More

    Sự xót thương cho gã khổng lồ cô đơn mang tên Kanye West

    Tôi thường không đồng ý với nhiều điều mà Kanye đã làm. Đúng vậy. Dù có yêu thích âm nhạc của gã cỡ nào, hay tôi thán phục sự điên rồ trong tầm nhìn của gã đến đâu, thì tôi cũng không thể nào đồng ý với tất cả những gì mà Ye đã, đang và chắc chắn là sẽ làm trong tương lai.

    Có lúc những gì Kanye nói là đúng, dù nó nghe có điên rồ, ngạo mạn hay tiêu cực đến nhường nào, nhưng cách gã đưa ra những thông điệp đó lại khiến ta hiểu nhầm, cũng có lúc là do phía truyền thông đã bóp méo hình ảnh của gã, hoặc là ta chưa bắt kịp được với những gì mà gã muốn truyền tải. Lấy ví dụ như lần Kanye nói rằng chế độ nô lệ là một sự lựa chọn. “400 năm ư? Người ta đã sống dưới chế độ nô lệ trong 400 năm ư? Nó nghe như là một sự lựa chọn vậy”. Đây là một trích đoạn từ buổi phỏng vấn khét tiếng của Kanye từ TMZ, nhờ vào câu nói ở trên. Vậy đã có ai thực sự xem và cảm nhận những gì Kanye nói tại đó không? Hay bạn chỉ xem phân cảnh đó, và phán xét tất cả những gì Kanye nói là sai?

    Với cá nhân tôi, tôi không phán xét ai cả. Các bạn có thể tin vào tất cả những gì các bạn muốn tin, nhưng nếu ngồi xuống để xem, có lẽ bạn sẽ có một cái nhìn toàn cảnh hơn về ý tưởng mà Kanye muốn truyền tải. “Người da màu thường có xu hướng đấu tranh, biểu tình vì một người da trắng giết chết một cậu nhóc da đen, hoặc đội một cái mũ (ý chỉ chiếc mũ “Make American Great Again” trong chiến dịch bầu cử của Trump), nhưng khi 700 đứa bé chết ở Chicago, thì đó là chuyện bình thường. Đó là chuyện bình thường khi người da màu chém giết lẫn nhau”.

    Kanye West

    Tất nhiên, ta đều coi đây là một điều khó nghe. Nhưng đó là sự thật, hoặc một phần nào đó của sự thật mà ta không muốn thấy. Kanye luôn ý thức được những gì đang xảy ra với thế giới, tin tôi đi, chẳng phải khi không mà gã mới trở thành tỷ phú đâu. Nhưng gã chẳng biết chọn cách diễn đạt, hay từ ngữ dễ nghe để rót vào tai ta. Cứng đầu, bốc đồng và nóng nảy, đó là hai từ phù hợp nhất để nói về Ye. Vậy còn những lúc gã ta mềm yếu thì sao? Với một người đang mang trong mình chứng rối loạn lưỡng cực, kiểm soát được cảm xúc của mình là một điều xa xỉ, nhất là với một người còn không thèm điều trị như Kanye. Những khoảnh khắc mà Kanye bùng nổ cảm xúc của mình luôn là thứ được các phóng viên hay paparazzi săn đón “nồng hậu”.

    Thử tưởng tượng nhé, một bài viết mang tiêu đề “Kanye West – Ngôi sao HipHop số 1 thế giới bật khóc trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình”, kèm theo một tấm ảnh Kanye đang khóc nức nở chắc chắn sẽ là một bài báo được lan truyền, dù cho nội dung của nó lủng củng như thế nào. Trái ngược với danh hiệu ‘gã khổng lồ của HipHop’, thì Kanye là một người vô cùng dễ tổn thương. Sau cái chết của mẹ mình, dường như số phận vẫn không buông tha cho anh. Không chỉ mất đi người hiểu mình nhất, yêu thương mình nhất, mà giờ đây, Kanye đã mất đi người vợ của mình, người anh luôn đỗi tôn trọng và yêu thương kể cả khi quá khứ của cô vẫn luôn là một mẩu chuyện để bàn tán và bêu rếu. Dường như Kanye đã từng có tất cả, quyền lực, tiền bạc, gia đình. Nhưng giờ thì gã chỉ là một linh hồn cô đơn, lạc lỏng và vô định. Gã khổng lồ nhìn vào trong gương và chẳng thấy gì cả, chẳng phải đó là điều mà Donda West đã từng dặn anh sao?

    Ye và bà Donda (mẹ của Ye)

    Một lần nữa, tôi không bênh vực Kanye, cũng chẳng ủng hộ gã trong những chuyện đang xảy ra gần đây. Suy cho cùng, đây chỉ là sự xót thương dành cho một thiên tài điên rồ của thế giới hiện đại. Đây là ý kiến của tôi, và của chỉ riêng mình tôi.

    Bài viết gần đây

    Chủ đề liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây