Xuyên suốt lịch sử hip-hop đã có hàng loạt các nghệ sĩ, rapper sử dụng hình ảnh mang tính chất tôn giáo để đưa vào các tác phẩm của mình, từ lời nhạc cho đến cả phần hình ảnh; dĩ nhiên Đức Chúa Jesus cũng là một trong số đó. Và có lẽ phổ biến nhất là hình ảnh ‘Chúa bị đóng đinh’ trên thập tự giá, và cả “Bữa tối cuối cùng”, bức tranh nổi tiếng của danh họa người Ý, Leonardo da Vinci.
Và dười đây là một bài lược sử ngắn gọn về cách các rapper đã vay mượn hình ảnh của Chúa Jesus
2Pac trên bìa của “The 7 Day Theory” (1996)
Hình ảnh Tupac Shakur bị treo trên thánh giá trong album di cảo đầu tiên của anh. Mặc dù đây là một tác phẩm được phát hành sau khi Pac nằm xuống, nhưng anh ấy thực sự là người đã yêu cầu họa sĩ Riskie Forever của Death Row thực hiện nên bức vẽ này.
Riskie cũng đã từng chia sẻ về lần đầu tiên anh ấy cho 2Pac xem tác phẩm này trong một cuộc phỏng vấn bởi ‘This is 50’ .
“Vào thời điểm đó, đó chỉ đơn giản là một bản phát họa, thực sự thì lúc đó tôi chưa vẽ cây thánh giá vào cả, vì tôi nghĩ rằng Pac chỉ đang lảm nhảm thôi,” Riskie nói. “Anh ta lúc đó như thể, ‘Này, tôi muốn một cây thánh giá với tên của những thành phố từ Đông sang Tây trên nó.’
Với chiếc khăn được đội trên đầu và dây thép gai được quấn trên cổ tay, hình ảnh Tupac bị đóng đinh trên thập tự giá với tên những thành phố có đông người da đen sinh sống đã được tạo ra bởi Riskie. Có lẽ với Pac, anh ấy đã nghĩ rằng anh chính là vị cứu tinh của người da màu tại Mỹ, và huyền thoại West Coast cũng đã thực sự bị ‘đóng đinh’ theo một cách khác sau khi thực hiện album này.
Vào thời điểm thu âm “The 7 Day Theory” là sau bản án 11 tháng vì tội tấn công tình dục, và cũng gần với ngày anh bị bắn 5 phát tại Quad Recording Studios .
“Tôi cảm thấy như chúng tôi đã bị đóng đinh… Kinh thánh nói với chúng tôi rằng tất cả những những điều này xảy đến là vì chúng tôi quá khác biệt,” anh nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1996 với Tạp chí Vibe . “Tôi đã bị bắn năm lần… và tôi đã bị đóng đinh trước giới truyền thông, các bạn hiểu ý tôi là gì má phải không?… Vì vậy, ở đây tôi không nói tôi là Chúa Jesus nhưng tôi đang nói rằng chúng tôi đang phải trải qua chuyện này mỗi ngày”
Nas trong video “Hate Me Now” (1999)
Không có gì đáng chú ý hơn là album lên kệ năm 2002 của Nasir Jones khi mang hẳn tựa đề “God’s Son”, hay năm 2004 Queens MC cũng tái hiện cảnh trong bức họa “Bữa tối cuối cùng” của Da Vinci, khi anh ngồi giữa một chiếc bàn dài được bao quanh bởi những người bạn trên ảnh bìa của “Street’s Discip” .
Nhưng có lẽ sớm nhất chính là MV năm 1999 của anh, “Hate Me Now”, nơi anh ấy mang trên đầu một chiếc vương miện đầy gai, kéo lê cây thánh giá qua cát trong khi mọi người chế nhạo và ném đá vào người anh ấy.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2007 với Rolling Stone, Nas nói rằng mình đã được truyền cảm hứng bởi những phản ứng tâm lý ‘hive-mind’ (tâm lý bầy đàn) dữ dội đầy tiêu cực mà anh ấy chứng kiến khi vở kịch “Passion” được công chiến với sự tham gia của một diễn viên da đen trong vai Chúa Kitô.
Kanye West trên trang bìa của Rolling Stone (2006)
Kanye West thì không phải nói, anh ta đã sử dụng hình ảnh tôn giáo trong âm nhạc của mình kể từ khi bỏ học đại học. Rất nhiều bản hit của Ye đã liên tượng đến hình ảnh của Chúa Jesus, nhưng chỉ trên trang bìa của tờ Rolling Stone năm 2006 thì hình ảnh này mới được áp dụng trực tiếp cho West.
Vào thời điểm xuất hiện trang bìa, anh ta là một trong những chủ đề gây tranh cãi về những lời bình luận mà anh đưa ra trên chương trình gây quỹ của đài NBC dành cho các nạn nhân của cơn bão Katrina. “George Bush không quan tâm đến người da đen” là câu nói đầu tiên và là đáng nhớ nhất của anh.
Bên cạnh những phản hồi tiêu cực thì anh cũng đã được khen ngợi vì sự dũng cảm của mình khi dám lên tiếng trên NBC, West còn bày tỏ rằng anh cảm thấy việc lên tiếng chống lại sự kỳ thị đồng tính trong giới hip-hop trong một cuộc phỏng vấn với MTV năm 2005 cũng thực sự là một rủi ro lớn. “Tất cả mọi người trong hip-hop đều phân biệt đối xử với những người đồng tính,” anh nói. “Tôi thực sự muốn nói điều này với nước Mỹ. Tôi muốn xuất hiện trên TV và nói với các rapper của mình, các bạn bè của tôi rằng ‘Này, dừng chuyện này lại đi.”
Là một bài lược sử ngắn, chắc chắn sẽ không đầy đủ. Vẫn còn rất nhiều những tác phẩm mang đậm sắc màu của Jesus như Ma$e trên bìa của album “Crucified 4 the Hood” (2006), Remy Ma trong mv “Shesus Khryst” (2007), Ab-Soul với “Stigmata” (2014), hay mới đây nhất là Kendrick Lamar khi anh biểu diễn tại sân khấu Glastonbury Festival năm 2022. Dù là tích cực hay tiêu cực, thì đối với mỗi cá nhân này tất cả đều muốn thể hiện sự ảnh hưởng của mình đối với xã hội, một trường phái thể loại – hay đơn giản chỉ là “đức tin”