn mạnh nhất đất Nam Mỹ là Mara Salvatrucha (MS13)18th Street Gang (Mara 18), cả hai đều là những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đa sắc tộc với khởi đầu chỉ là một băng nhóm đường phố ở những vùng ngoại ô Los Angeles vào thập niên 80

    Là một tổ chức khởi điểm tại L.A, một trong những vùng thánh địa của văn hóa Hip-Hop thế giới. Có lẽ từ đó, những băng nhóm La-Tinh như MS13 hay Mara 18 ít nhiều cũng đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi thứ văn hóa đường phố này, họ cũng có những ‘gang signal’ (ký hiệu băng đảng) của riêng tổ chức như hầu hết các băng đảng Mỹ gốc Phi như Crip và Blood; từ tiếng lóng, ký hiệu tay, những bức vẽ graffiti, hình xăm, và đôi khi còn là những bản rap

    Đầu tiên để nói về điều này thì chúng ta nên xem xét tất cả, ở một góc nhìn đa chiều hơn. Ở đây, những hình ảnh vô cùng bạo lực mà chúng ta thường thấy ở những băng nhóm như MS13 thường là từ các bộ phim, chương trình truyền hình, tin tức, các bài báo và các loại phương tiện thông tin đại chúng khác, và tất cả đều có xu hướng đào sâu vào những hành vi bạo lực của họ mà không nhìn vào các điều kiện kinh tế, môi trường sống và xã hội tồi tệ – thứ đã khiến cho những con người này phải sẵn sàng bước chân vào con đường đầy nguy hiểm này. Và khi chúng ta loại bỏ những hình ảnh như trên, rồi thử lắng nghe những bài nhạc được viết bởi chính những con người này, thứ được họ gọi là Mara Rap. Với nội dung lẫn phần giai điệu mang đậm màu sắc “Gangsta Rap” của thập niên 80 – 90 Westcoast, Mara Rap chính là thứ công cụ giúp họ có thể bộc bạch tất cả; từ những câu chuyện về quá trình lớn lên, lăn lộn trên đường phố và cả cách những con người này tồn tại. Cũng như Gangsta Rap của quá khứ hay Drill của hiện tại, thứ âm nhạc này như một tấm gương phản ánh bạo lực, nghèo đói và cũng đồng thời khẳng định quan điểm rằng gắn kết với nhau như một cộng đồng, tuân thủ mọi quy tắc, mệnh lệnh (có thể là bạo lực và vô cùng cực đoan) chính là thứ duy nhất giúp họ thoát khỏi những vấn đề trên. 

    “No Message, Just Reality”

    Năm 2006, một trong những nhân vật mang tính biểu tượng của hip-hop là Nas đã cho ra đời một ca khúc có tựa đề phản ánh điều mà nhiều người trong cộng đồng đang nói đến trong gần một thập kỷ: “Hip Hop is Dead”. Điều này có lẽ sẽ khá bất thường đối với những người đã chứng kiến ​​sự phát triển mạnh mẽ của hip-hop và rap trên các đài phát thanh và truyền hình trong hơn ba mươi năm qua. Tuy nhiên, theo một góc nhìn, thì sự bùng nổ này chính xác cũng là lý do dẫn đến cái chết của thể loại này. Dựa theo suy nghĩ của Nas, chúng ta sẽ phải xét tất cả với vị trí của anh ấy, một trong những biểu tượng của hip-hop. 

    Đầu tiên là việc Nas đã cho ra mắt album đầu tiên của mình, “Illmatic”, vào năm 1994, vào thời điểm mà nhạc rap vẫn đang giữ cho mình một vị trí khá khiêm tốn. Cùng lúc đó, Tupac rap về việc mẹ anh đến thăm anh trong tù sau một vụ bắt giữ do những vấn đề về chủng tộc; Public Enemy thì đang ra sức chiến đấu với mấy tay cảnh sát phân biệt chủng tộc tại một số khu dân cư nghèo khó nhất ở Hoa Kỳ; Còn The Notorious BIG thì hồi tưởng lại “sinh nhật là những ngày tồi tệ nhất” vì mẹ anh nghèo nền mức còn không có tiền mua quà cho anh trong track ‘Juicy’. Như vậy đấy, với Nas và nhiều nghệ sĩ hip-hop khác là việc họ đang chứng kiến ​​sự thay đổi từ những vấn đề cơ bản này sang một nhóm chủ đề hời hợt hơn. Như ngày nay, mainstream rap phần lớn đã trở thành một cách để những rapper khoe khoang về tiền bạc, của cải vật chất, và gái gú … họ đã vứt bỏ những bản nhạc đầy xúc cảm cùng ca từ ý nghĩa gắn liền với những bản rap của những năm 80 và đầu những năm 90 để thay vào đó là những thứ vớ vẩn đầy sáo rỗng. Cùng với những điều này, những lời chỉ trích của Nas nhắm thẳng vào việc rap bị thương mại hóa quá mức, hoặc những rapper tự nhận mình là xã hội đen trong các album (studio gangsters) nhưng bản thân lại xuất thân từ tầng lớp trung lưu, thậm chí ngay cả một số đứa thì giàu có, tất cả đều ít hoặc không hề có tý kiến ​​thức gì về tình trạng khốn khó và đầy bạo lực thường xuyên xảy ra trong nội thành. Trong bài hát của mình, “Hip Hop is Dead”, Nas đã hỏi:

    “What influenced my raps? Stick ups and killings, kidnappings, project buildings, drug dealings”
    (Thứ gì đã ảnh hưởng đến rap của tao? Cướp của và giết người, bắt cóc, dự án xây dựng, buôn bán ma túy)

     Những câu chuyện từ đường phố này đã thay đổi từ:

    “Turntables to mp3s, from Beat Street to commercials on Mickey D’s, from gold cables to Jacobs, from plain facials to Botox and face lifts”
    (Từ turntables cho đến mp3, từ Beat Street cho đến quảng cáo trên Mickey D’s, từ xích vàng cho đến Jacobs, từ chăm sóc da mặt đơn giản cho đến Botox và nâng cơ mặt)

    Vâng! Theo như Nas, rap đã mất đi thế mạnh của nó, và tất cả đã tự tách rời nó khỏi cội nguồn vốn có của mình

    Cùng những nhận định này, các nhà phê bình văn hóa đã có xu hướng đồng ý với Nas hoặc tin rằng mặc dù nhạc rap vẫn còn, nhưng hip-hop chắc chắn đang trút hơi thở cuối cùng. Như Tricia Rose đã lập luận rằng, thể loại này có thể chưa chết, nhưng “nó đang bị bệnh nặng, bệnh rất nặng”, cô ấy chỉ ra rằng “việc chúng ta thương mại hóa hình ảnh cuộc sống đường phố ở các khu ổ chuột sẽ có thể làm mất tác dụng ban đầu của nó như của một cách diễn đạt của một loại hình nghệ thuật từng được coi là ‘sự bùng nổ đầy cảm hứng’ với ý tưởng, cũng như mong muốn một cộng đồng tốt hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một cộng đồng như vậy vẫn tồn tại, một cộng đồng đầy tệ nạn, và bạo lực ngoài sức tưởng tượng? Và điều gì sẽ xảy ra nếu chính cộng đồng này tạo ra một loại hip-hop với ý tưởng khôi phục và đoàn kết mọi người trong khu phố, không phải như một phương tiện để bán đĩa hoặc chỉ để quảng cáo? Thật sự đó là một điều không tưởng, nó như kiểu một tuyên bố về tình yêu cộng đồng, sự sáng tạo, khẳng định và sự phản kháng”. Chính đây là điều mà Rose, Nas và nhiều người khác tin rằng nó đang dần biến mất khỏi hip-hop đương đại

    Hay Tony Mitchell đã từng chỉ ra trong phần giới thiệu của cuốn ‘Global Noise’: “Có thể hip-hop được sinh ra ở Mỹ, nhưng có lẽ bây giờ chúng ta cần phải nhìn ra ngoài nước Mỹ một tý, một môi trường mới, nơi mà hip-hop đang có những dấu hiệu phát triển mạnh mẽ về sự sống bên ngoài phòng thu. Nhiều cộng đồng trên khắp châu Mỹ ngày nay đang phải trải qua những trở ngại xã hội tương tự như những gì mà những người tiên phong của dòng ‘conscious hiphop’ trong những năm 80 và 90, và tương tự như vậy, các thành viên bên trong những cộng đồng này cũng tìm một cách để có thể bộc bạch tất cả”. Trong cuốn sách này Mitchell đã đưa ra lập luận rằng những khu vực dân cư ngoại vi, nghèo đói và đầy tệ nạn này đang tạo ra cho mình một loại nhạc rap đúng với tinh thần vốn có của những nghệ sĩ hip-hop tiên phong: “Ví dụ như băng đảng đường phố xuyên quốc gia Mara Salvatrucha, hay còn được gọi là MS-13, có thể mở rộng địa bàn qua hàng chục quốc gia trong xã hội đương đại, nhưng nguồn gốc của họ nằm ở đầu những năm 1980 trong nội thành Los Angeles, nơi sản sinh ra thể loại Gangsta Rap đình đám một thời. Băng nhóm này đã bị ma quỷ hóa trong các bộ phim tài liệu như ‘The World’s Most Dangerous Gang’ năm 2006, hay như trong bộ phim ‘Sin nombre’ của đạo diễn Cary Fukunaga cũng vậy, hoặc trong vô số các phóng sự truyền hình và các bài báo và tạp chí đã ghi lại sự trỗi dậy của MS-13 trong suốt hai thập kỷ qua. Trong những ví dụ này và vô số ví dụ khác, băng nhóm này luôn bị gắn mác như những tên đồ tể khát máu và đầy man rợ; nhưng tất cả lại hiếm khi tập trung vào nguồn gốc của họ, hoặc các điều kiện kinh tế và xã hội buộc các thanh thiếu niên trên khắp châu Mỹ phải tìm đến MS-13 như một hy vọng sống sót duy nhất của mình. Và với Mara Rap, một thể loại âm nhạc phản ánh bạo lực, vâng, nhưng nó cũng nói lên sự nghèo khổ và khó khăn mà những cộng đồng này phải trải qua”

    Tương tự như NWA, Tupac và Ice-T, các rapper của MS-13 thường xuyên nói về cuộc sống ‘rày đây mai đó’ trên đường phố El Salvador và các vùng lân cận của Guatemala, ngoài nội thành và ngoại ô Los Angeles. Tuy nhiên, mặc dù ảnh hưởng của Gangsta Rap là khá rõ ràng với Mara, nhưng họ vẫn có thể tạo ra những bài nhạc và giai điệu rất riêng của MS-13. Như việc các chủ đề và ngôn ngữ trong Gangsta Rap truyền thống đã được họ thay đổi, mã hóa lại để có thể phù hợp hơn với văn hóa địa phương cũng như tổ chức của mình

    Hip hop vẫn chưa chết. Nó đang sống tốt và đang phát triển rất mạnh mẽ tại một trong những cộng đồng đáng sợ nhất trên thế giới

    Tomura
    Tomura
    Founder of Gangs World

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây