Trước hết, tôi muốn nói rằng bài viết sẽ có một số chi tiết bắt buộc phải lấy thẳng từ cốt truyện của phim, và để đảm bảo mọi người có một cái nhìn bao quát hơn về nhân vật thú vị từ tuyệt phẩm “Taxi Driver” của Martin Scorsese, tôi xin khuyên rằng nếu ai chưa xem phim thì hãy xem nốt rồi quay lại đọc tiếp.
“Taxi Driver” thuộc dòng phim tâm lý tội phạm, đào sâu vào những ngóc ngách tăm tối nhất và tìm hiểu sự mâu thuẫn trong tư duy của Travis Bickle – một cựu quân nhân bị hoang tưởng nặng (có thể là PTSD sau chiến tranh) đang cố hòa nhập vào một xã hội loạn lạc. Bộ phim là một trải nghiệm điện ảnh thuần túy, và có phần hơi ngột ngạt với cách sử dụng tông màu và xây dựng bối cảnh có chủ đích của “bố già” Martin Scorsese.
Nhịp phim rất chậm rãi, chủ yếu là phản chiếu lại góc nhìn có phần bị bóp méo của Travis với xã hội và đường phố. Nói toẹt ra là, nếu bạn đang hi vọng một bộ phim hành động với những màn đấu súng tóe lửa (trừ đoạn kết) thì, tôi xin lỗi, đây không phải là loại phim mà bạn đang mong chờ.
Trong phim, ta được thấy Travis Bickle trở về từ chiến tranh, thường xuyên bị mất ngủ, hoang tưởng về thế giới xung quanh mình. Anh cố gắng hòa nhập với xã hội như mọi người bình thường khác, nhưng không thể. Có lẽ khoảng thời gian trong quân ngũ đã khiến anh “tụt hậu” với thế sự. Những nỗ lực để có được những mối quan hệ bình thường của anh đều thất bại, và anh chỉ có một vài người đồng nghiệp làm tài xế taxi để tán gẫu cho qua ngày. Mỗi tối, khi đánh xe vòng vòng qua những đường phố bẩn thỉu và hôi hám, anh chứng kiến những tệ nạn xã hội vụt qua mắt và thậm chí các khách hàng của anh phần lớn là những thành phần ở đáy xã hội, những tên trộm cắp vặt, chuyên gia chăn dắt gái điếm, và những con nghiện. Điều đó, kết hợp với sự hoang tưởng và không thể hòa nhập với xã hội đã sinh ra sự căm thù trong tim Travis và dần bóp méo thế giới quan của anh.
Những chi tiết nhỏ mà tinh tế được Scorsese lồng ghép vào để khân giả có thể cảm nhận được sự mâu thuẫn trong hành động của Travis. Anh tự nhủ bản thân sẽ sống thật “healthy and balance” nhưng lại ăn ngũ cốc với rượu vào sáng sớm. Và dù nói với cô gái anh yêu, Betsy rằng anh không quan tâm đến chính trị, nhưng căn phòng của anh lại treo đầy những poster tuyên truyền của thượng nghĩ sĩ Palestine, người mà Betsy đang làm việc cho. Thậm chí anh còn mang theo chiếc pin: “We are the people” của ông đến buổi diễn thuyết, trong khi trong đầu đang nung nấu ý định bắn ông. Dù căm ghét những kẻ ở dưới đáy xã hội, nhưng anh lại hành xử y chang bọn chúng, từ những hành vi bạo lực cho đến những nơi chiếu phim khiêu dâm mà anh lui tới. Travis càng lún sâu hơn nữa vào vũng lầy hoang tưởng mà anh tạo ra, dẫn đến hành động điên rồ của anh ở cuối phim.
Xuyên suốt bộ phim là quá trình tự hủy hoại bản thân, và những lời độc thoại mâu thuẫn với hành động đúng kiểu “người nói triết lý thì sống như…”. Chỗ 3 chấm tôi xin để các bạn tự điền vào sau khi thưởng thức bộ phim. Nhưng thay vì phán xét và chỉ trích Bickle, tôi lại thấy xót thương cho kẻ cô độc này. Đơn giản là vì chính hắn ta đã tự tách biệt mình khỏi xã hội và dẫn đến quá trình hủy hoại bản thân, chìm sâu trong thế giới quan bị bóp méo và tiêu cực (vốn không thể trách được từ những người đã trở về từ trận địa). Và hơn hết nữa, Martin Scorsese đã khắc họa vô cùng chân thực một xã hội Mỹ những năm 60s – 70s loạn lạc và thoái trào với tệ nạn xã hội đầy rẫy, nhan nhản khắp nơi.
Bài viết trên chỉ là những cảm nhận và góc nhìn của tôi sau khi trải nghiệm bộ phim trên dưới 3 lần.