More

    N.W.A vs. Wu-Tang clan – Thứ chúng ta nhận được?

    Ngắm nhìn những di sản của hai nhóm nhạc vĩ đại nhất của HipHop

    N.W.A. – Phản văn hóa, tính độc tôn và sự máu chiến – họ chẳng có bất cứ một đối thủ nào ngoài chính họ. Để khám phá những đối cực, mâu thuẫn sâu xa hay sự phản bội trong âm nhạc của họ, thì bạn cần nhìn HipHop bằng một cái nhìn toàn diện: ví dụ, khi xét đến sự bất bình, ta có những bản rap gay gắt về cảnh sát, về đống đồ hiệu Supreme, về Guns N Rose. Tương tự thế, khi chủ đề trở thành: “đâu là nhóm HipHop vĩ đại nhất mọi thời đại”, thì việc N.W.A và Wu-tang Clan được đặt lên bàn cân so sánh là một điều dễ hiểu.

    Gã này (N.W.A) tan đàn xẻ nghé được 1 năm (hoặc 4 năm, nếu tính từ khi Ice Cube rời nhóm) thì gã kia (Wu-Tang Clan) mới bắt đầu xây dựng cơ đồ, nhưng xét về một khía cạnh nào đó, hai đội này giống như hình ảnh phản chiếu của nhau vậy. Với những ranh giới được vạch ra tại thời điểm đó, hai nhóm nhạc, với gốc gác riêng của mình trên bản đồ nhạc rap, thứ đã biến sự tách biệt về mặt địa lý trở thành những đặc sản của chính họ. Họ nâng tầm cái chất của khu vực mình lên trước khi tiếp tục tuyên ngôn thứ lí tưởng đó bằng những phương thức độc nhất vô nhị. Và vì mỗi đội là tập hợp của những gã hiếu chiến, dễ kích động với cá tính phi thường, nên thử tưởng tượng xem, những cuộc đối đầu giữa từng cá nhân trong đó chắc chắn sẽ là những trận beef 1 chọi 1 bất phân thắng bại. Dr Dre hay RZA, ai mới là producer có nhãn quang tinh tường hơn? Eazy-E và Ol’ Dirty Bastard, ai “chó điên” hơn? Và giữa MC Ren với U-God, ai mới là kẻ có màn solo dở tệ hơn?

    N.W.A, xuất phát điểm

    Tới nay, kế hoạch biến “Gangsta Rap” trở thành một món hàng trị giá tỷ đô gần như đã đâu vào đó. Vì vậy, điều quan trọng ta cần nhớ là khi đĩa thứ hai của N.W.A – “Straight Outta Compton” – ra mắt năm 1988, nó đã được dự đoán, và bị coi như một mối họa. N.W.A. được diễn dịch ra một nghĩa chứa từ cấm đó là Niggaz With Attitude”, và cũng có nghĩa là “No Whites Allowed.” Tất nhiên, mối hiểm họa này tăng sức đe dọa gấp đôi khi album được chào hàng, rao bán cho các thanh niên da trắng vùng ngoại ô. Album hứng chịu sự phản đối kịch liệt từ phía các bậc phụ huynh, vô vàn chỉ trích từ các nhà phê bình, và đỉnh điểm là một bức điện mạt sát thậm tệ được gửi tới Priority Records với sự hậu thuẫn của FBI. Tổ đội 5 người đến từ Compton không ngần ngại “bơm” đầy những thứ mới mẻ vào dòng nhạc pop chính thống, với nhãn Parental Advisory (cảnh báo) được gắn trên cùng.

    Và trông, những thành tích mà họ đạt được thật đáng kinh ngạc: Với Straight Outta Compton (LP duy nhất của N.W.A với đội hình gốc), NWA đã tạo ra một “tính thể” Gangsta-Rap như chúng ta đã biết – một cá tính theo chủ nghĩa Darwin đầy lạnh lùng, một tâm thái kỳ thị nữ giới đầy tếu táo, một tư tưởng chống chính quyền đầy quyết liệt – và kiến thiết tất cả thành một hệ quy chuẩn trong HipHop. Nhưng thật sự thì những gì N.W.A làm được đã manh nha từ thời các MC đi trước như Schoolly D hay Ice-T, nhưng phải đến lúc này, tại đây, Gangsta Rap mới thực sự chiếm một chỗ đứng trong tri nhận quần chúng.

    Đến ngày hôm nay, NWA được tôn vinh như tượng đài sừng sững của một phong cách HipHop vô cùng dữ tợn, quyết tuyệt đậm chất đường phố; và một thứ mà nhóm đã vượt qua Wu-Tang một khoảng rất xa đó chính là tầm ảnh hưởng: lối vận rap của N.W.A. cách đây 20 năm đã được chắt lọc và kế tục nơi cảm xúc thăng hoa trong nhạc Tupac, kỹ thuật điêu luyện của Biggie, chủ nghĩa tư bản của Jay-Z, nhưng những nền tảng cốt lõi vẫn được giữ vững.

    Đến đây. Khi tôi nghĩ về Straight Outta Compton, chúng ta thường nhớ về hai “cú đấm” sát phạt liên hoàn ở phần mở đầu album: âm thanh chói tai của máy bay không người lái từ ca khúc chủ đề cùng tên, và ngay sau đó là tiếng hô “Fuck tha Police”. Đây là những lời giễu nhại sâu cay và là bản án tiên phong đầy uy lực được thiết tạo trên những tiếng ồn ác liệt đến nghẹt thở; với 2 “cú nổ” dài 5 phút, N.W.A đã tái hiện sống động một “mảng miếng” Compton oằn oại trong địa ngục Hoa Kỳ và chĩa khẩu AK-47 vào chủ nghĩa chính trị cấp tiến, tất cả đã khiến cho đối thủ một mất một còn của họ đang thống trị sàn đấu rap vào thời điểm đó, Public Enemy, trông như mấy tay viết pam-fơ-lê cổ lỗ sĩ.

    Nhưng một nhóm rap được xưng tụng là “Băng nhóm nguy hiểm nhất thế giới” có thể nguy hiểm đến mức nào chứ? Một trong những điều đặc biệt nhất khi nghe các bản thu của N.W.A chính là sự gợi nhắc về cái cách mà họ sẵn lòng thể hiện sự khôi hề của mình; thứ “reality rap” mà nhóm tự xưng đã được sân khấu hóa rất nhiều ngay từ thuở đầu. Eazy-E, MC Ren và Dr Dre đều có thể kết hợp việc nhả chữ với những màn diễn xuất bùng nổ, chuẩn chỉ bất ngờ theo sau sự dẫn dắt của Ice Cube (lại nói, khởi điểm này khiến ta không quá khó để liên hệ Cube với gã khổng lồ của dòng phim Giáng sinh trong tương lai); họ đã nỗ lực rất nhiều để tạo nên nét hài gây sốc dị biệt, điều này đã đạt đến ngưỡng cực kỳ lố bịch trong lần ra mắt solo năm 1988 của Eazy-E: “Eazy-Duz-It”; hay phải kể đến trong “Straight Outta Compton”, tiếng kèn trong sách khải huyền được Dr Dre và DJ Yella đan cài với âm hưởng funk đẩy đưa, vui nhộn và cũng không thể bỏ qua “Something 2 Dance 2” – con track có đoạn nhạc điện tử được sample từ phim Mighty Mouse. Bây giờ người ta đã chấp nhận rằng mấy tay gangsta thì không có nhảy nhót gì hết, nhưng riêng Dre, người đã bắt đầu đời âm nhạc của mình với World Class Wreckin ’Cru, thì luôn ấp ủ một ước ao thầm kín đó là được kéo mọi người vào sàn nhảy.

    Ngoài “Fuck Tha Police”, N.W.A chưa bao giờ đưa ra những ý tưởng quá sức mạch lạc, tuần tự như một chương trình nghị sự, nhưng họ đích thị là những nhà chính trị. Họ chỉ cần nhìn chằm chằm vào máy quay là đã thể hiện được sự gan lì bất quy tắc, hiện tượng năm gã đàn ông Mỹ gốc Phi nổi loạn, hung hiểm, cuồng dâm đã quá đủ để kích động, gây hoang mang và mê hoặc vô số khán giả đại chúng. N.W.A nhận thức rõ điều này. Trong một trong những ảnh họa báo nổi bật nhất của nhóm, 4 gã đàn ông áo quần chỉnh tề đứng trên bãi biển, họ đứng sau tiền cảnh là hai người phụ nữ da trắng bị làm mờ; bố cục bức hình bị choán đầy bởi sự bí bách, điều quan trọng hơn cả là cảm giác ấy xuất phát từ một thứ phức cảm lo ngại, rằng nếu bạn dâng trào ý nghĩ muốn bảo vệ hai người phụ nữ đang nằm về hai phía, bạn sẽ rơi vào một cái bẫy được giăng sẵn đầy toan tính và khôn ngoan, để bắt gọn bọn AmeriKKKans (một slang dùng để mỉa mai người Mỹ theo chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc).

    Cơn sốt hung bạo, bất chuẩn mà N.W.A tạo nên trong nội thành mạnh mẽ đến mức khi cuộc bạo động ở L.A nổ ra vào năm 1992, nhiều “con mắt” đã ví âm nhạc của họ như làn khói báo hiệu cho một trận hỏa hoạn. Tuy nhiên, luồng khí đốt cháy theo đúng nghĩa đen này cũng khiến người ta lãng đi mất rằng nhạc N.W.A tẻ nhạt đến nhường nào. Thời gian thường làm những hành vi quá khích trở nên nhạt nhòa, nhưng có lẽ N.W.A không hiểu điều đó, khi nghe liên tục ba album của nhóm — bắt đầu với N.W.A và Posse năm 1987 và kết thúc với Niggaz4Life năm 1991 — bạn sẽ nhận thấy một sự rập khuôn đã được dự tính từ trước: họ chấp chới giữa tính gây sốc với những công thức gây sốc cũ mèm. Họ nhấn vào một cái nút, rồi cứ thế, nhấn liên tục cho đến khi ngón tay cái rỉ máu. 

    Sự bác hạ phụ nữ của N.W.A, thứ mà họ vẫn thường đem ra cười cợt để gây choáng, càng ngày càng khiến người ta khó chịu. Trong “Straight Outta Compton”, khi Eazy-E brag về việc bắn một người phụ nữ “tan xương nát thịt” (“got the lead penetration”), và rời đi như “một cơn gió” (“a little gust of wind”) khỏi hiện trường vụ án, không thể phủ nhận đó là một loạt các hành vi đáng quan ngại về giới, bạo lực và lối gây cười vô nhân tính; vào thời điểm Ice Cube phát ngôn: “Tao nghĩ bằng cái đầu c**”, trong bản rap “hai lúa”, “I Ain’t Tha 1”, không nói đến ý mỉa mai ít nhiều trong line đó, nhưng sau cùng thì anh ta cũng chỉ tự làm bản thân mình muối mặt mà thôi. 

    Dẫu cho Dr Dre làm nhạc funk mượt ru thì nhiều con track của N.W.A vẫn tạo cảm giác dồn bứ đầy khó chịu: những đoạn nảy âm (staccato) cứ “đóng” vào các bài nhạc liên hồi như thể họ đang được lập trình để thực hiện một nghĩa vụ đầy gượng ép. Xét về mặt lịch sử, cách dùng một giọng nói mang sắc thái vừa tức giận vừa cam chịu chen vào trước các khoảng nghỉ, dữ dội đập vào mic để buộc người ta phải lắng tai mà nghe có thể nói là một sáng kiến quan trọng trong âm nhạc; nhưng đến trường hợp của N.W.A, giọng nói đó dường như chẳng mấy chốc đã ỉu xìu.

    Hơn nữa, không chỉ về mặt nghệ thuật, nhóm cũng liên tiếp gặp phải nhiều biến cố liên quan đến các thù hằn cá nhân và tranh chấp tài chính nên chẳng mấy mà “toang”. Quản lý của N.W.A. – Jerry Heller, đã có một tiết lộ gây chấn động rằng Suge Knight đã dọa giết ông bằng ống tuýp và gậy bóng chày nếu ông không thanh lý hợp đồng với Dr Dre. Sự nghiệp solo của Eazy-E và Ice Cube thời hậu N.W.A thì “được chăng hay chớ” (âm nhạc của họ sau này mang tính chính trị và có sức thuyết phục hơn); căn bệnh thế kỷ AIDS giết chết Eazy vào năm 1995; và lần cuối cùng chúng tôi nghe ngóng được chút gì đó về Yella là khi anh ta đang đạo diễn phim heo. Người duy nhất vẫn còn chỗ đứng quan trọng trong rap game là Dr Dre. Trước tiên, anh đã nhào nặn, xào nấu âm thanh G-funk nghe cho sang hơn, trì hơn trong album The Chronic lên kệ năm 1992, ở đó, tình dục và cảm giác bí hiểm lởn vởn, xuất quỷ nhập thần trong từng bản nhạc như sự tăng giảm khó đoán của biên độ nhiệt; sau nữa, trong giai đoạn thứ ba vô cùng khó tin của dòng pop, anh đã tiếp những bước chuyển đầy chói lóa và mạnh mẽ khi đưa những cái tên như Eminem hay 50 Cent ra ngoài ánh sáng.

    Còn về Wu-Tang clan?

    Sự thật. Sẽ chẳng có Wu-Tang Clan nếu không có N.W.A – 5 tay dữ dằn này đã chứng minh một cách không khoan nhượng rằng các gangsta rapper có thể đạt được thành công lớn mà chẳng cần ăn diện bóng bẩy. Nhưng Wu-Tang Clan đã tạo nên một bước tiến lớn trên phương diện âm nhạc, ngôn từ, và, dù ít dù nhiều, là cả phẩm chất đạo đức. Trong khi các MC của NWA liên tục thể hiện con người họ cho chúng ta thấy: “a crazy motherfucker”, “the type of nigga that’s built to last”, “a real nigga”, “the nigga you love to hate”; thì Wu-Tang lại chuộng lối trần thuật tinh giản và trừu tượng về những gì họ làm: “Stick my Wu-Tang sword right through your navel” (đâm thanh kiếm Võ Đang của tao xuyên qua rốn mày), “crash at high speeds, strawberry kiwi” (không dịch được câu này vì Ghostface Killah bảo thích viết mấy cái mà ngoài ổng ra không ai hiểu được), hay “keep shit stains in my drawers so I can get fizza-funky for you”…. và cả những gì họ thấy.

    Từ đĩa đơn đầu tay ra mắt năm 1992 của Wu-Tang, “Protect Ya Neck” trở đi, cái tôi không được nhóm chú trọng thể hiện nhiều như các tham chiếu võ thuật kung-fu, tuyên ngôn Five Percenter (một phong trào của người da đen) và hàng loạt các phép ẩn dụ độc lạ. Họ hóm hỉnh đặt cho Staten Island – quê hương mình cái tên “Shaolin” (Thiếu Lâm Tự), tổ đội 9 người đã thay da đổi thịt, tôn vinh và sắp đặt ngôn từ một cách tài tình để tái hiện sự tuyệt vọng và không khí ảm đạm nơi đây. Trong những câu chuyện họ kể lại, các tay giang hồ hóa mình thành võ sĩ samurai, sống dưới thể chế phức tạp của một thế giới khác. Và kết quả thật bất ngờ làm sao, họ đã trở thành những nhà duy thực siêu thực đầu tiên của HipHop- một nghịch lý đầy sức thuyết phục.

    Wu-Tang chưa bao giờ là những gã khổng lồ theo phong cách của De La Soul, nhưng sự thông thạo của họ từ việc thể hiện các thâm ý đến chuyện khởi tạo các vũ trụ kung-fu, theo một cách quá đỗi ngược ngạo, đã “quyến rũ” từ những người đam mê văn hóa gangsta đến đến các fans cuồng nhiệt nhất, “trắng” nhất của HipHop. Wu-Tang đã mở ra những thế giới để khám phá, những giai thoại để nghiền ngẫm, những mật mã để giải mã. Những vị thần và vùng đất này là gì? Ý nghĩa ẩn sau con số 36 là chi? Wu-Tang giống Voltron ở điểm nào? Ngoài lề một chút, Wu-Tang cũng là nhóm nhạc rap duy nhất có sách riêng. Giống như Led Zeppelin trong chiếc áo hoodie của Carhartt, họ đã biến hình ảnh đầy nhớp nháp của những kẻ lập dị, bị xã hội ruồng bỏ và những nhà thần học viễn tưởng thành một thứ gì đó cực kỳ thú vị. 

    Với N.W.A, họ tận hưởng kiểu chủ nghĩa khoái lạc đầy khinh bác, còn Wu-Tang, điều khiến âm nhạc của họ mang lại một cảm giác thú vị hơn rất nhiều đó là cách họ làm sống lại những giá trị xưa cũ và mang tính cổ động – những thứ mà N.W.A gạt sang một bên và cho là phù phiếm. Mặc dù vậy, với cá tính ác liệt từ trong chất giọng của mình, Ice Cube và MC Ren đã phát triển một kiểu delivery đầy sức công phá cùng với flow vững vàng; Eazy-E tạo dựng cho mình sức hút của một gã cầm đầu khó ưa, háu chiến, nhưng sự thật là Ice Cube đã ghostwrite hầu hết các bài cho Eazy. Trong khi các con track hay nhất của NWA đi theo sơ đồ vần AABB tương đối đơn giản, thì Wu-Tang lại tiếp thu lối tổ chức vần đầy ngẫu hứng và khó đoán từ người đồng hương đến từ Bờ Đông – Rakim, flow trong các verse của họ ngắt nghỉ liên tục và vô cùng bất ngờ: vần được điệp với những tràng cười khoái trá một cách uyển chuyển, rồi cả vần lưng, vần tệp với nhạc, tiếng ho khùng khục và các từ tượng thanh. (Đôi khi, đặc biệt là trong trường hợp của Ol ‘Dirty Bastard, tất cả các kĩ thuật kể trên đều được áp dụng một cách hoàn hảo.) Các thành viên của Wu-Tang mỗi người một vẻ, nhưng ai cũng có khả năng “trộm” cả bài hát làm của riêng và lạ là tất cả nghe đều tuyệt vời. Raekwon tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi; ODB ngọt nồng túy lúy; Method Man bí hiểm như làn khói cần sa; GZA gai góc, gồ ghề; Ghostface đa cảm;  Inspectah Deck nóng tính; Masta Killa lẩn thẩn khoan thai; U-God là tiếng rồ ga đinh tai; RZA khôn khéo và là kẻ có đôi tai tinh nhạy nhất không phải khi “lắp ráp” các sample mà là khi anh “lắp ráp” những con người này thành một đội.

    Tất nhiên, tài năng của các MC không phải chỉ để trưng. Trong album trình làng năm 1993 – Enter the Wu-Tang (36 Chambers), với con track “Can It Be All So Simple”, Wu-Tang đã giáng một đòn đau điếng vào những niềm hoài nhớ sến sẩm (Lời bộc bạch của Raekwon: “Ông già tao biến thành một con quái vật năm tao lên 16” đã khắc họa chân thực tuổi thơ ngập tràn bi ai); hay “C.R.E.A.M.” – một cái nhìn toàn cảnh 360 độ khắp thành phố, nơi mà những gã mc khát máu của chúng ta phải sống một cuộc đời ê chề nhục bại; và “Tearz” thì bày ra một ghi chép tỉ mẩn (nhằm bác bỏ?) thứ “reality rap” thiển cận của NWA: ca khúc tái hiện lại hai tình huống thuộc phạm trù đạo đức nhưng lại dằn vặt đạo đức con người, đó là một thằng đầu đường xó chợ phải chứng kiến cái chết dã man của người thân và thằng bạn nghiện sex nhiễm HIV của hắn.

    Nếu có thể so sánh. Với Wu-Tang, họ được xưng tụng là những tín đồ của truyện tranh siêu anh hùng. Còn với âm nhạc của N.W.A, thì các siêu anh hùng luôn hành động một cách bộc phát và không màng hậu quả. 

    Tiếp theo là “phụ nữ”, thứ hầu như không xuất hiện trong lời nhạc của 36 Chambers — album này là một “tụ điểm riêng” dành cho mấy gã đực rựa (thoang thoảng hương gay). Bằng chứng là trong bản rap “Maria” gây khó chịu của Wu-Tang hay con track “Wildflower” đầy giận dữ của Ghostface sau này, họ đã thẳng thắn chia sẻ những điều phiền hà đến từ phái yếu, nhưng đồng thời, nhóm cũng cho rằng sự mạt hạ sâu sắc đối với phụ nữ không nhất thiết phải trở thành tôn chỉ của giới gangsta. Trong “You’re All I Need to Get By” của Method Man, cụm ‘my nigga’ đã được mến nhắc như một chủ thể tình yêu — thể hiện một quan điểm giới lệch chuẩn nhưng vô cùng thẳng thắn của tay côn đồ thứ thiệt. (bên cạnh đó, từ rất lâu trước khi hoạt động “chơi gái” trở thành một món hàng bị mua đi bán lại trên thị trường, với “You’re All I Need to Get By”“Camay”, Wu-Tang cũng đã thể hiện rất sắc nét những bản nhạc mập mờ, riêng tư về tình yêu đôi lứa.)

    Dưới cương vị là một nhà sản xuất, RZA đích thị là một nghệ sĩ thể nghiệm tuyệt vời của Hip Hop – quá say mê với các khía cạnh thô ráp, những giới hạn gợi mở và quá thờ ơ với những những đoạn hooks và cấu trúc nhạc cũ rích “bơm máu” cho mấy playlist trên radio. (“CREAM”, bản hit lớn nhất của Wu-Tang, đứng ở vị trí thứ 60 trên bảng xếp hạng nhạc pop.) Với anh, dùng samples không đơn thuần là chơi những đoạn loop nhàm chán, lê thê, mà hơn thế, chúng là thứ nguyên liệu thô chờ đợi một đôi tai nhạy bén đến để bóc tách và xâu chuỗi. Những di sản để đời của bộ đôi Timbaland và Pharrell đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, trong dòng pop chính thống, có rất nhiều không gian để phát triển những âm thanh dị biệt, nhưng luôn có một điều gì đó phức tạp, dị thường và bay bổng trong những con beat của RZA, đó là lý do tại sao những bản soundtrack anh tạo ra luôn đạt hiệu quả cao về mặt biểu hiện và cũng là lí do sức ảnh hưởng của anh khó định hình hơn nhiều so với Dr.Dre: Ví dụ nổi bật nhất phải kể đến là lối production thời kì đầu của Kanye West – được thừa hưởng rất nhiều từ RZA, Kanye đã biến một trong những thủ pháp ưa dùng nhất của RZA là các vocal sample đầy bụi bặm, dồn dập thành một “mánh lới” phục vụ sản phẩm thương mại ngoạn mục.

    Tựu chung, beat RZA sống động, còn beat Dr Dre thì tròn trịa. RZA lấp đầy những bản nhạc sơ sài nhất bằng các trường âm thanh bí ẩn và hấp dẫn: những giọng nói lè nhè, giai điệu khóa thứ chẳng bao giờ thuận tai. Trong khi đó, với “thiết bị” đặc trưng là một hợp âm piano gọn ghẽ, mẫu mực, Dre thổi vào những con beat của mình một phong thái đầy lịch thiệp và gây nghiện ngay tức thì. Nếu RZA đã dành mười sáu năm để khám phá ra những khả thể bao la, đáng ngạc nhiên của một nguyên lý thẩm mỹ duy nhất thì Dre không chỉ theo kịp các xu hướng thay đổi liên tục của Hip Hop, mà anh còn dày công học cách để kiểm soát chúng. RZA cũng đã đồng tình với điều này khi lên sóng MTV: “Không ai có gu âm nhạc tốt hơn Dr Dre”. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhạc của RZA sản xuất cho Wu-Tang hay hơn nhiều so với nhạc của Dre làm cho N.W.A, khi những sáng tạo vĩ đại nhất của Dre phải đến năm 1991 mới xuất hiện.

    Tuy nhiên, đóng góp bền vững nhất của Wu-Tang Clan cho văn hóa Hip Hop có lẽ là nằm ngoài phạm trù âm nhạc: cụ thể là cách họ tái định hình một nhóm nhạc rap theo mô hình kinh doanh. Tự tin là một trong những biểu trưng đường hoàng và mang tính biểu tượng nhất của âm nhạc đã trở nên, họ tung ra hãng quần áo mang tính phát ngôn đầu tiên trong rap. Cửa hàng flagship của Wu-Wear khai trương năm 1995 trên một đại lộ sầm uất ở khu phố Tompkinsville của Staten Island, và chỉ trong vài năm, những chiếc mũ đầu lâu, sweatshirt và quần jeans của họ đã có mặt tại các trung tâm thương mại trên toàn quốc. Cạnh tranh trong kinh doanh để “mở rộng thương hiệu” là một lẽ tất yếu, điều này đã xuất hiện từ rất lâu trước cả khi các hãng Sean John hay Rocawear ra đời (tương tự với trường hợp của Formula 50 và Pimp Juice), và thế là, khi Wu-Wear khai trương cửa hàng, một “doanh nghiệp toàn cầu” dành cho chị em tên Wu-Nails được mở ngay bên kia đường để không khí kinh doanh thêm phần “Nhất cận thân nhì cận lân”. Giờ nhìn lại mặt tiền cửa hàng Wu-Wear, nay đã sập tiệm, ta lại thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của tiệm Starbucks hay Wal-Mart đầu tiên: một tầm nhìn thương mại đầy tham vọng nhưng hãy còn khiêm tốn nằm ngoài sự bành trướng mang tính toàn cầu của Hip Hop

    Quảng cáo của Wu-Wear

    Sự nhạy bén trong lĩnh vực thương mại của Wu-Tang Clan còn được thể hiện ở một khía cạnh quan trọng khác – sự tồn tại lâu dài đến mức khó tin của họ. Ngay từ đầu, hợp đồng của nhóm đã đưa ra một điều khoản rất khôn ngoan đó là mọi thành viên đều có quyền ký hợp đồng solo với bất kỳ hãng nào mà họ cảm thấy hợp ý— không cần đến ống tuýp và gậy bóng chày. Cho đến tận bây giờ, các thành viên vẫn chưa từng gặp phải những tranh chấp tương tự như N.W.A – thứ đã khiến đế chế của họ sụp đổ, và kết quả là chúng ta có tới 5 album nhóm và những 40 album solo. 

    Do thế, một bữa tiệc âm nhạc “phồn thực” được bày ra trước mắt để ta thoả thuê thưởng thức. Nếu bạn muốn tìm hiểu con đường solo của các thành viên N.W.A, bạn có thể chọn Eazy-Duz-It, AmeriKKKa’s Most Wanted hay The Chronic, tải nghe “It Was a Good Day” và bỏ qua phần còn lại để tránh bị “ngộ độc”. Còn khi nói đến các sản phẩm cá nhân của các thành viên Wu-Tang, sẽ thật thiếu sót nếu bạn chưa nghe Liquid Swords của GZA, Only Built 4 Cuban Linx của Raekwon hay Return to the 36 Chambers của Ol ‘Dirty Bastard, Uncontrolled Substance của Inspectah Deck và bất cứ thứ gì với cái tên “Ghostface Killah” trên trang bìa. Cá tính điên rồ nhất quán của ODB trong album của gã, lối production đậm chất avant-garde khác biệt hoàn toàn với các đĩa HipHop vật lí khác và tựu chung các dự án hay nhất của Wu-Tang có thể nói là những tạo tác mang ít tính thị trường nhất. Đặc biệt, Ghostface đã sáng suốt tận dụng vai trò của mình một cách đầy hào sảng để mang đến những nhân cách vô cùng đa dạng bằng các chất liệu âm nhạc “không tuổi” (như “Shakey Dog”“Maxine” là những cuộc đối đầu giết chóc thứ thiệt được đặc tả bằng những pha cắt cảnh liên tục theo hướng lập thể và cảm hứng man dại) hay thậm chí, anh không ngần ngại đắm mình vào thứ xúc cảm “không tuổi” ấy, một cách trực diện nhất, để đào sâu vào những vùng đất chưa một ai khai phá ( trong “Underwater”, anh đã mơ về buổi đi chơi với SpongeBob SquarePants và những nàng tiên cá mặc đồ hiệu).


    N.W.A đã rớt đài TỪ LÂU, còn Wu-Tang thì đã vượt quá xa so với thị hiếu đại chúng hiện thời, album xuất sắc năm 2007 của họ – “8 Diagrams” – đã áp dụng những âm thanh dị nhất mà họ từng có cho tới nay nhưng lại để lại ấn tượng mờ nhạt trên các bảng xếp hạng. Nhưng vấn đề: “real” có thể, và nên có nghĩa là gì? mà mỗi crew “tuân chỉ” theo những góc nhìn khác nhau thì vẫn sống khỏe và được đem ra bàn luận sôi nổi. Ranh giới phân chia các trường phái hậu duệ của nhóm cũng mờ nhạt như một miếng xốp dễ ngấm nước, ngoài những cái tên mà ta có thể nghĩ đến ngay tức khắc như 50 Cent, Young Jeezy, Chief Keef, Pusha T và Rick Ross thì vẫn có những rapper không ngại phô bày sự thuần túy đầy nhân văn và bộc trực trong âm nhạc của mình. Các nghệ sĩ thuộc trường phái khác như OutKast, Lil Wayne và mới nhất là Lil B, A$AP Ferg, Future, Young Thug và Odd Future Collective thì lại tạo nên một “nhân cách” Wu-Tang đầy ngang ngược, khác người.

    Chẳng có chuyện nhóm nào có sức ảnh hưởng lớn hơn nhóm nào. NWA có công khai thác thứ sức mạnh đầy hiếu chiến trong rap chẳng giống ai trước họ và gây dựng một vị trí HipHop chuẩn mực – một con phố nghiện ngập, đấu đá nhau để chuộc lợi và sẵn sàng đẩy ta vào đường cùng: Cho đến nay, bất cứ một sự nhìn nhận sai khác nào thường đều bị coi là lệch chuẩn. Thành tựu của Wu-Tang không nhiều về số lượng, nhưng đều vô cùng quan trọng và để lại những dư âm không thể quên được. Họ dành chỗ cho sự trừu tượng, chủ nghĩa thoát ly và thỏa sức bay lượn tự do giữa những quy chuẩn cứng rắn của “cuốn sách luật” gangsta rap; họ không bao giờ quên những con phố đầy chết chóc, nhưng họ đã biến nó trở thành một nơi giàu mạnh hơn.

    Bài luận được xuất bản lần đầu trong cuốn Rock and Roll Cage Match: Music’s Greatest Rivalries, Decided (Nhà xuất bản Three Rivers Press, 2008). Đã qua chỉnh sửa. 
    

    Tomura
    Tomura
    Founder of Gangs World

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây